Mô hình kinh tế Người Nuôi Cá Đi Học Nuôi Cá

Người Nuôi Cá Đi Học Nuôi Cá

Publish date Sunday. December 22nd, 2013

Biết xử lý môi trường ao nuôi, biết chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn cá... đó là những kiến thức học viên được trang bị từ lớp học nghề nuôi thủy sản đang mở tại xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Lớp học nghề do Hội nông dân phối hợp với Đoàn thanh niên xã và Trường Trung cấp nghề tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Học bài bản

Ông Nguyễn Hữu Hùng- Chủ tịch Hội nông dân xã Thiệu Đô cho biết: Xã có 35 trang trại nuôi thủy sản với tổng diện tích 6ha. Trước đây nông dân (ND) chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm. “Thực hiện Đề án 1956, Hội ND xã đã nghiên cứu tìm một nghề cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương để ND có thể sống bằng nghề. Hội đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Bắc Ninh dạy nghề nuôi thủy sản cho ND” - ông Hùng cho biết.

Lớp học khai giảng tháng 9.2013, với 70 học viên. Thời gian học 2 năm. Chương trình học gồm các môn học đại cương như: Tin học, ngoại ngữ và những kiến thức chuyên ngành thủy sản (đối tượng cụ thể là cá): Xử lý môi trường ao nuôi cá, chọn thức ăn, cách chăm sóc và phòng trị bệnh... Học viên được học miễn phí 100%, được cấp tài liệu, dụng cụ thực hành. Giáo viên ngoài thời gian đứng lớp, còn trao đổi qua điện thoại để giải đáp những thắc mắc của học viên trong quá trình nuôi cá.

Không chỉ dạy kiến thức, thông qua lớp học này, Trường Trung cấp nghề Bắc Ninh còn đưa giống cá trê lai vào nuôi thử nghiệm tại gia đình các học viên.

Lợi nhuận tăng

Học viên Lê Văn Chẫm (thôn 8) chia sẻ: “Gia đình tôi làm kinh tế trang trại đến nay là 20 năm. Với 2.500m2 diện tích mặt nước, tôi chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè, chim trắng, nhưng hiệu quả không cao do nguồn nước trong ao nuôi cá được dẫn từ kênh Giang 9 (dòng kênh người dân trong xã sử dụng để giặt giũ, rửa ráy và vứt rác thải). Nước ô nhiễm, cá bị mắc bệnh chết rất nhiều.

Tham gia lớp học nghề, tôi đã được hướng dẫn quy trình xử lý ao nuôi, nguồn nước, bố trí ao nuôi, chọn thức ăn cho cá. Giờ tôi biết cách sử dụng thuốc để khử khuẩn nguồn nước, biết dùng lá xoan hòa với nước vôi để chữa bệnh nấm. Và đối với mỗi loại cá khác nhau cho ăn những loại thức ăn phù hợp. Nhờ vậy, tôi không còn gặp lúng túng khi có dịch bệnh xảy ra, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt”.

Ông Lê Văn Chẫm nói: "Nếu nuôi thử nghiệm thành công, thời gian tới tôi sẽ tăng số lượng cá trê lai trong ao nuôi”.

Ngoài ra, ông Chẫm được Trường Trung cấp nghề Bắc Ninh chọn thử nghiệm nuôi giống cá trê lai. Theo ông Chẫm, thời gian thu hoạch cá trê lai rút ngắn được 4 tháng so với nuôi cá truyền thống mà giá bán cũng cao hơn nên ông rất phấn khởi.

Với việc nuôi thử nghiệm gần 100 con giống trê lai, trọng lượng khi thu hoạch đạt 1,5kg trở lên, bán với giá 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, ước tính lãi 6 triệu đồng.

Cùng tham gia lớp học với ông Chẫm, ông Lê Văn Tùng (thôn 5) thổ lộ: “Những kiến thức tiếp thu được từ lớp học nghề, tôi đã áp dụng vào ao nuôi cá của gia đình rất hiệu quả. Hiện, giá bán cá trắm 50.000 đồng/kg, cá chim trắng 30.000 đồng/kg, mỗi năm thu gần 2 tấn cá, trừ chi phí tôi lãi từ 50-70 triệu đồng”.


Related news

so-khcn-khanh-hoa-nghiem-thu-de-tai-chuyen-giao-ky-thuat-trong-rong-nho-cho-huyen-dao-truong-sa Sở KHCN Khánh Hoà Nghiệm… tang-toc-vu-tom-tren-dat-tom-lua Tăng Tốc Vụ Tôm Trên…