Mô hình kinh tế Nghề Khai Thác Thủy Sản - Cạn Nguồn Lao Động Ở Hải Phòng

Nghề Khai Thác Thủy Sản - Cạn Nguồn Lao Động Ở Hải Phòng

Publish date Sunday. May 20th, 2012

Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.

Khó tìm lao động

Ngư dân Đỗ Văn Hùng, thuyền trưởng tàu cá HP 90051 (tập đoàn đánh cá Đại Hợp, Kiến Thụy) cho biết: “Khoảng 3 năm gần đây, chúng tôi rất khó tìm lao động đi biển ngay tại địa phương, chủ yếu phải tìm lao động nghề cá ở các tỉnh ngoài. Số lao động này cũng không gắn bó với tàu của mình lâu dài. Thường sau một chuyến đi biển, nếu thấy tàu mình thu nhập không cao, thì các lao động lại tìm đến những tàu vươn khơi khác hiệu quả hơn. Chuyến đi biển sau, các thuyền trưởng lại rất mất thời gian để tìm đủ lao động đi biển, chứ chưa nói đến các lao động nghề cá có kinh nghiệm”.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Cụm trưởng cụm tàu an toàn Đại Hợp, hiện nay, lao động nghề cá ở Đại Hợp đang ngày càng cạn kiệt nguồn. Nhiều lao động nghề cá bỏ đi biển để vào làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nguyên do nghề đi biển nguy hiểm, nhưng thu nhập thấp. Nhiều chủ tàu không còn vốn duy trì khai thác vươn khơi, phải bán phương tiện, nên các lao động trên tàu thất nghiệp. Số lao động nghề cá của xã hiện luôn trong tình trạng không làm ổn định cho một tàu nào.

Đây cũng là tình trạng chung của các tập đoàn đánh cá Nam Triệu (Lập Lễ, Thủy Nguyên), Ngọc Hải (Đồ Sơn), Nam Hải (Đoàn Xá, Kiến Thụy). Theo ông Ngô Đăng Đán, Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá (Kiến Thụy) có 3 lý do khiến thanh niên địa phương ngại theo nghề khai thác thủy sản. Một là, đi biển là nghề vất vả, cường độ lao động cao, thu nhập thấp, nặng nhọc hơn so với các nghề khác trên bờ, hoạt động dài ngày trên biển, thường xuyên phải đối chọi với sóng gió, thiên tai, hay gặp rủi ro. Hai là, sản lượng, năng suất đánh bắt giảm, thu nhập của ngư dân có xu hướng giảm, nên không khuyến khích họ đi biển. Ba là, thanh niên hiện có nhiều cơ hội để chọn lựa các nghề nghiệp khác có thu nhập cao hơn. 

Ông Đỗ Quý Thạc, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho biết, do nằm trên địa bàn tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nghề cá Hải Phòng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động của các ngành nghề khác như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... Ngoài ngư nghiệp, người dân địa phương có thể tham gia các loại hình hoạt động kinh tế khác khi không phải đi biển. 

Hiện nay, số lượng thanh niên vùng ven biển Hải Phòng là lực lượng thay thế cho số lao động hiện tại, không muốn làm nghề khai thác biển, muốn đi học, làm nghề khác hoặc ra nội thành kiếm việc làm ngày càng tăng. Do đó, số lượng lao động nghề cá Hải Phòng những năm gần đây giảm mạnh. Số lao động khai thác trực tiếp ở các huyện trong từng năm giảm với tốc độ khác nhau. Chẳng hạn, huyện Cát Hải từ năm 1996 đến nay, số lao động nghề cá giảm 34% mỗi năm; huyện Kiến Thụy, giảm 8 - 11 %/năm…

Vươn khơi ảnh hưởng

“Lao động nghề cá có tính đặc thù, phải rất nhiều năm mới có thể đào tạo được một ngư dân vững tay nghề, có kinh nghiệm đi biển, nên việc mất dần lao động nghề cá là sự lãng phí lớn”- anh Đinh Như Bèng, thuyền trưởng tàu cá HP 90092 ở Lập Lễ (Thủy Nguyên) khẳng định như vậy. Không còn ngư dân có kinh nghiệm, thì không thể phát triển vươn khơi, để trống vùng biển sẽ ảnh hưởng đến an ninh biển đảo.

Do còn ít ngư dân có trình độ và kinh nghiệm vươn khơi, nên nhiều tàu khai thác lúng túng trong việc áp dụng công nghệ mới. Chẳng hạn như ở khu vực Cát Bà (huyện Cát Hải) có tới 2 khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhưng người dân địa phương chủ yếu đánh bắt ven bờ, số tàu đánh bắt vươn khơi neo đậu và hoạt động trên vùng biển Cát Bà chủ yếu là ngư dân miền Trung. Theo nhiều ngư dân lý giải, số lao động đánh cá mới không có kinh nghiệm khai thác xa bờ, chỉ sắm thuyền nan lắp máy làm nghề lưới rê và câu ở gần bờ. 

Nhiều chủ tàu ở Lập Lễ (Thủy Nguyên) và Đại Hợp (Kiến Thụy) khẳng định, khi không tìm đủ lao động nghề cá có kinh nghiệm, họ không còn cách nào khác là phải cho tàu nằm bờ hoặc đi biển cầm chừng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến số tàu vươn khơi khai thác của ta giảm ở khu vực đánh cá chung trên vịnh Bắc Bộ. Thực tế là, hiện số tàu vươn khơi của Đại Hợp (Kiến Thụy) giảm 9 chiếc so với năm trước, số tàu được cấp phép trong vùng đánh cá chung là 40 chiếc, cũng giảm nhiều so với năm 2009. 

Tại Liên tập đoàn đánh cá Lập Lễ (Thủy Nguyên), phương tiện vươn khơi giảm 25 chiếc so với năm 2011, trong đó, chỉ còn 5 tàu được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung, giảm 110 tàu so với thời điểm năm 2005. Theo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, Hải Phòng có 510 phương tiện vươn khơi, giảm hơn 200 phương tiện so với năm 2010. Toàn thành phố chỉ còn 73 tàu cá được cấp phép tham gia khai thác thủy sản tại vùng nước Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Để thực hiện được mục tiêu của chương trình khai thác hải sản xa bờ cũng như để cải thiện chất lượng lao động nghề cá, thành phố chú trọng hơn nhu cầu đào tạo chính quy và bồi dưỡng ngắn hạn lao động nghề cá phổ thông và thuyền trưởng có chất lượng. Đồng thời, Nhà nước có các chính sách và cơ chế hỗ trợ tổng hợp khác nhằm khuyến khích, thu hút và hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ ngư dân ở lại với nghề.

Related news

nuoi-ca-sac-ran-lai-50-trieu-dong-nam-o-dong-nai Nuôi Cá Sặc Rằn Lãi… tang-cuong-trien-khai-cac-mo-hinh-san-xuat-lua-gieo-thang-o-lao-cai Tăng Cường Triển Khai Các…