Mô hình kinh tế Mua thịt lợn VietGAP mà căng thẳng lén lút như mua heroin

Mua thịt lợn VietGAP mà căng thẳng lén lút như mua heroin

Publish date Wednesday. November 4th, 2015

Nguyên do của tình trạng trên là những người bán thịt lợn sạch này bị các tiểu thương khác chèn ép, dẫn tới việc cả người mua và người bán đều khổ.

Không biết đâu mà lần

Ngày 9.10, thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP chính thức được bày bán tại chợ Hòa Bình.

Có người lặn lội sớm tinh mơ từ các quận huyện xa đến đây chỉ để mua vài lạng thịt lợn VietGAP về ăn.

Có bà nội trợ hỏi cả mấy tiếng đồng hồ mới tìm đến được nơi bán thịt, ai cũng vui vẻ vì gia đình mình được ăn thực phẩm sạch, rẻ.

Nhiều người dân háo hức và vớt vát chút niềm tin về một địa chỉ bán thịt đảm bảo chất lượng, không tạp chất độc hại.

 

Băng rôn ngày khai trương cửa hàng thịt lợn VietGAP, nay đã phải tháo bỏ.

Thế nhưng, dù được người tiêu dùng quan tâm, đón nhận, cơ sở cung cấp thịt quyết tâm phát triển thị trường và vẫn xác định chuyện lợi nhuận là thứ yếu, hành trình thịt lợn VietGAP đến tay người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn.

“Chỉ vài ngày sau khi khai trương hai sạp thịt lợn VietGAP, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn từ phía các tiểu thương khác.

Họ yêu cầu phải tháo băng rôn xuống, không cho có chữ “sạch”.

Người dân họ chỉ nhớ “quầy thịt sạch” chứ ít chú ý đến chữ VietGAP” - bà Nguyễn Thị Hồng Thắm- Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (đơn vị triển khai bán thịt lợn VietGAP ra thị trường) cho biết.

Cũng theo bà Thắm phản ánh, ngay cả bảng giá cũng bị buộc tháo xuống vì giá thịt của An Hạ bán rẻ hơn.

Người đi chợ, hỏi thăm sạp thịt lợn VietGAP, thì bị “chửi” rằng thịt nào cũng như nhau, mua thịt VietGAP làm gì...

Thậm chí, nhiều người tiêu dùng đã bị một số người bán thịt khác gạt rằng thịt của họ bán cũng là thịt lợn VietGAP, trong khi các loại thịt này không có bao bì in nhãn hiệu.

“Có người cầm theo tờ báo có in hình nhân viên của sạp thịt để tìm cho bằng được chỗ bán nhưng lại bị nơi khác lừa.

Khi tìm ra được sạp thịt thì họ nổi giận, tôi phải vất vả nhờ các bảo vệ giải thích lý do một hồi sau họ mới hiểu”- bà Thắm phân trần.

Ban quản lý chợ ở đâu?

"Chúng tôi đâu cần thiết phải đi bán lẻ vài trăm ký thịt trong khi mỗi ngày chúng tôi cung cấp ra  thị trường hơn 20 tấn.

Điều quan trọng khi làm chương trình này là để người dân biết chỗ bán thịt lợn VietGAP, để mọi người có thịt lợn sạch dùng, yên tâm hơn, nhưng với những khó khăn và cách xử lý như ở đây, thì chúng tôi rất nản”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm

Hiện nay, tại chợ Hòa Bình cũng đang xảy ra tình trạng, nhiều người tới đứng đợi mua nên phải đứng chờ lấn sang các quầy thịt khác nên bị đuổi đi chỗ khác.

Họ phải đứng từ xa ra dấu số lượng rồi nhân viên của sạp thịt mang đến giúp.

Ngay cả một số tiểu thương trong chợ muốn mua thịt lợn VietGAP nhưng sợ bị người bán thịt trong chợ biết, la mắng, nên họ phải đứng bên ngoài cổng chợ điện thoại hoặc nhờ bảo vệ vào mua giúp.

“Mua thịt lợn VietGAP mà tôi thấy giống như đi mua heroin vậy, căng thẳng, vất vả cho người bán lẫn người mua”- bà Thắm cho biết.

Kế hoạch triển khai thịt lợn VietGAP ra các chợ trên địa bàn thành phố của công ty cũng đang gặp khó khăn.

Hiện Công ty An Hạ bán lẻ chỉ có chợ Hòa Bình, chợ Bà Điểm mỗi ngày khoảng 400kg.

Tuy mới chuẩn bị đưa vào chợ Tân Định, chợ An Đông nhưng ban quản lý chợ đã nhắc khéo “công ty bán thịt lợn VietGAP nhưng không được treo băng rôn đề cập đến lợn sạch.

Phải bán giống như các sạp thịt lợn khác”.

Giải thích về sự việc này, ông Phạm Việt Trung- Phó ban quản lý chợ Hòa Bình cho biết: “Thịt lợn VietGAP có tiếng hơn, nên nhiều người tìm mua.

Vì bảng giá, băng rôn lớn, che khuất, tối, nên chúng tôi đã làm lại nhỏ hơn cho phù hợp.

Cũng có vài trường hợp, tiểu thương bán thịt lợn khác nhưng nói là lợn VietGAP.

Sau này chúng tôi sẽ giải thích cho người mua đến đúng sạp thịt có bảng VietGAP và bảng giá”. 


Related news

hop-kin-ve-san-xuat-tieu-thu-muoi Họp kín về sản xuất… su-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi-la-toi-ac Sử dụng chất cấm trong…