Mô hình kinh tế Người Dân Ồ Ạt, Tự Phát Trồng Cây Cao Su

Người Dân Ồ Ạt, Tự Phát Trồng Cây Cao Su

Publish date Monday. July 29th, 2013

Anh Lê Đình Bắc quê ở Bình Dương, từng là công nhân cao su có thâm niên gần 20 năm. Với mong muốn phát triển kinh tế độc lập, nhưng do thiếu vốn, đất đai ở quê nhà lại đắt đỏ, nên cách đây 7 năm, anh quyết định lên Dak Lak và chọn vùng đất triền đồi thôn 1, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) để định cư và thực hiện ý tưởng của mình.

Cùng với số vốn tích lũy, anh đã vay mượn để mua 8 ha đất triền đồi, trồng gần 5.000 cây cao su giống PB260. Đến nay hơn 1.800 cây cao su đã cho thu hoạch, với năng suất 40 – 50kg mủ đậm đặc mỗi ngày.

Nếu tính theo giá hiện tại 15.000 đồng/kg, gia đình anh thu nhập từ 600.000 – 750.000 đồng/ngày. Anh Bắc cho biết: Với lượng mủ gia đình anh đã thu hoạch được trong 2 năm qua thì năng suất, chất lượng mủ đạt từ 70 – 90% so với các diện tích trồng cao su ở trong và ngoài tỉnh.

Nhận thấy lợi ích và hiệu quả từ việc trồng cao su, nhiều người dân ở các xã Hòa Lễ, Hòa Phong cũng đã chuyển những diện tích đất triền đồi trồng sắn, rừng bạch đàn kém hiệu quả sang trồng cây cao su; trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch.

Đối với diện tích cao su thu hoạch năm đầu, bình quân mỗi héc-ta thu được từ 3 – 4 tạ mủ sơ chế/tháng; còn đối với diện tích cao su thu hoạch 2 năm có năng suất bình quân từ 4 – 5 tạ mủ sơ chế/ha/tháng. Anh Hoàng Đình Hùng (thôn 10, xã Hòa Lễ) giãi bày: “Trước đây vùng đất này chủ yếu trồng sắn và bạch đàn nhưng thu hoạch kém hiệu quả.

Sau đó thấy anh Bắc cất công từ Bình Dương lên đây trồng cao su, mình cũng làm theo và trồng mấy héc-ta để thí điểm. Đến nay, qua thu hoạch thì thấy năng suất và chất lượng cũng được; thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác trong vùng. Nhưng đấy là đến thời điểm này, còn không biết trong những năm tới thì ra sao?...”.

Tương tự như anh Hùng nhiều người dân ở các xã: Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Pui đã tự phát, đổ xô chuyển sang trồng cây cao su, không theo một quy hoạch nào. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã trồng được 69,6 ha cao su; trong đó diện tích thu hoạch khoảng 35 ha.

Riêng xã Hòa Phong có trên 36,5 ha trồng cao su, trong đó có gần 8 ha đã trồng được 5 – 6 năm và cho thu hoạch, còn lại là mới trồng hoặc trồng từ 1-4 năm. Tuy nhiên, do người dân phát triển diện tích cao su theo hình thức tự phát, thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương, nên nhiều diện tích đã trồng hoặc mới trồng vẫn chưa đánh giá hết được hiệu quả.

Cây cao su là một loại cây dễ thích nghi, phát triển trên những vùng đất khó khăn, những vùng rừng tạp hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên để phát triển được cây cao su đòi hỏi đất phải sâu, không bị ngập úng, bởi cây cao su có rễ trụ ăn sâu; đất trồng phải có độ dốc dưới 30o, không có lớp laterit hoặc tầng sỏi…

Thiết nghĩ, để đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Krông Bông có phù hợp với loại cây trồng cao su hay không thì việc vào cuộc của các cấp ngành chức năng là rất cần thiết, để kịp thời đánh giá phân tích, có những giải pháp quy hoạch, định hướng người trồng; không để tình trạng người dân mở rộng diện tích cao su một cách tự phát, chạy theo phong trào như hiện nay, gây nhiều hệ lụy về sau.


Related news

nganh-dien-chay-duoi-theo-thanh-long-chong-den Ngành Điện “Chạy Đuối” Theo… lien-minh-san-xuat-ca-phe-ben-vung-chu-prong Liên Minh Sản Xuất Cà…