Nghe dân trong nghề kể chuyện thức thâu đêm canh lọp lươn
Trắng đêm trên đồng
Chiều buông! Trên tuyến đê cánh đồng xã Hòa Lạc và Phú Bình (Phú Tân, An Giang), người dân xách lỉnh kỉnh những chiếc lọp tìm nơi “dụ” lươn.
Theo chân nhóm anh Sang, Đây, Tâm để trải nghiệm cái thú “săn” lươn thật hấp dẫn và dân dã của miệt đồng.
Sụp tối, mưa như trút nước.
Những người đặt lọp lươn vội chạy vào những căn trại trú mưa.
“Chắc bão đổ bộ vào đất liền, mưa chắc lớn lắm…”- các anh bàn tán.
Ngồi co ro bên chiếc chõng tre, anh Sang (40 tuổi, quê xã Phú Thành) nói át tiếng mưa: “Nghề đặt lọp lươn là vậy đó chú em ơi! Cực khổ dữ lắm! Khi thì đội mưa, lúc thì ngủ sương dễ trúng gió bất tử.
Thường vào buổi chiều, chúng tôi mang lọp ra đồng đặt lươn.
Mấy năm nay, đồng nhà bao đê 3 năm 8 vụ để canh tác lúa, do đó chúng tôi sang cánh đồng xã Hòa Lạc để đặt lọp lươn kiếm thêm thu nhập”.
Nhờ có nguồn lươn giống mà bà con có thu nhập ổn định.
Mưa tạnh.
Tiếng ếch, nhái lộp ộp ngoài đồng “xướng” lên trong đêm, ai cũng não nề và nhớ nhà.
Đeo chiếc đèn pha trên đầu, các anh chia nhau từng chỗ đặt lọp.
Cứ thế, những cái lọp được nhận chìm xuống đáy nước để bắt lươn.
Đặt xong, nhóm anh Sang tụm năm, tụm bảy trên đê kể nhau nghe về chuyện làm ăn trong mùa lũ.
Ai cũng có gia cảnh khó khăn, nhưng tựu chung là siêng năng.
“Đặt lọp lươn xong không dám ngủ mà phải thức thâu đêm canh chừng vì sợ trộm đổ lọp của mình.
Đi đến đâu là mắc võng nghỉ tại chỗ đó.
Luôn cảnh giác với kẻ trộm, vậy mà chúng tôi bị dỡ lọp trước hoài…”- anh Sang bày tỏ.
Loay hoay theo con nước
Những năm gần đây, do đặt lươn giống và nuôi lươn thịt “kiếm ăn” được nên nhóm anh Sang mua được xe gắn máy làm phương tiện đặt lọp lươn.
Anh Tâm cho biết: “Trước đây, chúng tôi đi bằng xuồng, nhưng nay thì đi bằng xe máy.
Đi xe máy tiên lợi và nhanh hơn so với đi xuồng.
Trung bình một chiếc xe, chúng tôi chở được 70-80 cái lọp, đặt một đêm dính ít nhất 3-4kg lươn giống”.
Bạn hàng và những hộ nuôi lươn cho biết, năm nay do lũ nhỏ, nguồn lươn giảm nên giá lươn trên thị trường tăng mạnh.
Lươn loại I, cỡ 250gram/con, có giá từ 180.000-220.000 đồng/kg; lươn giống loại 15-40 con/kg, có giá 150.00-170.000 đồng/kg. Nhờ vậy, bà con có thu nhập tương đối ổn định.
Anh Đây (ngụ xã Phú Long, Phú Tân) cho hay, mỗi đêm anh đặt 80 cái lọp lươn trên cánh đồng xã Hòa Lạc và Phú Bình.
Nghe tin nước lũ vừa chụp đồng, anh Đây cùng anh em đi đặt lươn giống về nuôi.
“Nghề này cũng dễ làm, chỉ cần mua tre, dây chì về đan thành lọp.
Sau đó, bắt cua đồng lặt đôi dùng làm mồi là bắt dính lươn.
Mỗi cái lọp thu hoạch từ 2-5 con lươn giống, hôm nào trúng mánh dính được lươn to, kiếm thu nhập hàng trăm ngàn đồng”- anh Đây tâm sự.
Hầu hết, người dân đi đặt lọp lươn giống đều có chung khát vọng là lũ lên mạnh để nước tràn đồng nhiều, khi đó lươn sẽ sinh sản nhiều.
Nghề đặt lọp lươn không ở cố định tại chỗ mà đi hết đồng nhà đến tận đồng xa.
Nhờ vậy mới có nguồn lươn để bán cho dân nghèo nuôi trong mùa lũ. “Hôm nào trúng mánh, thu hoạch trên 5kg, bán với giá 150.000-180.000 đồng, bỏ sở hụi kiếm thu nhập trên 300.000-400.000 đồng.
Cái nghề này đã gắn chặt với chúng tôi trên chục năm. Hễ năm nào có lũ lớn là có thu nhập cao.
Còn năm nay lũ kiệt, nguồn lươn ít dần”- anh Đây nói. Để tăng thêm nguồn thu nhập, anh Sang, Tâm, Đây cũng mạnh dạn xây bồn trước nhà nuôi lươn. “Chúng tôi cũng chừa lươn “đỉa” để lại nuôi. Bước sang những tháng sau Tết, giá lươn thịt tăng mạnh sẽ hốt bạc.
Hiện tại, nhà tôi đang nuôi bồn lươn, trung bình mỗi con đạt trọng lượng khoảng 500gram. Hổm rài, thương lái dạm hỏi mua với giá 250.000 đồng/kg mà tôi chưa bán…”- anh Sang khoe.
Dỡ lọp xong, nhóm anh Sang, Tâm, Đây vui mừng khấp khởi vì trúng được mẻ lươn 4-5kg. Nhìn những con lươn bò lúc nhúc trong lọp, cả nhóm quên đi cơn buồn ngủ.
Trời vừa tỏ mặt cũng là lúc các anh ra về trong niềm phấn khởi, sau một đêm mưu sinh vất vả.
Mấy năm nay, nguồn lươn khan hiếm, những người đi đặt lọp lươn phải lặn lội tận đồng xa. Hôm nào trúng mánh thì thu hoạch vài ba ký, hôm nào thất chỉ dính vài con lươn “đỉa”.
Nghề đặt lọp lươn cũng lắm gian nan. Hiện nay, tại các xã giáp biên, nhiều hộ đặt trúm, lọp lươn giống, phân phối khắp các tỉnh ĐBSCL. Gần đây, nhiều hộ nuôi lươn ở huyện Châu Thành đã nuôi và cho ươn thành công lươn giống, giúp nhiều hộ nghèo có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi lươn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao