Mô hình kinh tế Ngư dân Bình Thuận thỏa ước mơ với vốn 67

Ngư dân Bình Thuận thỏa ước mơ với vốn 67

Publish date Thursday. November 12th, 2015

Ngư dân Châu Minh Cương (ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý) vừa hạ thủy con tàu 500CV với tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng.

Trong đó, ông Cương đã vay 4 tỷ đồng từ Agribank huyện đảo Phú Quý theo chính sách hỗ trợ vốn của Nghị định 67.

Với con tàu này, ngư dân Châu Minh Cương có thể thực hiện ước mơ vươn khơi, đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1.

Sau khi hạ thủy thành công tàu cá BTh 97478 TS, ông Cương chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui, rất sung sướng, vì lúc trước đi ghe nhỏ.

Khi có Nghị định 67, tôi quyết định làm tàu lớn, và nay ước mong đã thành hiện thực".

Nhiều ngư dân Bình Thuận đã có vốn để đóng tàu mới.

Khi có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn vay đóng tàu cá công suất lớn, ông Võ Hạnh (phường Bình Tân, thị xã La Gi) vay 7 tỷ đồng cùng vốn tự có 3 tỷ đồng đóng con tàu mới có công suất đến 750 CV.

Ông Hạnh nói: “Với ngư dân chúng tôi, hồ sơ, thủ tục hành chính lần đầu tiên làm có những khó khăn nhất định.

Nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ban ngành tạo mọi điều kiện để chúng tôi hoàn thành con tàu.

Mừng lắm!”

Đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Quáng ở thị xã La Gi cũng đã hạ thủy tàu gỗ bọc composite giá gần 10 tỷ đồng.

Trước chuyến ra khơi đầu tiên đầy hy vọng, ông Quáng nói: “Tàu mình đánh bắt ở vùng khơi, lưới rê xù, hiện đại.

Trên tàu đi khoảng 10 lao động.

Bây giờ mới xuống nước làm thì chưa biết kết quả ra sao, nhưng chắc là sẽ lợi khá”.

Tính đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 149 hồ sơ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.

Đã có 36 tàu làm xong thủ tục cấp giấy phép đóng mới.

17 trường hợp đã được ngân hàng thẩm định, cam kết cho vay hợp đồng tín dụng tổng cộng 97,3 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 71 tỷ đồng; có 9 chiếc đóng mới được hạ thủy và đi đánh bắt xa bờ.

Trong thời gian đầu khi làm thủ tục, ngư dân gặp không ít khó khăn do chưa hiểu rõ Nghị định 67.

Nắm bắt được tình hình này, chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan đã tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận tốt nguồn vốn.

Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, kiêm Phó Ban chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thuỷ sản tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội nghị tiếp xúc trực tiếp với ngư dân.

Ngoài ra, chúng tôi còn công khai cung cấp danh bạ số điện thoại của những cán bộ được giao nhiệm vụ này.

Nếu có chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu, ngư dân điện thoại trực tiếp để chúng tôi giải đáp khúc mắc để họ có thể tiếp cận vốn ngân hàng”.


Related news

ho-tro-hat-giong-cho-11-dia-phuong Hỗ trợ hạt giống cho… dien-phuoc-ve-dich-dung-hen Điện Phước về đích đúng…