Cà phê Nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch

Nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch

Author Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên, publish date Friday. December 13th, 2019

Tại khu vực Tây Nguyên, các doanh nghiệp và người dân đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê với tổng diện tích khoảng 500.000ha.

Để có sản phẩm chất lượng, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, thậm chí là tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch quả cà phê trên nương rẫy. Việc nâng cao được chất lượng cà phê cũng chính là một trong những giải pháp để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có vùng nguyên liệu gần 200ha cà phê trên cơ sở liên kết với các hộ dân. Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch cà phê năm nay, Hợp tác xã này đã cho xây dựng hàng nghìn m2 nhà kính và đặt mục tiêu thu hoạch 100% quả chín.

Đồng thời cà phê nhân phải được phơi trên giàn cao và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Ông Nguyễn Khắc Vị, Trưởng Ban Kiểm soát chất lượng cà phê, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô cho biết, để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay, cách duy nhất là phải sản xuất được cà phê chất lượng cao. Muốn làm được điều này, cùng với quá trình chăm sóc thì khâu thu hoạch cà phê là rất quan trọng.

“Khi sản phẩm của chúng tôi được thu về thì rửa sạch và đưa vào máy bắn màu, bắn quả xanh ra. Quả chín này được xay dập, xay trong máy chế biến ướt mini là hất vỏ ra. Còn nhân cà phê đưa phơi trên giàn cách mặt đất khoảng 20 phân. Làm giàn phơi trên đấy. Bây giờ phải làm như thế mới bán được cho nên là đang vận động bà con làm như thế và cũng giao cho mỗi hộ phải làm bằng được sản phẩm đó để làm sao mình có hàng xuất khẩu” - ông Nguyễn Khắc Vị chia sẻ.

Tỉnh Kon Tum có trên 21.000ha cà phê, vụ thu hoạch năm nay, để nâng cao được chất lượng cà phê, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân thu hái đảm bảo tỷ lệ quả chín; hướng dẫn người dân cách sơ chế bảo quản sản phẩm; đầu tư, hỗ trợ phương tiện, nông cụ giúp quá trình thu hoạch cà phê của người dân được thuận lợi.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân rất nhiều các giải pháp, như vận động người dân để mức độ quả chín trên 90% thì mới bắt đầu thu hoạch đảm bảo chất lượng hạt cà phê tốt hơn. Trong quá trình sơ chế nếu trong trường hợp chế biến ướt phải vận chuyển về cơ sở chế biến trong vòng 24 giờ.

Nếu trong trường hợp chế biến khô phải tổ chức phơi trên sân bê tông. Cũng đã hỗ trợ nhiều các Hợp tác xã để tổ chức sân bê tông phơi. Khi phơi, không nên để độ dầy của cà phê trên 30cm, phải đảo liên tục để đảm bảo hạt cà phê khô, đồng đều và chuẩn bị tất cả các điều kiện, như là bạt để che mưa không được để nước mưa vào hạt cà phê để đảm bảo chất lượng cà phê”


Related news

cham-soc-ca-phe-mua-kho-nien-vu-2019-2020 Chăm sóc cà phê mùa… vang-la-rung-trai-cay-ca-phe-va-giai-phap-xu-ly Vàng lá, rụng trái cây…