Mô hình kinh tế Ngành Thủy Sản Trước Tác Động Của Giá Xăng Dầu Và Biến Động Thị Trường

Ngành Thủy Sản Trước Tác Động Của Giá Xăng Dầu Và Biến Động Thị Trường

Publish date Friday. April 6th, 2012

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề đánh bắt, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chi phí đầu vào tăng cao, thị trường cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, ngành thủy sản vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điều đó cho thấy, ngoài những nỗ lực tự thân của ngư dân, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã tiếp sức cho ngư dân yên tâm bám biển.

Vụ cá Bắc năm nay, dù thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng khai thác thủy sản của cả nước vẫn đạt 1,2 triệu tấn, tăng 14% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo tính toán của ngư dân, chi phí nhiên liệu cho một chuyển biển chiếm gần một nửa tổng chi phí khai thác. Nếu làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, giá xăng tăng từ 40-50% tác động như thế nào đến đời sống của bà con ngư dân.

Ông Cao Văn Viết, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre cho biết: “ Giá dầu lên thì các dịch vụ hậu cần nghề cá khác cũng tăng lên làm ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của bà con nông dân. Tuy nhiên, do sự phấn đấu bám biển dài ngày, với tinh thần hợp tác làm ăn thì ngư dân tỉnh Bến Tre cũng tìm ngư trường mới, kết hợp với nhau để hợp tác, vận chuyển sản phẩm, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt.”

Trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền, hoạt động tại các vùng biển xa được xem là “phao cứu sinh” giúp ngư dân an tâm bám biển. Đến nay các địa phương đã giải ngân hơn 94 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm, mua máy thông tin liên lạc cho ngư dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Đếm là ngư dân ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Với số vốn được hỗ trợ, ông Đếm vẫn có thể bám biển, vươn khơi xa. Ông Đếm chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của đồng vốn của Nhà nước mà tôi vẫn có thể làm, có thể theo cái nghề. Tôi có thể vươn khơi xa để làm rất hiệu quả.”      

Nhằm hỗ trợ nhau trên biển và tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian qua, tại các địa phương ven biển, nhiều tổ, đội đoàn kết, hợp tác xã nghề cá đã ra đời. Những mô hình này cũng tạo ra những thuận lợi đáng kể cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá; tạo thông tin hai chiều giữa tàu và bờ; phục vụ điều hành sản xuất, phòng, chống bão, tìm kiếm cứu nạn cũng như bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN& PTNT cho biết thêm: “Chúng tôi đang tổ chức để khuyến khích và đẩy mạnh việc tổ chức và đẩy mạnh việc sản xuất theo tổ, đội; hình thành các đội sản xuất mới để bà con đi sản xuất tập thể, hạn chế chi phí và nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đồng thời tổ chức dịch vụ theo dạng tàu mẹ, tàu con. Tức là một tàu mẹ về thu mua sản phẩm thì kèm theo nhiều tàu đánh  bắt  hải sản, như vậy nó giảm được chi phí từ ngư trường về bờ và làm tăng hiệu quả đánh bắt.” 

Với nỗ lực bám biển của ngư dân và các chính sách đồng bộ của Đảng, Nhà nước, ngành thủy sản tiếp tục rà soát, sắp xếp lại nghề cá, quy hoạch vũng đánh bắt, phát huy hiệu quả các mô hình tổ, đội, tiến tới chuyên nghiệp hóa nghề cá và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.


Related news

tham-van-quoc-te-ve-tai-co-cau-nong-nghiep Tham Vấn Quốc Tế Về… cau-muc-tang-day-nghe-moi-loi-nhuan-lon Câu Mực Tầng Đáy: Nghề…