Người Nuôi Tôm Cần Được Hỗ Trợ Để Khôi Phục Sản Xuất
Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là trên 500 ha. Người nuôi tôm đang khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao đầm… để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.
Khó khăn chồng chất
Dịch bệnh đi qua, nhiều hộ nuôi tôm đã bắt đầu xử lý môi trường, cải tạo ao đầm để khôi phục sản xuất. Đang tiến hành đắp rò, sửa bờ, rắc vôi bột xử lý ao đầm, ông Nguyễn Văn Thông, xã Kim Trung ngậm ngùi nói với chúng tôi: Dịch bệnh đã làm 2 ha nuôi tôm công nghiệp của gia đình mất trắng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng tôi lại phải cậy cục vay mượn anh em bạn bè để có vốn thả bù vụ 2, hy vọng có tiền trả nợ.
Là một trong những người nuôi tôm có kinh nghiệm lâu năm, ông Vũ Đức Sơn ở xóm 5, xã Kim Trung cho biết: Nên xử lý ao đầm càng sớm càng tốt. Vì thế, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra ông đã thuê lao động khẩn trương dọn dẹp ao đầm, xử lý nguồn nước, tranh thủ thời tiết nắng ráo phơi đáy ao nuôi và khoảng 1 tuần nữa sẽ thả nuôi vụ mới để thu hoạch trước hoặc đầu mùa mưa tránh những thiệt hại do thiên tai.
Theo những người nuôi tôm ở xã Kim Trung cho biết, chi phí để cải tạo ao đầm, xử lý môi trường rồi mua giống, thức ăn đầu tư cho một lứa nuôi mới mất ít nhất 30 triệu đồng/ha. Do vậy, không phải ai cũng có điều kiện để tiếp tục đầu tư nuôi lứa tôm mới như ông Sơn, ông Thông.
Một chủ nuôi tôm ở xóm 4, Kim Trung thổ lộ: Gia đình tôi có hơn 1 haao tôm đã nuôi được 40 ngày với trọng lượng 250 con/kg nhưng dịch bệnh đến quá nhanh không kịp thu cân nào. Hiện, nhà tôi còn nợ gần 50 triệu đồng vốn vay ngân hàng, giờ không biết lấy đâu để trả. Dù biết, nuôi tiếp vụ 2 khả năng thu lãi lớn nhưng “lực bất tòng tâm” vì ngân hàng không cho vay nữa.
Ông Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Dịch bệnh đi qua, khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là thiếu vốn, bởi nhiều tỷ đồng đã bị cuốn đi theo dịch bệnh. Cả xã có hơn 600 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản thì có khoảng 560 hộ đã thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, hộ nào vay nhiều thì 50 triệu đồng, hộ vay ít cũng 30 triệu đồng với tổng dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT vào khoảng 9 tỷ đồng.
Không chỉ gặp khó trong nguồn vốn mà những người nuôi tôm ở Kim Sơn còn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn khác đã tồn tại nhiều năm nay như: hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt…
Chính vì vậy mà chỉ cần một hộ nuôi bị dịch bệnh, xả thải chưa xử lý ra môi trường là cả vùng có nguy cơ bị lây nhiễm. Bên cạnh đó là việc thiếu nguồn tôm giống chất lượng, phải trông chờ vào nguồn giống nhập từ nơi khác về. Rồi rất nhiều những nguy cơ từ diễn biến bất thường của thời tiết.
Tăng cường hỗ trợ
Ông Trần Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho rằng: Để người dân giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất rất cần có sự hỗ trợ từ nhà nước. Mặt khác, các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng trên địa bàn cũng nên có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ cho các hộ nuôi tiếp tục được vay vốn nhằm giúp họ tái sản xuất, vượt qua giai đoạn khủng hoảng, có nguồn trả nợ cũ cho ngân hàng.
Anh Trần Văn Họa, đại diện cho những người nuôi tôm ở khu nuôi tôm công nghiệp xã Kim Trung bày tỏ mong muốn: Hệ thống kênh nổi cấp nước cho khu nuôi tôm công nghiệp đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn hoạt động được, do vậy hiện nay nguồn nước cấp vào, cấp ra nằm chung trên một hệ thống rất dễ làm lây lan dịch bệnh. Bà con rất mong muốn Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh này để yên tâm sản xuất.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ở tôm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y triển khai các giải pháp cấp bách để xử lý những ao đầm nuôi tôm đã bị dịch bệnh, khoanh vùng không để dịch tiếp tục lây lan. Đồng thời yêu cầu các xã kiểm tra, thống kê, đánh giá chính xác diện tích tôm bị thiệt hại. Hiện tại, Chi cục Thú y đã cấp 3 tấn hóa chất Vitaco để các xã xử lý môi trường.
Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao đầm, hỗ trợ tìm nguồn con giống chất lượng để bà con yên tâm sản xuất. Những hộ có điều kiện nuôi tôm thẻ vụ 2 cố gắng kết thúc thả giống trong tháng 6 để thu hoạch vào cuối tháng 8 tránh những thiệt hại do mưa bão. Đối với những hộ không có điều kiện thì có thể thả xen canh cua hoặc nuôi cá rô phi, cá diêu hồng, cá bống bớp…
Chi cục Thú y khuyến cáo: Sắp tới nhiệt độ tiếp tục tăng cao cộng thêm biên độ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, nhưng lại thích hợp cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Vì thế, các hộ nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn để đạt kết quả khả quan.
Để hạn chế rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh, thời gian tới, Chi cục Thú y cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý về con giống.
Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển loại hình nuôi này, cần có sự xem xét đánh giá một cách toàn diện, đặc biệt coi trọng sự phát triển bền vững.
Do vậy, thiết nghĩ ngoài sự hỗ trợ trước mắt để các hộ nuôi khôi phục sản xuất thì lâu dài cần có chính sách, dự án hỗ trợ mang tính bền vững và hiệu quả hơn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao