Tin thủy sản Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam

Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam

Author Ngọc Hùng, publish date Sunday. April 30th, 2017

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thay vào đó là Nhật Bản, theo số liệu từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay có đến 3 thị trường nằm ở khu vực châu Á. Ngoài Nhật Bản còn có Trung Quốc và Hàn Quốc - hai thị trường lần lượt xếp ở vị trí thứ 3 và 4.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 2,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu vào hơn 160 thị trường nhưng đóng góp lớn nhất cho toàn ngành là bốn thị trường nói trên, chiếm hơn 52% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tương đương 780 triệu đô la Mỹ, trong 3 tháng đầu năm.

Trong các năm trước, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thường dùng cụm từ “thị trường truyền thống” cho 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất gồm Mỹ, EU và Nhật Bản vì mỗi năm mỗi trị trường này đều mang về cho ngành thủy sản trung bình 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2016, EU không còn là thị trường nằm trong top 3 nữa, thay cho vị trí này là Trung Quốc và một trong những nguyên nhân là do cá tra liên tiếp gặp khó ở thị trường EU. Năm 2017, Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) dự báo xuất khẩu cá tra sang EU sẽ vẫn tiếp tục giảm.

Trong các năm qua, hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang Mỹ là cá tra và tôm; trong đó, cá tra luôn là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở thị trường này. Tuy nhiên, từ đầu năm nay Mỹ không còn giữ vị trí này nữa, theo VASEP.

Lý giải cho vấn đề này, VASEP cho biết, nguyên nhân là do gặp khó về thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá gia trơn mà mới nhất là thông tin từ 1-9 cá tra của Việt Nam sẽ trở về tên gọi catfish và nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) như lâu nay.

Như vậy, thời gian qua sự sụt giảm của hai thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam là Mỹ và EU liên quan đến sự sụt giảm lượng cá tra bán vào hai thị trường này. Ngược lại, giá trị xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc luôn tăng và lọt vào danh sách ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là nhờ tiêu thụ mạnh mặt hàng cá tra.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng 8% trong 4 tháng đầu năm là do nhu cầu lớn từ các châu Á và một số thị trường khác. Theo Bộ NN&PTNT, trong ba tháng đầu năm nay, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Brazil với mức tăng là hơn 75%, Hà Lan là hơn 43%, tiếp đến là Nhật Bản là 29,5%, Hàn Quốc là hơn 25%, Trung Quốc gần 18%... so với cùng kỳ.

Từ 1-9, tất cả cá tra xuất vào Mỹ đều bị kiểm tra

Từ ngày 1-9-2017, tất cả các lô hàng cá da trơn, cá tra xuất khẩu vào Mỹ sẽ được yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ để phục vụ việc tái kiểm tra. Các quốc gia, kể cả Việt Nam, muốn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Mỹ phải nộp các tài liệu chứng minh sự tương đồng giữa hệ thống nuôi cá của họ với hệ thống nuôi tại Mỹ.

Thông tin trên được ông Richard Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu, chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng an toàn thực phẩm toàn cầu và giải pháp gia tăng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt" hôm 26-4 tại TPHCM.

Theo bà Lê Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, để chứng minh hệ thống nuôi cá, vận chuyển ở Việt Nam tương đồng với Mỹ là điều rất khó. Bà Minh phân tích, chẳng hạn, người nuôi cá ở Mỹ khi thu hoạch thì vận chuyển cá bằng xe tải về nhà máy để chế biến nhưng ở Việt Nam, nếu tương đồng, thì thay vì vận chuyển bằng ghe, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sử dụng xe tải để chở cá. Điều này không thực tế với điều kiện vùng nuôi ở Việt Nam.

Khi cánh cửa vào Mỹ ngày càng khó khăn, yêu cầu quảng bá, tiếp thị để phát triển thị trường cá tra đến các quốc gia khác rất quan trọng. Và bà Minh chia sẻ kinh nghiệm về cách Hiệp hội cá hồi Na Uy xâm nhập vào thị trường Nhật Bản - quốc gia hiện cũng đã bắt đầu nhập các sản phẩm từ cá tra, để qua câu chuyện, bà hy vọng Việt Nam cũng làm được điều tương tự.

Bà kể, trước đây người Nhật không ăn cá hồi nuôi mà chỉ dùng cá đánh bắt tự nhiên. Thế nhưng, với sự nỗ lực và kiên trì chào mời, giới thiệu sản phẩm, ngày nay cá hồi Na Uy đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận và sử dụng ngày càng nhiều. Cách làm của Hiệp hội cá hồi Na Uy không quá phức tạp. Họ thuê các đầu bếp Nhật Bản nấu và mời người tiêu dùng dùng thử sản phẩm, rồi kết hợp quảng bá trên truyền hình, báo đài bền bỉ trong nhiều năm.

Sở dĩ họ làm được như vậy vì họ có kinh phí để thực hiện và kinh phí đến từ quy chế hoạt động của hiệp hội. Theo đó, bất cứ doanh nghiệp nào xuất khẩu cá hồi đều phải tham gia hiệp hội, và đóng phí để hiệp hội hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Một phần trong đó là chi phí phát triển thị trường và trường hợp ở Nhật Bản nêu trên là một ví dụ cụ thể.

Việt Nam cũng có Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhưng theo bà Minh, hiệp hội không có quyền yêu cầu hội viên đóng khoản phí như vậy. VASEP muốn có quyền đó thì phải được Nhà nước cho phép.

Bà Minh cho biết, thời còn làm ở Bộ Thủy sản, bà từng đề xuất thành lập quỹ phát triển thị trường cho ngành thủy sản, hoạt động trên cơ chế tương tự như Hiệp hội cá hồi Na Uy. Nội dung đã được Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Thủy sản thông qua nhưng cuối cùng bị dừng ở cấp Phó thủ tướng và từ đó đến nay, vấn đề này không thấy được đề cập đến.

Không riêng gì thủy sản, mà với tất cả các nông sản khác của Việt Nam, theo bà Minh, đều rất cần vai trò của hiệp hội nhưng phải là một hiệp hội đúng nghĩa hoạt động vì lợi ý của các thành viên.

Đức Tâm


Related news

choang-voi-ong-chu-quang-ninh-dau-tu-80-ty-dong-nuoi-tom-sach Choáng với ông chủ Quảng… nan-long-voi-con-tom-cang-xanh Nản lòng với con tôm…