Ngành dừa Việt Nam quá yếu về khâu chế biến
Dừa Việt Nam có năng suất trái cao hơn so với nhiều nước, nhưng hiệu quả kinh tế lại thua họ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thua kém rõ rệt trong khâu chế biến.
Chế biến tăng giá trị gấp 5 lần
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (IOOP), thời hoàng kim của cây dừa Việt Nam là thập niên 1980. Khi ấy, dừa là sản phẩm được XK nhiều sang Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu. Nhờ XK mạnh, giá dừa thường ở mức cao. Có thời điểm giá 1 quả dừa tương đương với 3kg gạo. Nhờ đó, diện tích dừa cả nước trong những năm 1980 đã lên tới trên 300.000ha, gấp đôi so với hiện nay.
Ngành dừa cần đẩy mạnh khâu chế biến
Đó cũng là thời điểm mà cây dừa bắt đầu được quan tâm nghiên cứu với việc thành lập IOOP vào năm 1980. Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học được cấp hàng năm, IOOP đã bảo tồn và lưu giữ tập đoàn giống dừa 51 giống, bao gồm các giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập nội. Trong đó, có 3 giống dừa Sọc, Xiêm lục, Xiêm lửa và có nhiều giống dừa quí, hiếm như sáp, dứa… Tập đoàn giống dừa này đã được tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế ghi vào danh mục nguồn gen cây dừa quốc tế CGRD với ký hiệu DGEC.
Sau gần 40 năm nghiên cứu về cây dừa, IOOP đã lai tạo được 17 giống mới từ 19 giống (5 giống bố và 14 giống mẹ). Trong đó, có các giống dừa lai PB121, JVA 1, JVA 2 đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống tạm thời và một số giống khác đang được trồng khảo nghiệm ở nhiều tỉnh ĐBSCL, Duyên hải miền Trung như PCA-15-1, PCA 15-2, PCA 15-3, ĐG 13, ĐG 14, ĐG 16… Viện cũng đã nghiên cứu thành công giống dừa sáp nuôi cấy phôi, đạt tỷ lệ sáp trên quầy là hơn 80% (sản xuất bình thường chỉ 20 - 25% trái có sáp). Giống dừa sáp thơm cũng được quan tâm nghiên cứu và bước đầu đã chọn ra được một số cặp lai có đặc tính quý, vừa có sáp vừa thơm (lai tạo giữa dừa sáp và dừa dứa). Đây là giống dừa mới, có giá trị kinh tế cao, 1 năm có thể cho thu nhập 560 triệu đ/ha... Từ những thành quả nghiên cứu giống dừa của IOOP, Bộ NN-PTNT đã đưa cây dừa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Hiện nay, các giống dừa lai do Viện sản xuất có nhiều đặc tính tốt như: Ra hoa sớm, có quả sớm (3 - 4 năm sau trồng); chống chịu khá tốt với các điều kiện bất thuận của môi trường; cơm dừa dày (1 - 1,2cm), hàm lượng dầu cao 63 - 68%, đạt 1,7 - 2 tấn cơm dừa khô/ha/năm (so với các giống địa phương chỉ đạt 1 tấn cơm dừa khô/ha/năm).
Đánh giá hoạt động nghiên cứu về dừa, ông Phú khẳng định, về mảng nông nghiệp, Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, năng suất dừa bình quân của Việt Nam (dừa ta Bến Tre) đạt 9.863 trái/ha/năm tương đương 1,9 tấn copra (cơm dừa khô)/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0,9 tấn copra/ha). Giống dừa lai PB121 có năng suất rất cao, có thể đạt trên 150 trái/cây/năm, hàm lượng dầu >65%, năng suất copra/ha >4 tấn, cao hơn năng suất giống dừa lai PB 121 của Philippines (106 trái/cây/năm).
Tuy nhiên, các nghiên cứu về chế biến, chúng ta không bằng được các nước khác. Họ có một nền công nghiệp chế biến dừa lâu đời, đi trước ta nhiều năm. Hiện nay, họ đã đi vào những dòng sản phẩm cao cấp, có bước chuẩn hóa tốt về mặt chất lượng và chủng loại. Chẳng hạn, Philippines tập trung phát triển dừa organic và giá trị gia tăng của cây dừa như sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, tẩy trắng và các sản phẩm từ dầu dừa tinh khiết (sơn dưỡng môi, làm mát miệng, xịt mũi)... Indonesia tập trung xuất khẩu dừa các sản phẩm từ dừa như nước dừa, kem dừa, bột kem dừa, dừa khô… đến nhiều khu vực trên thế giới.
Theo Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương, sản phẩm dừa XK của Việt Nam có khối lượng lớn nhất là trái dừa (69.548 tấn), tiếp đó là trái dừa khô (40.302 tấn), than gáo dừa (28.856 tấn), cơm dừa khô (12.787 tấn), than hoạt tính (14.513 tấn)… Dầu dừa XK của Việt Nam chỉ đạt khối lượng rất khiêm tốn là gần 1.000 tấn. Trong khi đó, sản phẩm từ dừa có khối lượng XK lớn nhất của Philippines là nước dừa tươi (24,9 triệu lít), rồi tới dầu dừa (907.606 tấn), bột cùi dừa (551.198 tấn)… Trái dừa tươi XK của Philippines chỉ ở mức rất khiêm tốn là 2.474 tấn, cơm dừa khô 554 tấn.
Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam còn ít về chủng loại, chủ yếu ở dạng bán thành phẩm, hàm lượng KHKT còn yếu, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao, làm nguyên liệu cho dược phẩm hoặc mỹ phẩm. Do yếu khâu chế biến nên dừa Việt Nam dù có năng suất cao hơn so với nhiều nước, nhưng hiệu quả kinh tế lại không bằng. Vì nếu như 1 trái dừa chỉ có giá bình quân là trên 8.000 đồng, thì sau khi qua chế biến sâu, hoàn toàn có thể nâng tổng giá trị lên trên 40.000 đồng.
Những hạn chế trong nghiên cứu về chế biến có nguyên nhân không nhỏ từ việc thiếu kinh phí. Bởi các nghiên cứu về công nghệ chế biến dừa cần kinh phí lớn, nhất là để đầu tư mua sắm các thiết bị chuyên sâu và công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra sản phẩm cao cấp, đạt trình độ quốc tế. Ông Phú cho rằng, chỉ có đầu tư công nghệ mới cho chế biến dừa mới có ý nghĩa quyết định cho phát triển ngành dừa VN.
Lấy giống từ cây dừa giống gốc
Một vấn đề lớn trong ngành dừa hiện nay là thiếu hụt nguồn cây giống có chất lượng tốt. Năm ngoái, xâm nhập mặn đã làm chết nhiều diện tích cây ăn trái, khiến cho nông dân ở nhiều địa phương chuyển sang trồng dừa do đây là loại cây thích hợp trên đất nhiễm mặn. Điều này đã tạo ra cơn sốt giống dừa kéo dài đến tận bây giờ, khi mà bản thân IOOP không đủ giống để đáp ứng yêu cầu của bà con.
Trong khi đó, bình thường nhu cầu giống dừa chất lượng tốt cũng đã rất lớn. Bởi diện tích dừa bị lão hóa (dừa từ trên 30 đến 40 năm tuổi) ở nước ta hiện khá lớn. Ước tính, mỗi năm diện tích dừa cần phải thay mới vào khoảng 5.000 - 6.000ha. Nguồn cây dừa chất lượng cao do IOOP sản xuất hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này. Đấy là chưa tính tới diện tích dừa đang được mở rộng thêm hàng năm ở các địa phương, cũng cần một nguồn cây giống không nhỏ.
Trước tình hình đó, các địa phương cần quan tâm tới việc lấy giống từ những cây dừa giống gốc (dừa mẹ) để đáp ứng nhu cầu về giống đối với các giống dừa bản địa. Trong giai đoạn 2001 - 2015, IOOP đã tuyển chọn 28.143 cây dừa mẹ đạt tiêu chuẩn tại các tỉnh có diện tích dừa tập trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang,Trà Vinh... Trong đó, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre với khoảng 9.000 cây, năng suất đạt >90 quả/cây/năm đối với giống dừa cao và đạt >100 quả/cây/năm đối với giống dừa lùn. Các cây dừa mẹ này là nguồn nguyên liệu quí cho công tác tuyển chọn cây giống chất lượng tốt, đồng thời cũng là nguồn thực liệu tốt cho công tác lai tạo và sản xuất giống cho các địa phương. Nông dân lấy trái từ cây dừa mẹ này để làm giống sẽ tốt hơn nhiều so với việc lấy trái từ những cây dừa trong vườn để làm giống hay mua cây giống không rõ nguồn gốc.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành dừa, Nhà nước cũng cần phải quan tâm tới những vấn đề rất quan trọng khác như thực hiện quy hoạch cụ thể vùng trồng dừa uống nước và vùng trồng dừa lấy dầu phục vụ cho công nghiệp chế biến; đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu giống, chế biến; chú trọng công tác khuyến nông, khuyến công, hỗ trợ kinh phí chuyển giao giống mới, TBKT mới cho nông dân và doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến; xây dựng, quảng bá thương hiệu...
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng, phát triển các HTX, các chuỗi liên kết trong ngành dừa. Bởi hiện nay, sản xuất dừa ở Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ lẻ, hầu như chưa có 1 trang trại dừa nào. Như ở Bến Tre, bình quân chỉ 0,4ha dừa/hộ. Quy mô quá nhỏ như vậy nên việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ rất khó khăn, các sản phẩm sản xuất ra không đồng đều, chất lượng không đồng nhất, gây khó cho việc xây dựng thương hiệu để XK và cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao