Mô hình kinh tế Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Từ Ứng Dụng Khoa Học

Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Từ Ứng Dụng Khoa Học

Publish date Monday. December 1st, 2014

Hậu Giang có nhiều nông sản có thế mạnh cạnh tranh, tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật sản xuất của người dân còn yếu. Từ đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến chưa nhiều, đúng quy trình nên sản phẩm làm ra chưa đồng đều về chất lượng, năng suất chưa cao. Việc giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến là một vấn đề cần thiết.

Chưa mặn mà với khoa học tiên tiến 

Thực hiện dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình chuyên canh lúa và mía cho vùng đất phèn thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, chủ nhiệm dự án Nguyễn Thanh Tuyền cũng gặp rất nhiều khó khăn khi vận động nông dân tham gia. Bởi, nông dân vẫn chưa mạnh dạn và chưa tin tưởng vào kết quả mà khoa học mang lại.

Đến khi tiến hành, mặc dù được hỗ trợ giống, phân bón và chế phẩm vi sinh để trồng mía, nhưng nhiều nông dân vẫn không chịu làm đúng quy trình mà chủ nhiệm dự án đã khuyến cáo. Hậu quả là kết thúc dự án, có một số hộ không đạt được mục tiêu như ban đầu đã đưa ra. Ông Lê Văn Hai, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, giải thích: “Tôi thấy cách trồng mía mới theo kiểu hàng đôi mà các cô kỹ sư khuyến cáo thì năng suất không cao. Bón phân hữu cơ thì trước nay nông dân chúng tôi không quen, vả lại, bón phân lạnh thì cây mía ngọt, mau lớn hơn”.

Ngoài ông Hai còn có nhiều hộ khác cũng rất tin tưởng vào tác dụng tích cực của phân hóa học hơn rất nhiều lần so với phân hữu cơ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, cho biết: Mặc dù chúng tôi đã giải thích và khuyến cáo rất nhiều từ lợi ích của phân hữu cơ, chế phẩm sinh học vừa tốt và an toàn môi trường cũng như giảm được chi phí đầu tư, nhưng vẫn khó làm lay chuyển được nông dân. Trung tâm đã tốn nhiều công sức để sản xuất nấm xanh phòng trừ rầy đầu vàng hại mía rồi cho không nhưng bà con cũng không dùng đến.

Không chỉ vậy, việc trồng mía lưu gốc rất tiện lợi, bớt tiền công, tiền giống so với đầu tư trồng mới, nhưng hiện nay ở xã Phương Bình, việc làm này vẫn chưa được nhiều bà con để tâm. Ông Phạm Văn Hải, ở xã Phương Bình, phân trần: “Ở đây đê bao chưa khép kín, mùa nước nổi ngập liếp mía thì làm sao trồng mía lưu gốc được”.

Trong khi theo thạc sĩ Kiều, tuy đê bao chưa khép kín, nhưng nếu bà con lên liếp mía cao thì vẫn có thể trồng mía lưu gốc. Theo nhẩm tính, nếu trồng mía lưu gốc, mỗi vụ mía, bà con có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền hom mía/công, chưa kể tiền thuê nhân công. Như vậy, cuối vụ, nông dân có thể tăng lợi nhuận lên thêm ít nhất 2 triệu đồng/công mía.

“Nhất thuốc, nhì phân” cũng là tâm lý chung của nhiều nông dân hiện nay. Thay vì để sản xuất ra một loại nông sản chất lượng, năng suất cao thì người nông dân phải chọn giống tốt, sản xuất theo quy trình cụ thể, bón phân cân đối và quan trọng là phòng trị bệnh liên tục, kịp thời.

Thế nhưng, tâm lý chung của bà con nông dân hiện nay vẫn thích dùng thuốc tốt hơn là chọn giống tốt, kháng bệnh. Việc sử dụng bừa bãi thuốc hóa học đã kéo theo tình trạng kháng thuốc của các loại sâu bệnh, kèm theo thói quen bón phân đạm mất cân đối đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Sâu hại không chết, cây trồng được bổ sung nhiều đạm, tuy có mau lớn nhưng yếu ớt, đã trở thành món mồi ngon cho sâu bệnh tấn công.

Giúp nông dân nâng cao kiến thức

Từng tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn trái của Hậu Giang, PGS-TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ cũng rất lo ngại về kỹ thuật sản xuất của người dân. Điều làm ông thất vọng nhất là dù các loại nông sản danh tiếng của tỉnh như quýt đường Long Trị, cam xoàn Phương Phú, xoài cát Hòa Lộc Bảy Ngàn đang có danh tiếng trên thị trường nhưng mẫu mã vẫn chưa đẹp, năng suất chưa ổn định.

Nguyên nhân chính là do người dân chưa nắm bắt hết kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất. Chính vì vậy, năm 2011-2012, ông đã tiến hành đề tài “Hoàn thiện kỹ thuật xử lý ra hoa, quản lý bệnh thán thư và đốm đen vi khuẩn trên xoài cát Hòa Lộc tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang”.

Tại đây, người nông dân xứ Bảy Ngàn đã biết đến ứng dụng bao trái xoài, tạo ra sản phẩm bắt mắt, nâng cao được giá trị trên thị trường. Ông Đinh Văn Phương, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, phấn khởi: “Bây giờ, bà con ở khu vực này đều biết bao trái để trái xoài đẹp, không bị sâu hại như hồi trước nữa. Quả là ứng dụng khoa học mang lợi rất lớn cho nông dân chúng tôi”. Không chỉ biết bao trái mà nhà vườn ở đây còn biết xử lý ra hoa trái vụ, bán được giá cao hơn.

Vì vậy, mà mấy năm gần đây, hộ giàu xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, ông Phương được đặt cho cái biệt danh là vua xoài xứ Bảy Ngàn, vì mỗi năm ông thu về gần 1 tỉ đồng từ 7ha xoài. Từ đó cho thấy, hiệu ứng tích cực của việc áp dụng tiến bộ khoa học đã phát huy hiệu quả.

Trung bình hàng năm, ở tỉnh Hậu Giang có gần chục đề tài, dự án nghiên cứu mới, những ứng dụng kết quả của khoa học vào lĩnh vực nông nghiệp với số tiền hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, để việc ứng dụng tiến bộ khoa học thành công, giúp nâng cao năng suất nông sản và tăng thu nhập cho nông dân đòi hỏi nông dân phải là nòng cốt, tiên phong. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao thay đổi tư duy, nhận thức của nhà nông, đó không phải là chuyện một sớm một chiều.

Theo thạc sĩ Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nông dân đã có tập quán lâu đời ăn sâu vào suy nghĩ của họ. Chính vì vậy, để tăng hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất thì các địa phương trước tiên phải xây dựng được mô hình mẫu và thường xuyên tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học hỏi. Có tận mắt chứng kiến thì nông dân mới tin và khát khao học hỏi, nâng cao tính ứng dụng của các đề tài.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE18326F/Nang_cao_hieu_qua_san_xuat_tu_ung_dung_khoa_hoc.aspx


Related news

nong-dan-xa-nghia-phong-phat-trien-cay-trong-vu-dong Nông Dân Xã Nghĩa Phong… mua-thu-hoach-ca-phe Mùa Thu Hoạch Cà Phê