Mô hình kinh tế Nâng Cao Khả Năng Cạnh Tranh Của Hồ Tiêu Việt Nam

Nâng Cao Khả Năng Cạnh Tranh Của Hồ Tiêu Việt Nam

Publish date Wednesday. August 21st, 2013

Việt Nam, Indonesia, Ấn độ, Brazil, Malaysia và Srilanka là 5 nước chiếm hơn 95% sản lượng tiêu xuất khẩu thế giới, trong đó Việt Nam chiếm 44% tổng lượng xuất khẩu và đứng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu hạt. Nước nhập khẩu tiêu lớn nhất là Hoa kỳ với thị phần nhập chiếm khoảng 24% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu; đứng thứ hai là Đức 10%; các nước tiếp theo là Hà Lan, Singapore và khối Arab, mỗi nước chiếm tỷ trọng khoảng 4-5% trong năm 2010.

Tiêu được trồng ở Việt Nam đã trên 200 năm nhưng chỉ được mở rộng diện tích từ năm 1990, nhất là sau năm 1998 khi giá hồ tiêu tăng cao với tốc độ tăng diện tích tiêu trung bình 11,7%/năm và 6,2%/năm trong 10 năm tiếp theo. Đến hết năm 2010, diện tích trồng tiêu tại Việt Nam đạt khoảng 51.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch chiếm 80%.

Vùng trồng tiêu lớn nhất hiện nay tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ, chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Vùng tập trung thứ hai là Tây Nguyên, phân bổ chủ yếu ở 3 tỉnh Đak Nông, Đak Lak và Gia Lai. Đây là những vùng có nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu thích hợp với cây tiêu, còn nhiều tiềm năng để tăng diện tích và năng suất.

Năng suất tiêu Việt Nam cao hơn nhiều so với bình quân chung của thế giới, năng suất thu hoạch bình quân đạt khoảng 2,2 tấn/ha, nhiều nơi đạt 4-5 tấn/ha, thậm chí còn cao hơn, đặc biệt một số vùng ở Gia Lai. Sản lượng hạt tiêu đã tăng đáng kể từ sau năm 1998, từ 15.000 tấn đến nay lên hơn 110.000 tấn, bằng hơn 1/3 sản lượng tiêu toàn cầu. Kể từ năm 2002, Việt Nam trở thành nước đứng đầu về sản lượng và là nhà cung ứng hồ tiêu lớn nhất trên thị trường tiêu thế giới. Việt Nam đã có 18 nhà máy chế biến tiêu sạch, công suất khoảng 70.000 tấn/năm (2010), trong đó có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, xử lý tiêu qua hơi nước, tạo ra các sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn của Mỹ (ASTA), châu Âu (ESA), Nhật Bản (JSSA).

Ngoài sản phẩm tiêu đen sạch, chế biến tiêu trắng (tiêu sọ) ngày càng được chú trọng hơn với tỷ trọng xuất khẩu ngày càng tăng, 3 năm gần đây chiếm đến 17-19% tổng sản lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2009, xuất khẩu tiêu sọ Việt Nam đã vươn lên hàng đầu và đóng góp đến 50% lượng tiêu sọ xuất khẩu thế giới. Hạt tiêu Việt Nam có chất lượng hương vị (thơm, cay) khá cao, không thua kém tiêu của Indonesia và Ấn Độ. Các vùng tiêu ở Phú Quốc và Bắc Trung bộ có ưu thế về khí hậu giúp tiêu có hạt chắc và hương vị đặc trưng.

Việt Nam có lợi thế quan trọng là chi phí nhân công thấp, lao động cần cù và nhiều ý tưởng sáng tạo đã xây dựng những vườn cây có chi phí thấp nhưng năng suất cao, cho phép tiêu Việt Nam nắm giữ vị trí ưu thế trên thị trường ngay cả khi giá cả sụt giảm.

Đến thị trường

Tỷ lệ xuất khẩu chiếm 95% sản lượng sản xuất tiêu hàng năm, mang về lượng ngoại tệ khoảng 450-500 triệu USD/năm (so với 100 triệu USD/năm của 10 năm trước). Đây là thành quả tổng hợp của việc tăng năng suất cộng với phát triển công nghệ chế biến, sản phẩm hạt tiêu trắng hiện nay chiếm đến 17-20% trong tổng xuất khẩu tiêu hiện nay so với 4% đầu những năm 2000.

Tiêu Việt Nam đã đến được 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường nhập khẩu tiêu của Việt Nam khá đa dạng. Trước năm 2000, Việt Nam xuất khẩu tiêu chủ yếu sang các nước châu Á, đặc biệt là Singapore. Đến nay, thị trường châu Á vẫn phát triển, thị trường châu Âu tăng mạnh, các thị trường khác như châu Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ (chiếm 15%) và các nước châu Phi đều tăng đáng kể.

Giá tiêu đen biến động mạnh từ những năm 1970, đến đầu những năm 1990 tăng ổn định. Từ năm 1998 khi sản lượng tiêu bắt đầu tăng mạnh thì giá lại giảm, và sau đó tăng trở lại vào năm 2004 cùng mùa bội thu ở Việt Nam. Suy thoái kinh tế góp phần làm giá tiêu giảm vào năm 2009 nhưng phục hồi 1 năm sau đó cho đến nay. Hiện tại giá cả của Việt Nam còn thấp hơn so với một số đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Ấn độ, Thái Lan.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành tiêu, Việt Nam đã dần hình thành các công ty xuất khẩu tiêu lớn. Trong gần 200 doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hồ tiêu hiện nay (trong đó 13 doanh nghiệp nước ngoài) có hơn 70 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu hồ tiêu trực tiếp, trong số này có khoảng 20 doanh nghiệp đạt năng lực xuất khẩu trên 10 triệu USD/năm.

Bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp, Việt Nam đã xây dựng thành công thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), từ đó đã chuyển hướng từ xuất khẩu hàng thô giá rẻ sang sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn. Thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê với chất lượng sản phẩm cao, đến nay đã có tiếng trong nước và đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chú ý. Hiện nay, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đang tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc, Lộc Ninh (Bình Phước).

Nhu cầu hạt tiêu hiện nay không chỉ được sử dụng trong các món ăn, mà còn được dùng cả trong lĩnh vực dược phẩm. Dầu hạt tiêu cũng được sử dụng trong các lĩnh vực khác như mỹ phẩm, nước hoa, các sản phẩm vệ sinh cá nhân, như kem đánh răng, nước súc miệng…

Số liệu của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy trong 10 năm kể từ 2001 tiêu dùng hạt tiêu thế giới tăng khoảng 3% mỗi năm. Ước tính trong dài hạn, thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung hạt tiêu khoảng vài chục ngàn tấn mỗi năm.

Và lợi thế so sánh của tiêu Việt Nam

Trong tình hình giá hồ tiêu duy trì ở mức cao như những năm gần đây, khả năng cạnh tranh của tiêu Việt nam là rất lớn. Điều này thể hiện rõ khi xem xét chỉ số chi phí nguồn lực nội địa (DRC) đã giảm từ mức 0,7 năm 2004 xuống còn 0,4 năm 2010, hệ số nhỏ hơn 1 chứng tỏ sự tăng lên về khả năng cạnh tranh của tiêu Việt Nam. Hệ số lợi thế so sánh trông thấy (Revealed Comparative Advantage-RCA) của mặt hàng tiêu Việt nam lớn hơn nhiều so với các nước cùng xuất khẩu tiêu trên thế giới. Dựa vào số liệu của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) và Tổ chức nông lương thế giới (FAO), tính ra hệ số lợi thế so sánh trông thấy của mặt hàng tiêu Việt Nam năm 2010 là 84,6, gấp hơn 11 lần RCA của tiêu Brazil, Ấn độ, Malaysia, gấp 3,9 lần tiêu Indonesia.

Tuy là ngành xuất khẩu ưu thế, mang lại lợi ích cho nông dân nhưng Chính phủ không có chính sách bảo hộ. Tỷ lệ bảo hộ danh nghĩa (norminal protection rate) NPR

Những phân tích trên cho thấy, khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới rất cao, khi thị phần thương mại của Việt Nam ngày càng vượt trội và giá hồ tiêu thế giới ngày càng cao. Nhiều loại tiêu Việt Nam có chất lượng khá tốt như tiêu Phú Quốc có chất lượng tương đương tiêu Indonesia và Ấn Độ, tiêu Chư Sê có các đặc trưng về độ bóng, hạt to đều, hương thơm đặc trưng, dung trọng cao, có danh tiếng trên thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu đã có khả năng xuất khẩu trực tiếp cho những nhà cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gia vị ở các nước.

Tuy nhiên, sản xuất tiêu chủ yếu là do khu vực hộ cá thể thực hiện, quy mô nhỏ, khả năng kiểm soát dịch bệnh kém. Dịch bệnh đang đe dọa khả năng phát triển bền vững của ngành trồng tiêu Việt Nam. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu tiêu trong nước còn yếu cả về vốn, kinh nghiệm thương mại quốc tế và quản trị rủi ro. Khủng hoảng kinh tế thế giới nhất là khu vực châu Âu và Mỹ có thể kéo dài vốn là những thị trường xuất khẩu chính của tiêu Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành tiêu cần đẩy mạnh đa dạng hóa các thị trường để giảm thiểu rủi ro thị trường xuất khẩu.

Cây hồ tiêu được trồng ở 70 nước trên thế giới với tổng diện tích 476.514 ha (IPC 2010). Diện tích được phân bổ tập trung chủ yếu tại các nước vùng xích đạo. Ấn Độ, Indonesia chiếm gần 70% diện tích tiêu toàn cầu. Năng suất tiêu thế giới khoảng 0,7 tấn/ha và tăng rất chậm. Các nước có diện tích rất lớn như Ấn Độ, Indonesia đều có năng suất bình quân năm cao nhất khoảng 0,4 tấn/ha. Thái Lan và Việt Nam có năng suất khá cao bình quân khoảng 2,2 tấn/ha nhưng sản lượng tiêu của Thái Lan không lớn. Tổng sản lượng tiêu thế giới chỉ tăng bình quân khoảng 0,6%/năm trong 10 năm (2001 - 2010), năm 2010 là 338,38 ngàn tấn.


Related news

mat-mua-mit-nghe Mất Mùa Mít Nghệ thi-diem-trong-he-theo-vietgap Thí Điểm Trồng Hẹ Theo…