Nền nông nghiệp 'hướng khách hàng' ở Nhật Bản
Từ chỗ tối ưu các sản phẩm đầu ra, những công ty sản xuất nông sản lớn tại Nhật Bản chuyển dịch cơ cấu và chỉ tập trung làm những sản phẩm thị trường cần.
Một góc nhà kính của công ty Bell Farm, đặt tại tỉnh Shizuoka. Ảnh: BBC.
Nằm ở Kikugawa, tỉnh Shizuoka, công ty Bell Farm xác định ngay từ đầu cây trồng chủ lực của họ là cà chua Akademi - một loại trái cây cỡ trung bình, có vị ngọt, thơm nhẹ, thích hợp để sử dụng trong các món ăn như salad.
Tại Nhật Bản, cà chua là cây nông nghiệp lớn thứ hai, chỉ sau gạo tính trên cơ sở tiền tệ. Riêng cà chua Akademi, chúng xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, thường được ăn sống, gần giống như rau sống ở Việt Nam.
Trên thế giới, cà chua nói chung và cà chua Akademi nói riêng luôn có lượng cầu lớn trên thị trường. Đây là loại thực phẩm phổ biến, được tiêu thụ cả ở dạng thô lẫn chế biến, chẳng hạn như nước sốt và súp. Sau một quá trình tìm hiểu thị trường, Bell Farm lựa chọn cây trồng này cho bước khởi nghiệp.
Không được thiên nhiên ưu đãi, ngành nông nghiệp Nhật Bản còn chịu thiệt thòi bởi lực lượng lao động chính đang bị già hóa.
Theo điều tra vào giữa năm 2020 của Bộ Nông nghiệp nước này, tuổi trung bình của nông dân cả nước, chỉ tính những hộ kinh doanh cá thể, vào khoảng 67. Những công việc đồng áng, vốn mất nhiều thời gian và nặng nhọc, khó đạt hiệu quả với nhóm lao động này.
Phải tới khi công nghệ, nhất là thời kỳ bùng nổ cách mạng 4.0 xuất hiện, nông nghiệp Nhật Bản mới cất cánh và đặt những mục tiêu đầy tham vọng. Năm 2019, xuất khẩu của Nhật Bản kết hợp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm là 8,79 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong năm thứ bảy liên tiếp. Nước này còn đặt ra kế hoạch đạt xuất khẩu 19,28 tỷ USD vào năm 2025 và 48,21 tỷ USD vào năm 2030.
Bell Farm, một công ty công nghệ, là nơi đi đầu trong việc hiện thực hóa “nông nghiệp thông minh”. Họ sử dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp quản lý kiểu doanh nghiệp để đạt mục tiêu là sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng.
Nhờ hiện đại hóa các phương thức canh tác và tăng năng suất, Bell Farm chuyển đổi thành công từ mô hình "ưu tiên sản phẩm" đang thịnh hành sang mô hình “khách hàng là trên hết” hoặc “nông nghiệp theo định hướng thị trường”. Trong đó, công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp các nhà sản xuất hướng tới kiểu nông nghiệp mới này.
“Thiếu ổn định là một phần của nông nghiệp. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch, vì vậy, ngay cả khi dạn dày kinh nghiệm, người nông dân vẫn đối mặt với nhiều thử thách. Nếu có thể số hóa quy trình và làm cho nông nghiệp trở nên logic hơn, chẳng hạn phân tích và học hỏi kết quả theo từng vụ thu hoạch, chúng ta có thể kỳ vọng giảm rủi ro tiệm cận về không”, Norihisa Okada, Giám đốc điều hành Bell Farm cho biết.
Nông nghiệp thông minh là chìa khóa để Okada thay đổi. Nhờ phân tích đầy đủ và dự báo chính xác thị trường, ông có thể bỏ qua lợi thế vùng miền của các loại nông sản.
Chẳng hạn, cà chua Akademi trồng tại tỉnh Shizuoka chưa chắc ngon nhất, nhưng nhu cầu về loại quả này trên địa bàn lại cao nhất Nhật Bản. Thay vì mang cà chua Akademi tới một nơi khác, công ty của Okada trồng ngay tại Shizuoka, với sự tự tin lớn từ hệ thống công nghệ phát triển đến tận đồng ruộng.
Từ năm 2019, Bell Farm sử dụng Profarm T-Cube, một nhà kính kiểm soát trọn vẹn khí hậu bên trong, từ nhiệt độ, độ ẩm, đến cường độ sáng. Đây là trọng tâm cho các hoạt động, giúp đạt được mục tiêu của công ty là thu hoạch cà chua quanh năm.
Ngay cả việc sắp xếp cà chua sau thu hoạch cũng được tự động hóa, dựa trên những robot trang bị phần mềm nhận dạng hình ảnh. Chúng có thể kiểm tra hàm lượng đường, độ hư hỏng và kích thước của từng quả cà chua ngay khi rời cây.
Những công nghệ này được phát triển bởi một chi nhánh của Tập đoàn Denso, công ty linh kiện ô tô lớn bậc nhất Nhật Bản. Nhờ chuyên môn về tự động hóa trong công nghiệp, Denso thúc đẩy các giải pháp tăng tốc cho ngành nông nghiệp thông minh.
"Đó là một lợi ích lớn cho các nhà sản xuất, nhất là về lực lượng lao động. Với Bell Farm, chúng tôi gần như không tăng nhu cầu về những lao động có sức khỏe. Ngoài ra, công ty cũng có thể giúp những người không có nền tảng về nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, chẳng hạn như thế hệ trẻ am hiểu công nghệ", Okada phân tích.
Bên cạnh việc tăng lượng cung, các công ty như Bell Farm cũng chú trọng cam kết về chất lượng và tính nhất quán khi thúc đẩy xuất khẩu nông sản Nhật Bản. Katsuhisa Takesue, quản lý nhóm khách hàng lớn trong công ty GLOBALG.A.P, nơi đi đầu trong việc cấp chứng nhận trang trại đạt chuẩn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP), lạc quan về tương lai.
Ông nhấn mạnh: "Tôi tin giới thiệu GAP, vốn được công nhận và đáng tin cậy trên toàn cầu vào các hoạt động sản xuất, là cách hiệu quả nhất để thể hiện điều này. Muốn được người tiêu dùng đón nhận, chúng ta cần chuẩn hóa mọi quy trình đầu vào".
Là chương trình được triển khai rộng rãi nhất trên thế giới, GLOBALG.A.P. vừa làm việc với các nhà sản xuất nông sản, vừa đóng vai trò giám sát, dựa trên kết quả từ các công ty kiểm toán độc lập. Nhưng mô hình đạt được chứng nhận thông qua GLOBALG.A.P, như Bell Farm, luôn dễ dàng gõ cửa những thị trường khó tính.
"Nếu có thể chứng minh rõ ràng với thị trường toàn cầu rằng công ty của họ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động, và tính bền vững với môi trường, các nhà sản xuất sẽ giúp thương hiệu Nhật Bản ngày một lớn mạnh", Takesue nhận định.
Chung quan điểm, Giám đốc Okada cho rằng giảm phụ thuộc vào lao động chân tay và điều kiện khí hậu sẽ giúp nông nghiệp phát triển ổn định. "Tất cả chúng ta đều cảm thấy mình đang làm việc giữa những thay đổi. Đây giống như một mảnh đất màu mỡ đang chờ khai phá", ông khẳng định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao