Tin thủy sản Năng động chuyển đổi phương thức sản xuất

Năng động chuyển đổi phương thức sản xuất

Author Anh Phan, publish date Thursday. March 3rd, 2016

Thời gian đầu chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, lượng thức ăn cho tôm nuôi dồi dào, môi trường tự nhiên ổn định nên hiệu quả sản xuất khá cao mà không cần sự tác động nhiều của người nuôi tôm. Thế nhưng, sau vài năm, đất đai bị suy thoái, môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra làm cho năng suất tôm nuôi bị giảm sút, từ đó đòi hỏi phải có sự tác động về kỹ thuật, tìm ra những mô hình sản xuất mới, hiệu quả hơn.

Trước tình trạng tôm nuôi thiếu thức ăn cũng như môi trường nước không ổn định, qua kinh nghiệm nhiều năm, ông Thái Văn Kía, ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận tận dụng cỏ dưới ruộng, trên bờ vuông chất thành đống, phơi khô, sau đó thả xuống làm thức ăn cho tôm nuôi.

Kỹ thuật đơn giản trên không những cung cấp thức ăn cho tôm nuôi mà còn đảm bảo tốt môi trường nước. Từ khi thực hiện mô hình này, mỗi năm gia đình ông Kía thu nhập hơn 100 triệu đồng trên diện tích 1 ha. Ông Thái Văn Kía bộc bạch: “Nuôi tôm bằng hình thức này hiệu quả gấp năm lần so với trước”.

Thất bại sau vài vụ nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Minh Liệt, ấp Trống Vàm, xã Phú Thuận đã cải tạo lại hai đầm nuôi tôm, chuyển sang nuôi cá kèo thương phẩm hình thức công nghiệp trên hai năm nay. Với diện tích gần 5.000m2, năm 2014, ông Liệt nuôi thử nghiệm vụ đầu, sau gần năm tháng thu hoạch, lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2015, ông Liệt tiếp tục cải tạo đầm nuôi vụ thứ hai. Đợt này ông thả khoảng 500.000 con cá kèo giống, sau hơn năm tháng nuôi, ông thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Minh Liệt cho biết, nuôi cá kèo ít rủi ro và ít tốn công chăm sóc, hiệu quả khá cao, đầu ra ổn định, hướng tới sẽ tiếp tục nuôi.

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, huyện Phú Tân luôn quan tâm thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư cây, con giống, xây dựng nhiều mô hình thí điểm tạo được động lực to lớn trong phong trào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang nhân rộng như: sản xuất đa canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cá bống tượng, cá chình… giúp đời sống nông dân phát triển ổn định.

Hội Nông dân huyện Phú Tân phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức phát động các phong trào thi đua. Trong đó phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng lớn trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Đến nay, huyện Phú Tân có gần 27.000 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Các cấp hội nông dân trong huyện từng bước thể hiện tốt vai trò là chỗ dựa cho nông dân trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn biện pháp làm ăn, hỗ trợ giống, vốn… từ đó hiệu quả sản xuất từng bước được phát huy.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Nguyễn Tấn Lộc cho biết: "Hội Nông dân huyện luôn phát động cán bộ, hội viên nông dân áp dụng mô hình đa cây, con trên cùng diện tích, chú trọng các loại hình phù hợp từng địa phương. Đồng thời nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả".


Related news

ca-tra-giong-kho-tieu-thu Cá tra giống khó tiêu… ca-ngu-lien-tuc-giam-gia Cá ngừ liên tục giảm…