Nghịch lý rau sạch VietGAP không có đầu ra, dân vẫn phải ăn "bẩn"
“Bản thân nông dân rất muốn sản xuất và kinh doanh nông sản sạch. Vấn đề còn vướng hiện nay là làm sao đưa được những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng!” - bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM khẳng định. Vì vậy, TP.HCM sẽ tạo điều kiện để phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Sơ chế rau an toàn tại HTX Phước Thịnh (Cần Giuộc, Long An). Ảnh: T.H
Đã an toàn, chỉ thiếu đầu ra
Tiếp đoàn thị sát của Ban Quản lý ATTP TP.HCM, ông Đặng Duy Dũng – Giám đốc HTX nông nghiệp SXTM-DV Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, HTX này có 30ha đất sản xuất rau an toàn. Trong đó, Phước Thịnh có nhiều loại rau đặc sản, có mùi vị thơm ngon đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như xà lách, rau mùi, rau cần nước…
Sau khi đoàn TP.HCM đi tham quan, thị sát quy trình sản xuất của một số HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ở Long An, chương trình ký kết diễn ra gần “giờ ngọ” nhưng vẫn thu hút sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ tỉnh Long An, từ lãnh đạo UBND tỉnh đến lãnh đạo Sở NNPTNT, đủ để thấy “quyết tâm” của hai địa phương trong việc “xây” thực phẩm sạch.
Hiện mỗi ngày HTX cung cấp 3 - 4 tấn rau sạch các loại, đạt tiêu chuẩn VietGAP cho TP.HCM, thông qua một số HTX khác. Tuy nhiên, chỉ có 50% lượng rau vào siêu thị, còn lại là các bếp ăn tập thể, nhà hàng nhưng sản lượng không ổn định.
Số lượng rau HTX thu mua và tìm được nơi tiêu thụ cho các xã viên HTX cũng còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, mỗi ngày, xã viên phải bán cho thương lái bên ngoài từ 5 – 10 tấn rau VietGAP, với giá bấp bênh.
“Xã viên rất trông chờ vào ban chủ nhiệm để tìm được hướng phát triển bền vững, bán được sản phẩm với giá hợp lý, nhưng chính chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho rau” - ông Dũng cho biết.
Ông Đồng Văn Đôn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), cho biết toàn huyện Cần Giuộc có tổng diện tích sản xuất rau khoảng 1.800ha, trong đó có 190ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 150ha sản xuất theo mô hình sử dụng nhà màng, nhà lưới và ứng dụng công nghệ cao.
Ngành nông nghiệp địa phương cũng tích cực hướng dẫn bà con ghi nhật ký đồng ruộng, thực hiện kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm thường xuyên. Theo đó, nông dân trước khi thu hoạch sẽ báo với địa phương để cán bộ nông nghiệp lấy mẫu, test dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV, kim loại nặng… Nếu phát hiện, nông dân sẽ được cảnh báo để ngừng thu hoạch.
Cần Giuộc cũng đang xây dựng một số mô hình trồng rau bằng phân hữu cơ, chuyển dần từ sử dụng phân vô cơ sang phân hữu cơ, sử dụng nhà màng và tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước… Địa phương cũng đang xây dựng một nhà màng ươm giống cung cấp cho nông dân, qua đó, rút ngắn thời gian canh tác, giảm rủi ro do sâu bệnh gây ra.
“Cái khó còn lại chỉ là đầu ra cho sản phẩm, nhiều HTX ở Cần Giuộc phải đi “gia công” cho các HTX khác nhưng giá bán rất bấp bênh, sản phẩm VietGAP làm ra không bán hết, lại còn bị nhập nhằng với sản phẩm không đạt chuẩn VietGAP… nên nông dân cũng buồn lắm” - ông Đôn chia sẻ.
Hợp tác xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch
Tỉnh Long An và Ban Quản lý ATTP TP.HCM vừa ký kết hợp tác phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2017 – 2020, với mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa tỉnh Long An và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở chế biến, giết mổ, tiến tới truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho rằng, từ khi được thành lập và “chạy thí điểm”, hai nhiệm vụ chính của ban là chống thực phẩm bẩn và xây dựng chuỗi thực phẩm sạch ngay từ nguồn sản xuất.
Theo bà Lan, để biết được tình hình ATTP có cải thiện hay không sau 3 năm thí điểm, câu trả lời không chỉ dựa vào số lượng các vụ thanh tra, xử lý vi phạm ATTP mà là cơ quan chức năng đã tác động đến người dân, nâng tỷ lệ người sử dụng thực phẩm an toàn và nâng tầm được các sản phẩm thực phẩm sạch.
“Nông dân rất muốn sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, vấn đề hiện nay là đưa các sản phẩm này đến người tiêu dùng, tạo điều kiện để các chuỗi thực phẩm có chỗ đứng trên thị trường” - bà Lan nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Hoàng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An khẳng định, địa phương này sẵn sàng tham gia vào chuỗi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc của TP.HCM. “Chỉ cần cho chúng tôi biết yêu cầu của người tiêu thụ của thành phố là gì, chúng tôi sẽ đáp ứng” - ông Hoàng nói trong buổi ký kết giữa Long An và TP.HCM mới đây.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao