Mô hình kinh tế Nghệ An Mở Hướng Cho Nghề Trồng Nấm

Nghệ An Mở Hướng Cho Nghề Trồng Nấm

Publish date Wednesday. April 30th, 2014

Sự việc sản phẩm nấm của người dân Yên Thành (Nghệ An) sản xuất ra không bán được một lần nữa phản ánh một thực trạng, chuỗi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện còn đang tồn tại nhiều hạn chế.

Hướng mở cho sản phẩm nấm không chỉ cho riêng huyện Yên Thành mà các địa phương khác trong thời gian tới phụ thuộc chính vào sự mạnh dạn của người nông dân, chủ động của chính quyền địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp tỉnh.

Từ thực tế của Yên Thành

Sau thông tin trên thị trường xuất hiện nhiều loại nấm độc hại, không rõ nguồn gốc, hệ lụy của nó gây ra là nấm do người dân huyện Yên Thành sản xuất ra không bán được. Người dân hết sức lo lắng, chính quyền cũng đã vào cuộc và nhanh chóng có những giải pháp tạm thời nhằm giúp nhân dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ.

Cụ thể, huyện Yên Thành đã trực tiếp sử dụng ngân sách địa phương để thu gom số nấm dân không bán được và đưa đi tiêu thụ. Ban chỉ đạo của huyện đã thành lập một bộ phận tiêu thụ và thu mua của người dân khi có nhu cầu với giá thỏa thuận và tổ chức bán lại cho các thương lái. Tuy nhiên, số lượng mà huyện thu mua cho nhân dân là không lớn và thực tế đã chứng minh rằng, đây không phải là giải pháp lâu dài.

Trong công tác tuyên truyền, huyện đã kịp thời bác bỏ những thông tin không chính thống và một lần nữa khẳng định chất lượng nấm mà người dân sản xuất là hoàn toàn tốt, không có độc tố và người tiêu dùng yên tâm để sử dụng. Đến nay, thị trường nấm cơ bản đã ổn định trở lại nhưng không ai chắc chắn rằng, nó sẽ không còn tiếp diễn.

Yên Thành là một huyện lúa và việc cây nấm sau khi “bước ra” từ mô hình và phát triển cơ bản ổn định đến thời điểm này là một thành công lớn.

Qua 3 năm tổ chức sản xuất trên địa bàn, đến nay, toàn huyện có khoảng 78 hộ sản xuất ổn định và 300 hộ sản xuất thời vụ nằm rải rác ở 22 xã. Trong 78 hộ sản xuất ổn định thì chỉ có 2 hộ có quy mô trang trại (trên 50 tấn nấm tươi/năm), 15 hộ quy mô gia trại (trên 10 tấn nấm tươi/năm) và còn lại là quy mô nhỏ lẻ, theo mùa vụ và tận dụng nguyên liệu trong hộ gia đình.

Như vậy, về quy mô sản xuất thì trên địa bàn Yên Thành còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì thế, lượng nấm mà người dân sản xuất ra trong năm còn khiêm tốn.

Tính riêng năm 2013, toàn huyện Yên Thành sản xuất 326 tấn nấm. Trong đó, nấm sò chiếm 60%, nấm mộc nhĩ chiếm 25% và còn lại là nấm rơm và nấm mỡ. Đối với các sản phẩm nấm có giá trị cao như nấm kim chi, nấm kim châm… chưa sản xuất được.

Tính ra giá trị trường, năm 2013, doanh thu từ nấm mang về cho người dân Yên Thành hơn 7,3 tỷ đồng. Theo tính toán vốn đầu tư để trồng nấm so với các ngành sản xuất khác không lớn, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành một đơn vị sản phẩm).

Nếu tính trung bình để giải quyết việc làm cho một lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng và 100m2 diện tích nhà xưởng. Đây là mức thu nhập tương đối cao với người lao động ở nông thôn hiện nay.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của nấm Yên Thành là địa bàn TP. Vinh và các huyện miền núi. Qua khảo sát hệ thống siêu thị và một số chợ lớn trên địa bàn Thành phố Vinh không thấy bán sản phẩm nấm ăn sản xuất trong tỉnh. Đối với thị trường miền núi, trong đó Con Cuông và Tương Dương là tiêu thụ chiếm 60%.

Đây là những thị trường không nhiều tiềm năng, tiêu thụ nhỏ lẻ, không ổn định. Đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc chính vào thương lái, khi thị trường cần thì họ mua, khi không cần thì thôi. Chưa xét đến giá cả, chỉ với hình thức tiêu thụ như vậy thì chỉ một tác động nhỏ của thị trường thì việc cây nấm Yên Thành ứ đọng không phải là chuyện khó hiểu.

Ông Thái Đình Cầu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Phó Ban chỉ đạo sản xuất nấm huyện cho biết: Đưa vào siêu thị thì không có lời vì chiết khấu quá cao nên chỉ biết bán cho thương lái. Các mối tiêu thụ này theo sự thỏa thuận và tính ổn định thì không thể khẳng định được.

Vì sao nấm Yên Thành chỉ mới tiêu thụ được qua bộ phận thương lái? Theo ông Cầu thì nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lượng hàng hóa không nhiều và không ổn định nên khó thu hút doanh nghiệp vào liên kết. Trước đây, huyện Yên Thành đã cử cán bộ ra tận Hải Dương vì ở đó có một nhà máy chế biến nấm của Trung Quốc, doanh nghiệp này cũng đã vào Yên Thành để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, yêu cầu mà doanh nghiệp này đưa ra là lượng nấm mỗi năm Yên Thành phải đạt khoảng 1.500 tấn mới có thể ký hợp đồng thu mua cho người dân. Không thể đáp ứng yêu cầu này, Yên Thành quay về với hình thức tiêu thụ nhỏ lẻ.

Hiện nay, huyện đã thành lập HTX với tên gọi HTX Dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết gồm 26 thành viên. Tuy nhiên, do mới được thành lập nên hoạt động của HTX chưa có được tác động rõ nét đối với các thành viên. Vì vậy, nấm vẫn cứ “chìm nổi” theo biến động của thị trường trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Hướng mở cho cây nấm

Qua 3 năm triển khai sản xuất nấm, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của Yên Thành đã quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ, đào tạo nghề tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nghề sản xuất nấm. Hàng năm, huyện hỗ trợ 50% giống cho các hộ sản xuất thông qua ngân sách và hỗ trợ 1 phần kinh phí để hỗ trợ tiêu thụ cho những hộ ký hợp đồng với HTX.

Kế hoạch sản xuất của năm 2014, toàn huyện phấn đấu sẽ có 100 hộ sản xuất nấm ổn định với sản lượng đạt khoảng 600 tấn nấm tươi, trong đó các hộ sản xuất trong HTX đạt 500 tấn. Đặc biệt, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 gia trại sản xuất nấm với các điều kiện như có 150m2 lán trại và 1 lò hấp thanh trùng, nâng tổng số gia trại của toàn huyện lên con số 27. Huyện cũng cố gắng nâng cấp xưởng sản xuất giống đáp ứng 100% nhu cầu giống cho sản xuất tại địa phương.

Trong khi chờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm 2014, huyện Yên Thành đã lên kế hoạch hỗ trợ hơn 535 triệu đồng để phát triển nghề nấm. Ngoài hỗ trợ tiền giống, tập huấn kỹ thuật, huyện sẽ trích kinh phí hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; đăng ký nhãn mác, thương hiệu; hỗ trợ kinh phí mua nồi hấp giống...

Năm 2013, huyện Yên Thành đã có công văn đề nghị tỉnh đưa nấm vào danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển như các đối tượng sản phẩm nông nghiệp khác. Tuy nhiên, khi trình HĐND tỉnh thì không được thông qua do hiện nay, quy mô sản xuất của nghề nấm còn nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã trình lên UBND tỉnh và trong kỳ họp HĐND tỉnh đã đưa ra bàn bạc nhưng do quy mô phát triển cây nấm mới chủ yếu ở Yên Thành và rải rác ở các huyện Diễn Châu, Thái Hòa nên chưa thể đưa vào danh sách được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Sau cuộc làm việc của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban ngành với huyện Yên Thành vào đầu tháng 4 vừa rồi, đồng chí Chủ tịch tỉnh đã đồng ý với đề xuất của huyện cho phép lập dự án nâng cấp xưởng sản xuất giống thành cơ sở sản xuất giống đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất.

Và công tác xây dựng dự án này phải do huyện xây dựng và trình lên các cơ quan, ban, ngành để thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, mấu chốt để nghề nấm tại Yên Thành nói riêng và toàn tỉnh nói chung phát triển ổn định vẫn là khâu tiêu thụ. Giải pháp trong thời gian tới, huyện Yên Thành sẽ hỗ trợ xây dựng 1 cơ sở chế biến sản phẩm (lò sấy) với quy mô 300kg/8 giờ (dự kiến đến tháng 8 sẽ đưa vào hoạt động) và xây dựng điểm thu mua, giới thiệu sản phẩm để giúp hộ sản xuất trong việc tiêu thụ và bảo quản sản phẩm.

Đồng thời, huyện đang tích cực liên kết với các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ nấm để từng bước mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sản xuất.

Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận những thông tin qua các cơ quan truyền thông, chi cục đã chủ động làm việc với huyện để hướng dẫn làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP. Hiện nay, chi cục đang chờ công văn của huyện và sau đó sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết. Đây là môt bước rất quan trọng để khẳng định chất lượng nấm mà các hộ sản xuất và sẽ có tác động mạnh trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Một giải pháp căn cơ để sản phẩm nấm không còn tình trạng ế hàng khi quy mô sản xuất càng ngày càng lớn thì bắt buộc địa phương phải liên kết với doanh nghiệp. Muốn vậy, nguồn cung sản phẩm phải ổn định và đảm bảo chất lượng.

Huyện cần có cơ chế hỗ trợ để nâng cấp các cơ sở hiện có để xây dựng hệ thống cơ sở bảo quản và sơ chế nguyên liệu; xử lý, đóng gói, hấp sấy cơ chất; đầu tư các trang thiết bị, máy móc,... để bảo quản và chế biến sản phẩm.

Đây là nội dung rất cần thiết để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sự đa dạng cho sản phẩm, có thể điều tiết đầu ra khi được giá sẽ bán, khi giá thấp thì bảo quản hoặc chế biến.

Để tránh tình trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ gặp vướng mắc như trong thời gian vừa qua, thì việc tổ chức liên kết phải chặt chẽ và đơn vị mà huyện xây dựng là HTX phải đủ năng lực, trình độ để tổ chức chế biến được. HTX là đơn vị thay huyện trực tiếp liên lết với doanh nghiệp để tiêu thụ và các hoạt động khác như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được hệ thống phân phối tại các chợ huyện như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu,... Ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm đến các cửa hàng lớn ở các chợ, nhà hàng, khách sạn, siêu thị (siêu thị Big C, siêu thị Intimex…).

Với tiềm năng đất đai rộng lớn, nguồn lao động cũng như nguyên liệu dồi dào như Nghệ An thì nghề trồng nấm không chỉ phù hợp với riêng huyện Yên Thành mà còn nhiều địa phương khác.

Vì xét về lợi ích xã hội, trồng nấm có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thải ra để làm nguyên liệu chính và bã nấm được tận dụng làm phân vi sinh để bón đồng ruộng. Đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm và là sản phẩm chủ lực giúp người dân vùng nông thôn xóa đói giảm nghèo.

Từ thực tế của Yên Thành, để nghề sản xuất nấm trong tỉnh phát triển mạnh góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nhất thiết các cấp, các ngành, các địa phương phải đề ra hướng phát triển đúng đắn, đề xuất một số chính sách khuyến khích nghề trồng nấm phát triển.

Để đảm bảo hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông các huyện cần cử cán bộ tham gia chỉ đạo trực tiếp giúp người dân triển khai đúng, hạch toán cụ thể chi phí, thu nhập để người dân thấy được hiệu quả của nghề trồng nấm.

UBND tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp khuyến khích hình thành các cơ sở sản xuất giống nấm. Cùng với đó, khuyến cáo tuyên truyền để người dân sử dụng nấm như một loại thực phẩm thông dụng.


Related news

xoai-phu-bon-vao-mua-chin-qua Xoài Phú Bổn Vào Mùa… hai-duong-phong-ngua-benh-lun-cay-ngo Hải Dương Phòng Ngừa Bệnh…