Nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều mô hình phục vụ nuôi trồng thủy sản
Qua đó góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức do thực tiễn sản xuất đặt ra và hình thành nên những quy trình, mô hình sản xuất mới, giúp nông dân giảm rủi ro, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hướng đến hiệu quả, an toàn
Từ đầu năm đến nay, Sở KH-CN đã tổ chức nghiệm thu nhiều đề tài, dự án như:
Dự án Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sặc rằn trong ao và trong ruộng lúa kết hợp tại xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); dự án Thực nghiệm mô hình sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ tôm trong vùng lúa - tôm có độ mặn từ 4 - 6‰ ở huyện Hồng Dân;
Xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp lai sinh sản tại xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long); Thử nghiệm nuôi ếch Thái Lan trong vèo kết hợp thả cá trê vàng trong ao đất tại xã Hưng Phú (huyện Phước Long);
Thử nghiệm nuôi cá lóc kết hợp trồng năn bộp ở xã Phong Tân (TX. Giá Rai)...
Những đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng mang tính thiết thực nêu trên đã thật sự mở ra nhiều hướng đi mới cho người nông dân.
Trong đó, nổi bật là đề tài Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và một số giải pháp để cải tiến quy trình nuôi tôm sú công nghiệp ở Bạc Liêu” của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh - xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) được Hội đồng KH-CN tỉnh xếp loại xuất sắc.
Theo ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh:
Tôm nuôi bệnh chủ yếu do môi trường nuôi bị ô nhiễm, dẫn đến các bệnh ở tôm có nguồn gốc vi khuẩn hoặc vi-rút gây bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng gây thiệt hại lớn. Để hạn chế dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học là xu hướng chung mà nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Do vậy, đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh vật và một số giải pháp để cải tiến quy trình nuôi tôm sú công nghiệp ở Bạc Liêu với mục tiêu:
Phân lập và tuyển chọn chủng giống vi sinh và chọn được bộ chủng giống vi sinh vật hữu hiệu, có hoạt tính đối kháng với một số loài vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở tôm sú nuôi từ đường tiêu hóa của tôm nuôi và từ bùn đáy ao.
Đồng thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ để xây dựng quy trình nuôi tôm an toàn, hiệu quả giúp bà con nông dân giảm rủi ro, tăng lợi nhuận và tạo ra sản phẩm tôm sạch.
Qua nghiên cứu, Công ty Trúc Anh đã phân lập hơn 40 chủng vi khuẩn từ bùn ao nuôi tôm, ống tiêu hóa của tôm và chế phẩm sinh học.
Trong đó, đã lựa chọn 6 chủng vi khuẩn probiotic gồm 3 chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus (D11, D18, M5) và 3 chủng thuộc chi Lactobacillus (AX1, AX3, AX4) có hoạt tính enzym cao, kháng khuẩn mạnh làm bộ chủng giống để sản xuất chế phẩm sinh học nuôi tôm.
Hiện đã định tên đến loài 6 chủng giống vi khuẩn để sản xuất chế phẩm sinh học.
Trong khi đó, Công ty cũng đã sử dụng kỹ thuật DGGE phát hiện có 8 chủng vi khuẩn không phân lập và nuôi cấy được có khả năng gây bệnh ở tôm sú nuôi công nghiệp.
Đông thời nghiên cứu hoàn thiện chế phẩm sinh học (CPSH) với 2 dạng sản phẩm:
CPSH xử lý môi trường TA - GOLD SUPER và CPSH trộn vào thức ăn nuôi tôm TA-FEEDMIN.
Qua thử nghiệm CPSH trong nuôi tôm sú công nghiệp cho thấy, tỷ lệ sống của tôm sú ở các ao thí nghiệm tăng 5,45%, sản lượng tôm thu hoạch tăng so với đối chứng 13,74%.
Riêng đề tài nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ để xây dựng quy trình nuôi tôm an toàn, hiệu quả cao cũng mang lại nhiều kết quả tích cực.
Như sử dụng biện pháp cải tạo ao nuôi tôm bằng vôi với liều lượng 300kg/1.000m2 đã làm giảm đáng kể các mầm bệnh trong ao nuôi.
Hay sử dụng bể lọc sinh học trong ao nuôi tôm cho thấy nước ao nuôi tôm sau khi được lọc đã giảm đáng kể các chất ô nhiễm: COD giảm 95%, BOD giảm 85 - 90%, hàm lượng ôxy hòa tan tăng cao.
Tôm nuôi tăng trưởng so với đối chứng 12 - 15%. Sử dụng CPSH trong nuôi tôm thâm canh làm tăng tỷ lệ sống, giảm khả năng bị bệnh của tôm nuôi. Tôm nuôi sinh trưởng tốt hơn, năng suất thu hoặc tôm tăng 13,74% so với đối chứng.
Kỹ sư Long Văn Nghĩa nghiên cứu thành công quy trình sản xuất nhân tạo nghêu giống.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Cùng với xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn cho con tôm, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống ở tỉnh Bạc Liêu” của kỹ sư Long Văn Nghĩa (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) được đánh giá là đề tài góp phần khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản gần bờ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi nhuyễn thể.
Thực tiễn cho thấy, nuôi nhuyễn thể đã trở thành lĩnh vực sản xuất lớn, có hiệu quả cao và đầy triển vọng của ngành nuôi trồng thủy sản thế giới.
Trong số 20 đối tượng quan trọng nhất của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay thì có 6 loài là nhuyễn thể, trong đó có 3 loài như: nghêu, sò và hào đạt sản lượng trên 1 triệu tấn/năm.
Nghề nuôi nhuyễn thể sinh lợi cao vì tận dụng được cả diện tích bãi triều lẫn độ sâu của các tầng nước, con giống tự nhiên, thức ăn tự nhiên, quản lý chăm sóc ít tốn công và sản lượng cao (trung bình là 112 tấn/ha).
Nhuyễn thể - bản thân chúng là các “máy lọc sinh học” nên vừa làm sạch môi trường vừa không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều loài nhuyễn thể là các thực phẩm rất quý giá được thị trường ưa chuộng, thuận lợi về đầu ra và giá cả luôn ở mức cao như: nghêu, sò huyết, hào...
Nuôi nhuyễn thể đang phát triển rất nhanh ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác con giống tự nhiên quá mức, kém hiệu quả làm cạn kiệt nguồn lợi và tác động xấu đến môi trường.
Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm con giống, nhất là con nghêu diễn ra ngày càng gay gắt bởi nhu cầu nghêu giống thả nuôi ngày càng lớn.
Mỗi năm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tới hàng tỷ con nghêu giống phục vụ nuôi trồng và phần lớn phải bị phụ thuộc vào tự nhiên nên khiến cho số lượng, chất lượng và giá thu mua không ổn định, gây khó cho sản xuất.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, việc nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống là rất cần thiết, nhằm chủ động về con giống, hạn chế khai thác hủy diệt nguồn lợi và phát triển thêm nghề nuôi trồng cho lợi nhuận cao, tận dụng được diện tích bờ biển bị bỏ hoang lâu nay và không chỉ cho con nghêu mà còn là nhiều loại nhuyễn thể khác.
Qua thời gian thực hiện dự án, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, tỷ lệ nghêu sống tăng cao, hình thành nên quy trình gây nuôi, mở ra hướng đi mới trong nghề nuôi nghêu ở Bạc Liêu nói riêng và các loại nhuyễn thể khác nói chung...
Với việc nghiên cứu, ứng dụng thành công và đề xuất nhiều mô hình sản xuất mới, Sở KH-CN đã góp phần quan trọng trong thực hiện đề án “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp” của tỉnh.
Đồng thời đưa KH-CN tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo tiền đề cho việc nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao