Mô hình kinh tế Ngô Trúng Mùa, Được Giá Người Trồng Vẫn Lo

Ngô Trúng Mùa, Được Giá Người Trồng Vẫn Lo

Publish date Saturday. March 29th, 2014

Dù có giá trị sản phẩm hàng hóa và hiệu quả sử dụng, cộng với đầu ra tương đối ổn định, nhưng thực tế, những ưu điểm trên của cây ngô vẫn bị người dân lẫn chính quyền địa phương hoài nghi. Nguyên do vì đâu?

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.500ha diện tích trồng ngô các loại. Từ loại bán quả tươi đến thu hái hạt thương phẩm với năng suất bình quân 10,4 tấn/ha/2 vụ. Giá trị sau thu hoạch đạt trên 62,4 triệu đồng/ha/2 vụ.

Hiệu quả khá rõ...

Trong khi người trồng lúa phập phồng ngồi trên đống lửa vì lúa trà sớm cháy, còn trà chính lại trổ chậm thì chủ nhân của những ruộng ngô nếp ở các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Ấn Đông lại hồ hởi phấn khởi. Bởi ngô không chỉ sai quả, mà còn được giá. Thế nên, dù ngô chưa đến ngày thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã dập dìu quanh ruộng để trả giá, xí phần.

Lý giải sự khẩn trương này, một thương lái tên Hương chỉ nói gọn rằng, do bạn hàng ở Hội An (Quảng Nam) hối thúc!. “Điều này nghĩa là ngô nếp đang bán chạy đó mà”, lão nông Trương Tài, ngụ thôn Long Bàn, xã Tịnh An vui vẻ tiếp lời.

Nói đoạn, lão Tài dẫn chúng tôi ra ruộng ngô nếp dày trái, lá xanh thân mập đã được thương lái định giá 3,5 triệu đồng/sào rồi bảo: “Bán ngô tươi như thế này rất khỏe, vì vừa có tiền, vừa được cây cho 2 con bò ăn”.

Cùng tâm trạng phấn khích ấy, ông Bùi Kim Anh ở đội 7, xã Tịnh Ấn Đông cũng khoe 1,5 sào ngô nếp giống MS6 cho nhiều quả. Mà quả nào cũng ngậm đầy sữa nên mấy hôm nay, thương lái cứ ra vào săm soi, rồi trả 3,2 triệu đồng/sào để được “vặt” trái nhưng ông Anh vẫn chưa thuận dù mức giá trên đã cao hơn vụ trước 200.000 đồng/sào. Lý do, “ngô nếp đang đắt nên để chậm vài ngày, có khi nó tăng giá, mình kiếm thêm vài đồng”, ông Anh hy vọng.

Trong khi những người trồng ngô nếp bán quả tươi như ông Tài, ông Anh hồ hởi, thì nông dân ở các “vựa” ngô Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) cũng được ngô lấy hạt thương phẩm mang lại niềm vui trúng mùa, tăng giá.

Chẳng thế mà mỗi khi nhìn những ruộng ngô ở đồng nà, rồi đất bồi ven dòng sông Vệ bắt đầu phơi quả thì bà con nơi đây lại nở nụ cười tươi rói. Vì với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg hạt ngô, họ hy vọng vụ này sẽ “lấy ngô bù lúa”.

... Nhưng người trồng ngô vẫn lo!

Mặc dù được giá, đầu ra tương đối an toàn và là loại cây được ngành nông nghiệp khuyến khích mở rộng diện tích, nhưng thực tế, người trồng ngô vẫn canh cánh nỗi lo. Nguyên do một phần bắt nguồn từ thói quen “thấy cây nào được thì ồ ạt trồng” của bà con nông dân, kéo theo chuyện “ế” ngô tươi, thừa ngô hạt thương phẩm.

Lo lắng trên không phải không có cơ sở. Bởi hiện giờ, cây ngô đang được bà con nông dân từ đồng bằng đến miền núi lựa chọn, trong khi việc tiêu thụ chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi hộ gia đình, hoặc trông chờ vào thương lái.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Vân - người chuyên sản xuất ngô nếp ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An thì, rủi ro phần lớn dành cho ngô nếp vì loại này cần bán tươi, lại phụ thuộc vào sở thích người tiêu dùng nên giá bán cũng sẽ liên tục nhảy múa. Còn với loại hạt thương phẩm thì vẫn “chạy” khỏe vì nếu thị trường không ấm, bà con có thể dùng làm thức ăn cho heo, gà, vịt.

Nhưng nói thế không có nghĩa là cứ trồng ngô rồi… cho heo, gà ăn. Bởi thực tế, người dân trồng ngô mong bán được quả hoặc hạt nhằm tăng thu nhập, cải thiện hiệu quả sản xuất. Ấy nên ông Nguyễn Tự, xã Tịnh Ấn Tây mới quả quyết rằng: “Năng suất + chất lượng + giá bán = nỗi lo của người trồng ngô chúng tôi!”.

Rõ ràng ngoài vấn đề đầu ra, bà con nông dân còn thấp thỏm với chuyện sản lượng sụt giảm, sâu bệnh xuất hiện trên một số giống ngô cũ. Trong khi các loại giống mới, phần lớn là ngô lai vẫn còn mới mẻ với nhiều người khi mà họ chưa có điều kiện tiếp cận kỹ thuật canh tác, đánh giá hiệu quả sản xuất qua các vụ. Đó là chưa kể giá các giống ngô lai rất cao (thường gấp đôi loại thường), trong khi sản phẩm của chúng lại “chạy” chậm vì phải đợi người tiêu dùng…làm quen!.

Chia sẻ lo lắng này với người trồng ngô, ông Phạm Văn Thi - Cán bộ Cục trồng trọt phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên khẳng định: “Để cây ngô phát huy hiệu quả, các địa phương phải xác định rõ chỗ đứng của nó.

Cụ thể là phải quy hoạch cho được đất nào trồng ngô nếp, vùng nào chuyên canh sản xuất ngô lấy hạt thương phẩm; rồi biện pháp thâm canh, luân canh để tránh tình trạng ứ đọng sản phẩm cục bộ”.

Còn Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân cho rằng: “Bản thân các doanh nghiệp (DN) cung cấp giống phải chủ động hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ - nhất là loại ngô nếp”. Bởi lâu nay, ngô nếp do thương lái mua tại ruộng với giá thấp, rồi phân phối ra thị trường với giá cao.

Muốn hạn chế tình trạng trên, DN cần liên kết mở điểm bán hàng ở các chợ, siêu thị. Cách làm này vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận, vừa giúp ngô, nhất là các sản phẩm của giống mới dễ dàng đến tay người tiêu dùng với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo.

Thiết nghĩ, những ý kiến này đáng để các DN và ngành chức năng xem xét trong lộ trình tăng diện tích trồng ngô của tỉnh từ 4.500ha hiện nay lên 6.000 - 7.000ha vào năm 2020.


Related news

tran-tro-cua-nguoi-trong-rau Trăn Trở Của Người Trồng… hien-ninh-quang-binh-that-bat-vi-duoc-mua-cu-cai Hiền Ninh (Quảng Bình) Thất…