Nghề Chăn Nuôi Bò Sữa Hiệu Quả, Nhưng Chưa Được Nhân Rộng
Những năm gần đây, các hộ chăn nuôi bò sữa rất phấn khởi vì lợi nhuận từ bò sữa khá cao. Theo lời một người nuôi bò sữa lâu năm ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), hiện nay một con bò đang cho sữa có thể đem về cho người chăn nuôi hơn 100.000 đồng/ngày; với 5 con bò sữa người nuôi sẽ có thu nhập cao hơn so với việc sản xuất 1 ha lúa. Nhiều năm qua, đàn bò sữa chỉ phát triển ở huyện Trảng Bàng, còn các huyện lân cận rất hiếm.
Lợi nhuận hấp dẫn
Ông Bùi Văn Biệt- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tịnh (Trảng Bàng) đưa chúng tôi đến ấp An Thới thăm gia đình anh Nguyễn Minh Hiếu, một nông dân trẻ, năm nay 34 tuổi, đạt thu nhập cao từ nghề chăn nuôi bò sữa. Anh Hiếu cho biết, anh nuôi bò sữa từ 4 năm nay.
Lúc mới vào nghề, anh đầu tư 200 triệu đồng làm chuồng và mua 4 con bò giống về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, ngoài số bò nhà đẻ ra, anh còn tìm mua thêm, hiện nay đàn bò của anh đã có 22 con, trong đó có 17 con trưởng thành, 5 con bò cái tơ. Hiện có 10 con đang cho sữa.
Bình quân mỗi ngày anh Hiếu vắt được 140kg sữa tươi. Giá sữa bán tại điểm thu mua ở ấp An Bình trung bình 14.500 đồng/kg. Trừ đi chi phí chăn nuôi, mỗi ngày gia đình anh Hiếu thu về khoảng 1 triệu đồng. Anh cho biết, nuôi bò sữa có cái cực là phải gắn bó suốt cả ngày với chúng, không có ngày nào được nghỉ, không có mùa vụ, cũng chẳng biết đến nghỉ lễ, nghỉ tết gì cả.
Tuy nhiên nuôi bò sữa cũng có cái tiện lợi là không phải thuê mướn nhiều lao động. Với đàn bò của mình, anh Hiếu có thể tự mình xoay xở- từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại đến vắt sữa, bán sữa anh đều làm hết, chỉ thuê một người phụ cắt cỏ cho bò ăn với tiền thuê 1 triệu đồng/tháng.
Các loại thức ăn khác cho bò như cám, hèm, xác mì... thì đã có người chở đến tận nhà, anh không phải tốn thời gian, chi phí đi mua. Anh đang có kế hoạch mở rộng chuồng trại để tăng đàn bò lên khoảng 30 con. Theo lời anh Hiếu, hiện nay không riêng gì gia đình anh mà hàng chục hộ trong thân quyến của anh cũng đang tập trung chăn nuôi, phát triển đàn bò sữa.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Phên- trưởng ấp An Thới. Hộ của ông Phên cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương. Ông Phên cho biết, trước đây ông là cán bộ công tác ngành Công an. Cách đây 5 năm, khi vừa nghỉ hưu trí, ông Phên tham gia công tác địa phương.
Để có thêm thu nhập, ông đầu tư nuôi bò. Hiện nhà ông đang nuôi 10 con bò, trong đó có 4 con bò sữa, 6 con bò cái vàng. Trong 6 con bò vàng, ông chọn ra 3 con để lai tạo bò sữa. Do không đủ khả năng đầu tư một lần nên ông chọn lối “đi vòng” bằng cách lai tạo bò sữa từ F1, rồi đến F2. Cách này tuy chậm nhưng rẻ.
Bò ta lai tạo tuy cho ít sữa hơn bò giống du nhập nhưng lại dễ nuôi hơn. Hiện ông Phên đã lai tạo được một con bò cái F1. Ông cũng khẳng định trong lúc giá nông sản phẩm như lúa, đậu, mì, mía... lên xuống bấp bênh thì nuôi bò, nhất là nuôi bò sữa sẽ có lời nhiều hơn.
Cái khó... bó lấy người nuôi
Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tịnh cho biết, những năm gần đây số người chăn nuôi bò sữa cũng như số lượng bò sữa trên địa bàn xã tăng khá nhanh. Tính tới ngày 18.4.2014 toàn xã có 90 hộ nuôi bò sữa (tăng 15 hộ so với năm 2012) với tổng đàn bò hơn 1.000 con.
Trong đó hộ nuôi nhiều nhất là 60 con, hộ nuôi thấp nhất là 4 con. Xã đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa. Đầu tháng 3.2014 các cấp Hội Nông dân đã xem xét cho 40 hộ chăn nuôi bò sữa ở An Tịnh vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, với tổng số vốn 1 tỷ đồng (25 triệu đồng/hộ), thời gian vay là 24 tháng, lãi suất 0,7%/tháng.
Có được nguồn vốn vay ưu đãi này, bà con chăn nuôi bò sữa rất phấn khởi vì có thêm vốn đầu tư cho đàn bò. Tuy nhiên theo nhận xét của một số người, nguồn vốn vay như thế còn quá khiêm tốn so với nguồn vốn đầu tư cho bò sữa. Hiện nay giá bò sữa giống tăng rất cao, với số tiền 25 triệu đồng, người chăn nuôi mới chỉ mua được… phân nửa con bò đang cho sữa loại trung bình (cho 15kg sữa/ngày).
Ngay cả với bò tơ (khoảng 15 tháng tuổi) thì người nuôi cũng phải “đắp” thêm từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nữa. Cũng theo nhận định của bà con nông dân, muốn có lợi nhuận từ việc nuôi bò sữa thì phải nuôi ít nhất từ 5 con trở lên, mà vốn đầu tư ban đầu (một lần) cho cả 5 con, tính cả làm chuồng trại, tiền mua thức ăn cho bò... cũng cần đến vài trăm triệu đồng.
Số vốn này quả là không nhỏ đối với nông dân. Trong khi đó, nuôi bò sữa còn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn rất nhiều so với nuôi bò thịt. Chính vì vậy nhiều hộ muốn phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng đành chịu vì không có vốn đầu tư.
Ông Trương Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng nhận định, tình hình chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng trong những năm qua có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giống bò có năng suất, chất lượng cao được nông dân mua từ các địa phương khác về chăn nuôi.
Đến cuối tháng 3. 2014, toàn huyện có 180 hộ dân và một công ty chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn là 2.727 con. Trong đó có 690 con đang cho sữa, với sản lượng sữa thu được hơn 10.360kg/ngày. Trên địa bàn huyện hiện có 4 điểm thu mua sữa, việc tiêu thụ sữa bò tươi của người chăn nuôi rất thuận lợi.
Thời điểm hiện tại, giá sữa bò tươi tại các điểm thu mua trung bình 14.700 đồng/kg. Một con bò đang cho sữa với mức bình quân 15kg/ngày, sẽ đem lại lợi nhuận hơn 100.000 đồng/ngày (sau khi trừ chi phí). Giá bò sữa giống đang khá cao, một con bò cái tơ khoảng 15 tháng tuổi có giá từ 30 đến 35 triệu đồng. Một con bò cho sữa hơn 15kg/ngày giá sẽ còn cao hơn- từ 35 đến 45 triệu đồng. Còn nếu là bò có thể lấy sữa được hơn 20 kg/ngày, giá phải từ 45 đến 60 triệu đồng/con.
Người chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định, chẳng hạn như không quản lý được tinh bò sữa giống. Từ trước đến nay, khi gieo tinh cho bò, bà con nông dân toàn thuê các dẫn tinh viên.
Các dẫn tinh viên đi mua tinh bò sữa từ các nơi khác như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương... về gieo tinh cho đàn bò sữa của huyện. Bà con chăn nuôi bò sữa thường không lập sổ cá thể để theo dõi nguồn gốc của tinh bò giống, nên về lâu dài khó tránh khỏi hiện tượng trùng huyết nơi bò.
Theo kế hoạch đến năm 2015, đàn bò sữa của huyện Trảng Bàng phát triển hơn 3.000 con. Để có được số lượng này, huyện cần một số chính sách, giải pháp như: Nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác huấn luyện, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tiêm phòng định kỳ cho bò mỗi năm 2 lần; hỗ trợ các mô hình chăn nuôi điểm.
Điều quan trọng nhất là để phát triển đàn bò sữa của huyện, Nhà nước cần có chính sách cho vay ưu đãi đối với người chăn nuôi. Các ngành chức năng khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập mô hình chăn nuôi bò sữa trang trại, hoặc hợp tác xã có quy mô lớn; cần có sự liên kết giữa người chăn nuôi với các công ty thành lập các điểm mua bán bò giống, thu mua sữa để kích thích đầu ra cho sản phẩm.
Về kỹ thuật, cần mở rộng các mô hình trình diễn đồng cỏ có năng suất cao, mô hình trang trại kiểu mẫu; tăng cường công tác quản lý giống, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ và nông dân tham gia quản lý, giúp người chăn nuôi có kiến thức thêm về tuyển chọn giống ở các thế hệ sau; tiếp tục cải tạo nâng cấp đàn bò cái nền ở địa phương; chú ý tăng cường công tác tiêu độc, sát trùng chuồng trại.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển đã có văn bản kiến nghị cấp trên cho tiếp tục thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2014 - 2020; trong dự án cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ tinh bò sữa chất lượng cao, máy móc phục vụ chăn nuôi bò sữa…
Nếu không thực hiện được các chính sách hỗ trợ vừa nêu thì cũng cần có chính sách hỗ trợ tạm thời cho các hộ chăn nuôi bò sữa với mức từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/con, với điều kiện mua bò sữa giống ngoài tỉnh Tây Ninh có xác nhận hoặc hợp đồng mua bán, có chuồng trại chăn nuôi.
Có thể mở rộng địa bàn chăn nuôi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài huyện Trảng Bàng, các huyện khác lân cận chưa có hoặc có rất ít hộ nuôi bò sữa. Ở Trảng Bàng việc chăn nuôi bò sữa cũng chỉ có những xã ở cánh Đông. Còn lại 3 xã cánh Tây (Bình Thạnh, Phước Chỉ và Phước Lưu) đến nay hầu như chưa có bóng dáng con bò sữa nào.
Được biết ngoài vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông, ở các xã cánh Tây huyện Trảng Bàng có khu vực gò giồng với những cánh đồng rộng lớn nằm cặp biên giới có điều kiện phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Kinh tế các xã cánh Tây chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đa số bà con nông dân chỉ độc canh cây lúa.
Vào vụ Đông Xuân, một số diện tích đất được trồng thuốc lá vàng, mè, gần đây có một số hộ trồng mía... Nhìn chung đời sống của đại bộ phận nông dân nơi đây còn gặp nhiều khăn. Nên chăng các cấp, ngành chức năng xem xét tạo điều kiện giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi bò sữa ở các xã cánh Tây?
Theo chúng tôi được biết, không chỉ có huyện Trảng Bàng, các huyện lân cận như Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu nhiều nơi cũng có tiềm năng, điều kiện phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Trong thực tế, đến nay đàn bò sữa cũng chỉ dừng lại ở phạm vi huyện Trảng Bàng.
Trong khi giá cả các loại cây trồng như lúa, đậu phộng, mía, hoa màu... luôn bấp bênh và thường bất lợi cho nông dân, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống là rất cần thiết. Trong đó, nghề chăn nuôi bò sữa đang cho thấy có nhiều ưu thế thuận lợi.
Nếu được tạo cơ hội để phát triển, nghề chăn nuôi bò sữa sẽ đem lại cuộc sống vững vàng cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà ngày càng đi lên.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao