Tin thủy sản Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Author Hoàng Thương, publish date Monday. June 6th, 2022

Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Các hệ thống sản xuất tôm nước lợ của tỉnh nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung thời gian qua có sự phát triển mạnh theo hướng đa dạng về hình thức canh tác như: chuyên canh tôm, tôm - lúa, tôm - rừng và gia tăng mức độ thâm canh gồm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh, kéo theo sự tăng trưởng nhanh về năng suất cũng như giá trị sản xuất.

Tiềm năng nghề nuôi tôm

Với khoảng 50 ngàn ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, tỉnh đã khai thác 45 ngàn ha nuôi thủy sản, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,3% giai đoạn 2016 - 2020. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt trên 295 ngàn tấn. Trong đó, tôm nước lợ chiếm 70,28 ngàn tấn, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2016. Năng suất mô hình nuôi ngày càng được nâng cao. Tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 8 - 10 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 5,5 - 6 tấn/ha/vụ, nuôi quảng canh tôm - lúa từ 150 - 200kg/ha/năm. Qua đó, đã tạo ra một lượng lớn hàng hóa thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xác định rõ trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn mới của tỉnh là rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu. Phát triển toàn diện kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển, tài nguyên biển; xây dựng và triển khai Đề án thành lập khu kinh tế ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41,5 ngàn ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4 ngàn ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm.

Mặc dù vậy, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức gia tăng: Gia tăng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh do phát triển nhanh, thiếu quy hoạch và gia tăng mức độ thâm canh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kết hợp với biến động giảm nguồn nước ngọt đầu nguồn sông Mekong dẫn đến tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất. Hiệu quả sản xuất thấp do chi phí đầu vào cao. Liên kết trong sản xuất, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành còn “lỏng lẻo”, thị trường đầu ra thiếu ổn định, gia tăng các rào cản kỹ thuật, bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2021 có chỉ ra “Do ảnh hưởng của nắng nóng, mặn tăng cao và kéo dài những tháng đầu năm nên nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích bị thiệt hại và chậm thả giống. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh tại các quốc gia là đối tác thương mại nên ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng xuất khẩu thủy sản, giá cả nhiều đối tượng nuôi giảm đáng kể. Tổng diện tích thả nuôi ước đạt 45 ngàn ha, đạt 95,7% kế hoạch, giảm 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 11,03 ngàn ha, đạt 91,9% so với kế hoạch, bằng 94,5% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi thu hoạch trên 295 ngàn tấn, đạt 98,3% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ”.

Để đẩy mạnh phát triển ngành tôm, khai thác tối đa tiềm năng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thiết phải xây dựng phương án phát triển ngành tôm tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án này là cơ sở cho việc tích hợp vào phương án quy hoạch nông nghiệp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sản lượng và năng suất

Trong giai đoạn 2016 - 2021, mặc dù diện tích nuôi tôm của tỉnh khá ổn định, chỉ tăng 0,2%/năm (từ 35 ngàn ha năm 2016 lên 35,3 ngàn ha năm 2021), nhưng sản lượng nuôi lại tăng bình quân tới 11,9%/năm (tăng từ 46,278 ngàn tấn lên 81,2 ngàn tấn). Đạt được kết quả này là do trong giai đoạn vừa qua, ngành nuôi tôm đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh có xu hướng giảm dần cả diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng do những vùng thuận lợi được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh giảm bình quân 24,2%/năm (từ 2 ngàn ha xuống còn 500ha), sản lượng giảm bình quân 16,1% (từ 5,75 ngàn tấn xuống còn 2,4 ngàn tấn). Nuôi tôm thẻ chân trắng tăng 12% về diện tích (từ 5 ngàn ha lên 8,8 ngàn ha) nhưng sản lượng lại giảm 0,9%/năm (từ 37 ngàn tấn xuống còn 35,3 ngàn tấn).

Diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến cũng có xu hướng giảm dần với tốc độ giảm bình quân 3%/năm (giảm từ 28 ngàn ha xuống còn 24 ngàn ha), sản lượng giảm bình quân 0,9%/năm (giảm từ 2,39 ngàn tấn xuống còn 2,28 ngàn tấn). Trong đó, năm 2021, diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm đạt 6,91 ngàn ha (Bình Đại 84ha, Ba Tri 1,4 ngàn ha, Thạnh Phú 5,43 ngàn ha), tôm - lúa 6,65 ngàn ha (Bình Đại 336ha, Thạnh Phú 6,31 ngàn ha), tôm rừng 10,43 ngàn ha (Bình Đại 8,9 ngàn ha, Ba Tri 735ha, Thạnh Phú 798ha).

Nuôi tôm càng xanh trong giai đoạn 2017 - 2021, diện tích giảm và giữ ổn định trong những năm gần đây với 1,8 ngàn ha; trong đó huyện Bình Đại 120ha, Thạnh Phú 617ha, Giồng Trôm 593ha, Mỏ Cày Nam 394ha, Mỏ Cày Bắc 61ha, Chợ Lách 15ha. Sản lượng tôm càng xanh tăng bình quân 1,6%/năm, tăng từ 1,1 ngàn tấn lên 1,2 ngàn tấn.

Trong thời gian gần đây đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn) tại địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu được phát triển từ năm 2017 với diện tích mới đạt 75ha, đến năm 2021 diện tích nuôi đã đạt 2 ngàn ha với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2017 - 2021 đạt 127,2%/năm (Bình Đại 950ha, Ba Tri 200ha, Thạnh Phú 850ha). Sản lượng nuôi đạt tốc độ tăng bình quân 141,3%/năm (tăng từ 1,18 ngàn tấn năm 2017 lên 40 ngàn tấn năm 2021). Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh. Năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể (năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha đất (1 năm nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 36 tấn/ha đất, cao gấp hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây), lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ưu điểm của loại hình nuôi mới khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi thông qua việc kiểm soát tốt thức ăn, xử lý nước, ao nuôi nhỏ và nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích. Đối với hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, hầu hết được sử dụng từ các công trình giao thông, thủy lợi, điện đã đầu tư cho vùng nuôi tôm thâm canh tập trung trước đây, hiện nay chưa có dự án thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nên với diện tích nuôi như hiện nay thì mới chỉ cơ bản đáp ứng được yêu cầu.


Related news

tinh-hinh-san-xuat-va-cung-ung-giong-tom-nuoc-lo Tình hình sản xuất và… xuat-khau-tom-tang-manh Xuất khẩu tôm tăng mạnh