Nghề nuôi nghêu không còn dễ ăn
Ông Trần Văn Luân, nông dân có sân nghêu hơn 5 ha ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông đang thu hoạch cho biết, đợt thu hoạch này ông thu được khoảng 4 tấn nghêu cỡ 50 - 60 con/kg với giá bán trên thị trường khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg (chi phí nhân công thu hoạch 4.000 đồng/kg); nếu tiếp tục giữ nghêu đến khi nghêu đạt cỡ dưới 50 con/kg thì giá nghêu có thể từ 18.000 - 19.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá nghêu đợt thu hoạch này chưa xác định được chính xác do nghêu được đưa về chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) để cung cấp cho thị trường nội địa và khi nào bán được nghêu thì mới biết được giá bán chính thức.
Trong 2 - 3 năm trở lại đây, nghêu nuôi ở ven biển Gò Công chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, thay vì bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như trước đây, nên sức tiêu thụ rất hạn chế. Do sản lượng nghêu thu hoạch bán cho thị trường nội địa không lớn nên mỗi chủ sân nghêu chỉ thu hoạch từ 3 - 5 tấn nghêu thương phẩm/ngày.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay mỗi sân nghêu thu hoạch chỉ cần lượng nhân công từ 10 - 30 người, không khí trông kém khẩn trương, còn trước đây do phải thu hoạch nghêu với sản lượng tới 30 - 40 tấn mỗi ngày nên mỗi sân nghêu có gần 100 người tất bật thu hoạch cho kịp con nước.
Thời điểm này, người nuôi nghêu tập trung chăm sóc lượng nghêu hiện có để nhanh chóng thu hoạch thu hồi vốn đầu tư, hạn chế rủi ro; việc thả giống vụ mới chưa tiến hành do chưa có nghêu giống.
Ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng Ban Quản lý Cồn Bãi (đơn vị được UBND huyện Gò Công Đông giao quản lý 350 ha bãi bồi nuôi nghêu ven biển thuộc xã Tân Thành) cho biết, hiện nay nghêu cỡ 50 - 60 con/kg có giá thành sản xuất khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy theo thời điểm và chất lượng nghêu giống.
Do đó, trong điều kiện nghêu không bị chết hàng loạt, với giá nghêu từ 13.000 - 14.000 đồng/kg như hiện nay người nuôi nghêu có lãi khoảng 20 - 30% so với vốn đầu tư; còn nếu nghêu chết gây thiệt hại từ 80 - 90% như năm 2015 thì coi như mất trắng.
Theo ông Hai, giá nghêu giảm mạnh là do những năm gần đây nhiều địa phương trong cả nước phát triển mô hình nuôi nghêu ven biển (trước đây chỉ có Bến Tre, Tiền Giang nuôi nghêu) khiến cho sản lượng nghêu ngày càng tăng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu trước đây đã cắt giảm xuất khẩu mặt hàng này hoặc mua nghêu nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… để tận dụng giá rẻ.
Do đó, gần đây nghêu nuôi ven biển xã Tân Thành chủ yếu tiêu thụ nội địa với sản lượng tối đa khoảng 30 tấn/ngày, còn trước đây nghêu bán cho các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu có thể tiêu thụ lượng nghêu gấp 10 lần hiện nay.
“Hiện nay, người nuôi nghêu hoàn toàn bị động. Con giống thì phụ thuộc thiên nhiên, nuôi nghêu phụ thuộc vào thời tiết, môi trường…, còn bán nghêu thì phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Trong thời gian tới giá nghêu có thể tiếp tục giảm do sản lượng nghêu ngày càng tăng, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa rất hạn chế, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa mua nghêu trở lại” - ông Hai cho biết.
Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2016, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh tại các vùng nuôi nghêu tập trung, đặc biệt Chi cục Thủy sản tiến hành theo dõi chặt các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan trong nước với tần suất 2 ngày/lần…
Ngành Nông nghiệp còn cùng với địa phương thường xuyên khảo sát tình hình nuôi nghêu thực tế để kịp thời có khuyến cáo kỹ thuật, biện pháp hỗ trợ kịp thời khi có những bất thường xảy ra trên nghêu nuôi.
Anh Trần Quang Tâm đang bắt nghêu bằng phương pháp đập chân xuống sân nghêu để nghêu trồi lên bắt mà không cần dùng dụng cụ hỗ trợ.
Mặc dù nghề nuôi nghêu còn nhiều khó khăn, tuy nhiên qua đợt khảo sát mới đây của ngành Nông nghiệp và địa phương, điều đáng mừng là hiện nay nghêu nuôi ở khu vực xã Tân Thành vẫn phát triển bình thường trong tình trạng hạn, mặn đang diễn ra gay gắt. Nhiều chuyên gia về nghêu dự báo năm nay nghêu phát triển thuận lợi, khả năng xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu như trong năm 2015 là rất thấp.
Để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi nghêu, nhiều chuyên gia về nghêu cho rằng, trước mắt việc xác định được tác nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm vừa qua để có biện pháp phòng tránh hiệu quả là vô cùng cấp thiết để đẩy mạnh tiêu thụ nghêu và giảm thiệt hại cho người nuôi nghêu, bởi do sản lượng nghêu không ổn định (nghêu chết bất thường) nên các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu không dám ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, ương dưỡng nghêu giống để nghề nuôi nghêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nghêu giống tự nhiên…
Theo thống kê của các địa phương, hiện nay tổng diện tích thả nuôi nghêu ven biển toàn tỉnh hơn 2.000 ha, tập trung ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Trong đó diện tích nghêu đạt cỡ thu hoạch (cỡ 50 - 80 con/kg) là 600 ha với sản lượng nghêu khoảng 6.500 tấn, diện tích nghêu trung (nghêu cỡ 100 - 800 con/kg) chiếm khoảng 900 ha, diện tích nghêu mới thả giống (cỡ nghêu 4.500 - 8.000 con/kg) khoảng 500 ha.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao