Mô hình kinh tế Ngành cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều biến động

Ngành cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều biến động

Publish date Friday. October 16th, 2015

Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2015 có thể chỉ đạt khoảng 1,7 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2014

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2015, diện tích thả cá giống nuôi mới, thu hoạch đạt năng suất và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ.

Đến hết quý I/2015, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi mới 828ha, so với cùng kỳ 2014 tăng hơn 15%; thu hoạch 714ha, tăng 4%, sản lượng đạt hơn 206 ngàn tấn, tăng hơn 7,6% so với năm 2014.

Tuy nhiên, đến quý III/2015, diện tích cá tra thả nuôi mới, diện tích thu hoạch và sản lượng thu hoạch đều giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ.

Riêng tỉnh Đồng Tháp có diện tích thả nuôi dẫn đầu với 440ha, tăng khoảng 10ha so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch cao nhất vùng với 335 tấn/ha.

Về kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước tính đến ngày 15/9 đạt 1,078 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2014.

Kim ngạch xuất khẩu hai thị trường trọng điểm Hoa Kỳ giảm 3%, EU giảm mạnh 17%, Brazil giảm 42,9%.

Về thị trường đăng ký xuất khẩu dẫn đầu là Trung Quốc và Hồng Kông với 122 ngàn tấn thành phẩm, tiếp đến là thị trường EU và ASEAN; còn thị trường Hoa Kỳ chỉ xếp thứ 4 với 88 ngàn tấn thành phẩm.

Xét về chủng loại cho thấy, sản phẩm cá tra phi lê vẫn chiếm số lượng lớn nhất, dù đang có xu hướng giảm, song các sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm hơn so với cùng kỳ.

Trong quý I/2015, sản phẩm cá tra phi lê chiếm tỷ trọng 83,60% khối lượng đăng ký xuất khẩu toàn ngành, các sản phẩm phụ phẩm khác chiếm tỷ trọng 1,78%; sang quý III/2015 sản lượng cá phi lê giảm xuống còn 76,65% khối lượng đăng ký xuất khẩu toàn ngành, các sản phẩm giá trị gia tăng khác giảm xuống còn 0,53%.

Đối với chủng loại xuất khẩu nguyên con, cắt khúc, nhìn chung chiếm tỷ trọng ổn định duy trì, với tỷ trọng lần lượt là 7,02%, 8,71% và 8,63%.

Các loại sản phẩm khai thác phụ phẩm dầu cá 3,44%, bột cá đạt 3,44% khối lượng xuất khẩu.

Riêng đối với bột cá, tỷ trọng đăng ký hợp đồng xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu trong quý 1 không có đơn đặt hàng nào thì sang quý 3 chiếm 7,35%.

Trong thời gian qua, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu phát huy được hiệu quả khi các nông hộ có liên kết chặt với doanh nghiệp có nhà máy chế biến trong các hợp đồng thu mua nguyên liệu trong năm như nuôi theo quy chuẩn, size cỡ, thời điểm thu mua...

Cụ thể, doanh nghiệp sở hữu nguồn nguyên liệu về sản lượng đã chiếm tỷ trọng lớn 81,1%; số hộ nuôi cá thể chỉ còn khoảng 18,9%.

Sản lượng nguyên liệu của doanh nghiệp được đăng ký sử dụng cho các hợp đồng xuất khẩu chiếm ưu thế về sản lượng 92%, nông hộ 8%.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, kể từ 1/6/2015, Thông tư yêu cầu về đăng ký thương phẩm cá tra xuất khẩu.

Các doanh nghiệp lớn và đặc biệt doanh nghiệp FDI đã xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết nguyên liệu để minh bạch hồ sơ đăng ký nuôi thương phẩm, tiến tới có mã số và chuẩn vùng nuôi đã chuẩn bị rất tốt cho quá trình hội nhập với rào cản phi thuế quan.

Tuy nhiên vẫn còn đó số nông hộ tham gia nuôi trồng nhưng chỉ với quy mô nhỏ không mang lại hiệu quả.

Ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết: “Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước năm 2015 sẽ đạt khoảng 1,7 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm ngoái.

Việc kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam giảm do chịu tác động về tỷ giá, chứ không phải vì nhu cầu mua của các nước giảm.

Vì vậy, dù tình hình xuất khẩu có phục hồi ở những tháng cuối năm của một số doanh nghiệp thì vẫn không đủ để bù đắp được”.

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Tháp có 21 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra, chiếm tỷ lệ 10,4%; sản lượng xuất khẩu hơn 247 ngàn tấn, chiếm tỷ lệ 34,3%; xuất khẩu 8 loại sản phẩm cá tra đến trên 100 quốc gia vùng lãnh thổ.


Related news

nganh-ca-tra-no-luc-vuot-kho Ngành cá tra nỗ lực… tang-cuong-dua-cac-san-pham-thuy-san-vao-sieu-thi Tăng cường đưa các sản…