Tin nông nghiệp Nghề nuôi sâm động vật

Nghề nuôi sâm động vật

Author Nguyên Thủy, publish date Friday. August 23rd, 2019

Dịch tả heo Châu Phi đang khiến người chăn nuôi heo lao đao. Trong khi đó, rất nhiều hộ nông dân các tỉnh phía Nam lại ăn nên làm ra với loài thực phẩm được dân gian gọi là “sâm động vật”, đó là nuôi lươn

Lươn phân chia nuôi trong từng bể xi măng.

Tiêu thụ trên 2.300 tấn lươn/năm

Con số gây kinh ngạc này được Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TPHCM) đưa ra tại hội thảo về SX, kinh doanh lươn. Thực ra, việc sử dụng lươn để ăn là thói quen từ xa xưa, bởi lẽ đây là món ăn lành tính, tốt cho sức khỏe được dân gian mệnh danh là “sâm động vật”. Và trước việc dịch tả heo Châu Phi lây lan mạnh, con lươn có cơ hội là loại thực phẩm ngon miệng, dùng nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày.

Theo ông Võ Chí Cường, cán bộ Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, nguồn lươn thịt của TPHCM chủ yếu được tập trung về chợ đầu mối Bình Điền để cung ứng cho các thị trường, trong đó 97% nhập từ các tỉnh như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh...; còn khoảng 3% lươn thịt nuôi tại TP (tương đương 194,5 tấn/năm). Trong khi đó, sản lượng lươn tiêu thụ tại TPHCM mỗi năm lên đến 2.304 tấn.

Như vậy, cơ hội cho người nuôi lươn tại TPHCM đang rất lớn, thị trường quá rộng và sức tiêu thụ gia tăng. Hiện TPHCM chỉ có 27 hộ nuôi lươn với 778 bể/27 hộ nuôi (tương đương 9.336m2), chủ yếu nuôi tại các hộ nhỏ lẻ tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12. Như vậy, chỉ tính riêng tiêu thụ lươn tại TPHCM thì cung đã không đủ cầu, chưa tính chuyện xuất khẩu. 

“Trước tình hình dịch bệnh trên đàn heo chưa được ngăn chặn, đất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM ngày càng ít, thì việc chuyển đổi đẩy mạnh sang nuôi lươn là một nhu cầu cấp thiết cho những hộ chăn nuôi”, ông Cường nói.  

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng

Theo Trung tâm Khuyến nông TPHCM, vài năm gần đây, một số hộ tại huyện Củ Chi đã chuyển chăn nuôi heo sang nuôi lươn. Tận dụng chuồng heo có sẵn, rồi cải tạo lại để nuôi lươn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân đã biết ứng dụng kỹ thuật nuôi cá chình của Nhật Bản, Hàn Quốc vào nuôi lươn trong hồ xi măng không bùn, thay nước hàng ngày nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi thông qua hệ thống cấp, thoát nước và xi phông đáy. 

Bên cạnh dùng cá tạp, phụ phẩm động vật, cám gạo, thì tận dụng nguồn trùn quế có hàm lượng đạm cao có sẵn tại Củ Chi cũng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả nuôi lươn. Năng suất nuôi lươn hiện đạt 350 – 400 kg/hồ/vụ 6 tháng nuôi; sản lượng lươn cung cấp ra thị trường TPHCM khoảng 85 tấn/vụ, giá bán từ 150.000 - 190.000 đồng/kg.

“Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn mang lại hiệu quả cao, người dân có thể nhân rộng. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ đặc tính sống của lươn, thức ăn cho lươn phải có đủ đạm >38 %, xơ, khoáng chất, vitamin, … Nguồn nước đủ, sạch, thay nước thường xuyên suốt quá trình nuôi để tránh ô nhiễm”, đại diện Trung tâm Khuyến nông TP HCM khuyến cáo.

Ông Phạm Viết Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Công nghệ xanh Bình Minh cho biết, hiện HTX có 464 hồ nuôi lươn, lươn giống nhập từ Campuchia. Trong gần một năm, HTX nhập 15 tấn lươn giống (14 tấn loại 20 con/kg, 11 tấn loại 25 con/kg). Từ 1kg lươn giống sau khi nuôi 6 - 7 tháng sẽ cho ra 4,8 kg lươn thịt. Sản lượng lươn HTX đã xuất bán là 85 tấn lươn thịt. Dự kiến, sắp tới HTX sẽ tiếp tục xuất bán 28 tấn lươn nữa.

Nói về khó khăn, ông Sơn cho biết, TPHCM chủ yếu nhập lươn giống từ Campuchia và miền Tây, tuy nhiên lươn giống Campuchia số lượng không ổn định, giá cao; còn lươn giống SX tại miền Tây như Vĩnh Long, An Giang và Cần Thơ... thì số lượng ít, không được khỏe. Ngoài ra, việc cung cấp thức ăn cho lươn do người nuôi tự chế biến từ trùn quế, phế phẩm cá tạp là chính mà chưa có thức ăn chuyên dùng.

Hiện HTX đang thử nghiệm mô hình SX lươn giống nhân tạo tại chỗ, nếu thành công dự tính đến tháng 3/2021 sẽ cung cấp khoảng 1,7 triệu con giống (loại 20 con/kg) cho các xã viên trong HTX và một số hộ nuôi khác.

Theo Chi cục Thủy sản TPHCM, một số trung tâm giống, cơ sở đã nghiên cứu thành công quy trình sinh sản con giống lươn bán nhân tạo, thử nghiệm hiệu quả. Con giống sinh sản nhân tạo sẽ có những ưu điểm vượt trội so với con giống tự nhiên như kích cỡ đồng đều, không nhiễm bệnh, tăng trưởng tốt, số lượng lớn và ổn định. 

Tuy nhiên, nuôi lươn bằng con giống sinh sản bán nhân tạo cần phải được đánh giá toàn diện với những mô hình thí điểm để có những nhận định chính xác, khách quan. Trên cơ sở đó, mới có thể khuyến cáo người nuôi lươn có nên chọn con lươn làm đối tượng SX trong tương lai hay không.


Related news

sau-benh-hai-lua-tren-dien-rong-tai-thua-thien-hue Sâu bệnh hại lúa trên… nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-20-26-8 Những dịch bệnh hại cần…