Mô hình kinh tế Ngọt mềm mía tím Sơn Dương

Ngọt mềm mía tím Sơn Dương

Publish date Wednesday. October 28th, 2015

Mới chỉ 7 - 8 tháng tuổi nhưng mía tím của gia đình ông Phạm Đình Nghị ở thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương đã cao trên dưới 2m...

Tới Sơn Dương mùa này, các cánh đồng mía bạt ngàn trải dọc con đường qua các thôn vào trung tâm xã.

Hiện Sơn Dương có hơn 100ha diện tích trồng mía tím.

Đưa chúng tôi đi tham quan các ruộng mía, ông Lý Xuân Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương, kể: Mía tím vốn là cây trồng truyền thống.

Hơn 30 năm trước, người dân Sơn Dương chỉ trồng giống mía trắng, năng suất và chất lượng đều thấp, kém hiệu quả.

Thế rồi ở Nông trường Quảng La (Hoành Bồ) người ta đã lai tạo từ giống mía bản địa này với giống mía khác ra giống mía tím và đưa vào để HTX Sơn Dương trồng thí điểm… Từ đó cây mía tím phát triển dần.

Là một trong những nông dân trồng mía hàng chục năm qua, ông Phạm Đình Nghị (thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương) chia sẻ: Trồng mía tím, quan trọng nhất là phải tuân thủ quy định khắt khe về chọn và ươm giống.

Mía Sơn Dương chỉ được chọn và ươm giống từ ngọn dài, đẹp, mập, mầm to, khoẻ, cách đều nhau, không bị sâu bệnh, đặc biệt tuyệt đối không dùng thân mía để ươm.

Người trồng chỉ ưu tiên lấy khoảng 3 - 5 mắt mầm khoẻ nhất, số mắt mầm còn lại được vặt đi hết, đảm bảo sinh trưởng phát triển khoẻ.

Thường sau khi thu hoạch mía, người ta cắt phần ngọn; sau đó lựa chọn những ngọn có mầm khoẻ mang đi ngâm nảy mầm.

Khác với nhiều nơi khác, ngọn mía không được phép ngâm ở ao, đầm mà chọn những nơi có nước chảy nhằm giúp mầm phát triển mạnh hơn, tránh nước bẩn gây dớt làm ảnh hưởng đến độ sinh trưởng của mầm mía.

Ngoài ra, theo bà con nông dân ở đây, ngâm ngọn mía ở nơi nước lưu thông, không tù đọng còn làm cho ngọn mía giảm độ ngọt, tránh bị sâu, kiến cắn phá.

Khi ươm, ngọn giống được đặt 2/3 xuống đất, mầm hướng lên trên.

Một trong những yêu cầu bắt buộc là đất ươm phải được bừa kỹ, xới đủ tơi xốp, trộn với nước để thành một dạng bùn non.

Điều này giúp mía mau bén rễ và phát triển mầm nhanh.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, mía cần phải được bóc bẹ thường xuyên để cây tạo phấn, chóng ngọt.

Sau gần 1 năm kể từ khi ươm mầm, khi mùa đông tới cũng là lúc mía Sơn Dương đón heo may, tạo mật.

Nhờ chất đất, quy trình chăm sóc cẩn thận, mía Sơn Dương đến kỳ thu hoạch có thể đạt chiều cao từ 1,5 - 2m, có cây tới 2,5m, chu vi thân trên 16cm.

Mía có vị ngọt mát, mềm, bổ rất tốt cho sức khoẻ.

Thu nhập từ cây mía tím cũng đạt từ 13 - 14 triệu đồng/sào, hiệu quả hơn trồng lúa và nhiều cây nông nghiệp khác.

Ông Lý Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Dương, cho biết: Cây mía tím hiện đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của xã.

Từ vài ha ban đầu, tới nay diện tích trồng mía toàn xã đã lên tới hơn 100ha.

Cây mía trở thành một cây trồng đem lại thu nhập cao, cải thiện đời sống người dân.

Hiện toàn xã có 7/12 thôn trồng mía, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha.

Tính ra, liên tục các năm gần đây diện tích canh tác mía tăng đều trên 10% mỗi năm.

Do những ưu thế đặc trưng về chất lượng của mía tím Sơn Dương, hàng năm cứ đến mùa mía là các thương lái khắp nơi đổ về mua tại vườn.

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình cũng thu hoạch, sơ chế rồi ủ mía nấu thành rượu mía mát lành.

Không những thế, hiện nhiều nơi đã lấy giống mía Sơn Dương để nhân rộng ra nhiều vùng khác như: Uông Bí, Ba Chẽ, Hải Hà...

Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng, mía tím trồng ở Sơn Dương chất lượng vẫn tốt nhất.

Được biết, huyện Hoành Bồ cũng đã lên kế hoạch xây dựng khu chế xuất các sản phẩm từ mía.

Còn người dân mong rằng, huyện và các cơ quan chức năng sớm tiến hành nghiên cứu bảo vệ nguồn gien, tránh suy thoái giống và đặc biệt là khẩn trương làm các thủ tục gắn nhãn mác cho thương hiệu mía tím Sơn Dương.


Related news

duoc-mua-ngo-nhung-nong-dan-khong-vui Ðược mùa ngô nhưng nông… hanh-tay-da-lat-khan-hiem-gia-toi-44-500-dong-kg Hành tây Đà Lạt khan…