Mô hình kinh tế Nghiên cứu khoa học trong thủy sản vẫn chưa toàn diện

Nghiên cứu khoa học trong thủy sản vẫn chưa toàn diện

Publish date Monday. May 25th, 2015

Nhiều năm qua, ngành thủy sản đã có tốc độ phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cải thiện cuộc sống của ngư dân. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD và thuộc nhóm 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế với trình độ nghiên cứu khoa học phục vụ thủy sản còn thấp, các sản phẩm nghiên cứu chưa thật sự có đột phá, chưa đem lại hiệu quả.

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản”, nhằm tìm ra những phương pháp nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cũng như cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… phục vụ cho quá trình tái cơ cấu ngành.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trình độ khoa học công nghệ thủy sản chưa thật sự làm chủ công nghệ và chưa ổn định được công nghệ tạo giống đáp ứng yêu cầu sạch bệnh, kháng bệnh, khả năng tăng trưởng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (chịu mặn, chịu lạnh…). Công nghệ sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Vấn đề dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra; tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá còn cao và một số sản phẩm chế biến còn ở dạng bán thành phẩm, kể cả sản phẩm của đối tượng chủ lực. Công tác nghiên cứu và quan trắc môi trường đang còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ chưa thật sự hiệu quả. Số lượng dự án khuyến nông nhiều nhưng thực hiện phân tán và trong quá trình thực hiện vẫn có sự chồng chéo, trùng lặp ở các vùng có nhiều dự án cùng thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam xác định 4 loại thủy sản chính như: con tôm, cá tra, rô phi và nhuyễn thể. Nhưng ngay cả với những đối tượng chủ lực này chúng ta cũng vẫn chưa làm chủ được công nghệ. Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật đang được áp dụng phổ biến trên thế giới nhưng trong ngành đánh bắt chúng ta chưa áp dụng được. Chưa có những nghiên cứu mang tính toàn diện trong ngành.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát việc quan trọng nhất là chúng ta phải điều chỉnh từ cách tiếp cận, quan điểm, tổ chức sản xuất, quản lý, hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và quan trọng là phải có khoa học công nghệ. Chủ động nghiên cứu để có một hệ thống lâu dài, cơ chế vận hành hiệu quả. Cùng với đó, việc chuyển giao phải được điều chỉnh mạnh mẽ.

Tại hội nghị các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến điều chỉnh việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ như thế nào trong lĩnh vực thủy sản để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành. Trong đó, nổi lên là những vấn đề như các nhà khoa học cần bám sát thực tế nhiều hơn, nhiều đề xuất của nhà khoa học nhiều khi không phù hợp với thực tế, không tổng quan được tình hình bên ngoài. Trong tổ chức khoa học cần tập trung nguồn lực, hạn chế việc thay đổi người làm đề tài… để tránh dẫn đến việc khó có được sản phẩm nghiên cứu đầu ra.


Related news

dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-thuy-san-ngay-tu-nhung-cong-doan-nuoi Đảm bảo an toàn vệ… tom-nuoc-lo-mat-mua-rot-gia Tôm nước lợ mất mùa,…