Tôm thẻ chân trắng Người nuôi vẫn chờ tôm hùm giống

Người nuôi vẫn chờ tôm hùm giống

Publish date Friday. May 22nd, 2015

Triệt để khai thác

Tại Phú Yên, tôm hùm được phân bố nhiều ở thị xã Sông Cầu. Việc khai thác tôm hùm ở đây diễn ra cách đây khoảng 20 năm; bằng cách lặn bắt, đặt bẫy, sau đó khai thác bằng lưới mành tôm. Hiện có nhiều người ở nhiều địa phương tham gia khai thác nên lượng tôm hùm giống trong tự nhiên ngày càng ít, tôm giống không đủ cung cấp cho người nuôi nên phải mua từ tỉnh khác.

Tại Bình Định, trong tháng 9, tôm hùm giống vẫn được giá (240.000 đồng/con); các hộ ngư dân phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn thả chà tại biển Quy Nhơn, dọc đường Xuân Diệu bắt tôm hùm giống. Một đêm ngư dân làm nghề này có thu nhập 1,2 - 2 triệu đồng, cao hơn bất cứ nghề biển nào khác, vì chi phí rất thấp. Lợi nhuận cao khiến ngư dân khai thác nhiều, là nguy cơ đe dọa, ảnh hưởng đến trữ lượng và môi trường sống của tôm hùm.

Khánh Hòa có trữ lượng tôm hùm khá lớn nhưng tôm hùm giống vụ khai thác năm nay lại khan hiếm, giá cao, trong khi giá tôm hùm thương phẩm thấp. Tại các làng biển Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh..., lượng tôm hùm giống khai thác được rất ít. Vụ khai thác tôm hùm giống năm nay đã kết thúc nhưng thương lái vẫn không thể mua được nhiều con giống cung cấp cho người nuôi kịp thời vụ. Một ngư dân phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh cho biết: Thời tiết trên biển êm và tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào thời gian gần đây đã khiến tôm hùm giống ngày càng cạn kiệt.

Quản lý không theo kịp

Đại diện Sở NN&PTNT Bình Định, ông Nguyễn Hữu Hào cho biết: Để bảo vệ nguồn tôm hùm giống, chỉ nên khai thác ở giai đoạn con non đã định cư xuống nền đáy, kích cỡ giáp đầu ngực từ 11,55 mm và giảm hình thức khai thác bằng lưới mành. Không sử dụng nghề lưới kéo, tàu cá có công suất 20 CV trở lên.

Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện đánh bắt tôm hùm. Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác có chọn lọc và có trách nhiệm, giúp người dân nắm vững quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, điều này còn khó thực hiện, ít được triển khai, khi giá tôm hùm giống luôn cao, dễ kiếm lời, chi phí đầu tư rẻ nên người dân luôn tìm cách khai thác triệt để. Quy định chưa được thực hiện, chưa có chế tài xử phạt hay sự hỗ trợ của Thanh tra Sở NN&PTNT.

Ở góc độ khác, theo kiến nghị của đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, giải pháp hạn chế áp lực khai thác là giảm diện tích nuôi tôm hùm tại các địa phương xuống, khống chế số lượng lồng nuôi, gia tăng phương pháp nuôi hiệu quả, nuôi chất lượng hơn số lượng, làm giảm áp lực khai thác tôm hùm giống. Mặt khác, đẩy mạnh, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học nhằm chủ động sản xuất được con giống.

Có một nghịch lý hiện nay: Tại các tỉnh miền Trung, việc nuôi tôm hùm bông đem lại hiệu quả kinh tế cao, với sản lượng trung bình 2.000 tấn tôm hùm thương phẩm, nhưng số lượng này hoàn toàn phụ thuộc con giống đánh bắt tự nhiên, tạo áp lực cho việc khai thác. Trong khi việc sản xuất tôm hùm giống tại Việt Nam vẫn chưa có "hứa hẹn", những biện pháp xử lý chưa triệt để, thì áp lực đối với các nhà khoa học càng lớn, để sản xuất thành công loài tôm này. Việc nghiên cứu có thuận lợi khi Việt Nam được thừa hưởng thành tựu khoa học nghiên cứu tôm hùm của một số nước. Nhật, Australia đã sản xuất được một số con tôm hùm bông giống. Tuy nhiên, trong khi chờ kết quả khoa học thì những quy định về khai thác, đánh bắt tôm hùm vẫn phải được áp dụng triệt để, đảm bảo an toàn cho loài tôm luôn đối mặt với nguy cơ bị cạn kiệt này.

Tags: tom hum giong, nuoi tom hum, nuoi trong thuy san


Related news

tom-giong-kem-chat-luong-vi-dau-nen-noi Tôm giống kém chất lượng… quan-ly-tom-giong-se-truy-xuat-nuoc-xuat-khau Quản lý tôm giống sẽ…