Mô hình kinh tế Nguy Cơ Ô Nhiễm Nguồn Nước Nuôi Thủy Sản

Nguy Cơ Ô Nhiễm Nguồn Nước Nuôi Thủy Sản

Publish date Sunday. September 29th, 2013

Nguồn nước sông ngòi ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi thuỷ sản của tỉnh. Vì vậy, bảo vệ môi trường nước trong nuôi thuỷ sản đang trở thành vấn đề bức xúc cần được quan tâm giải quyết để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Bởi môi trường nước không những tác động rất lớn đến hiệu quả trong nuôi thuỷ sản, mà còn giúp các loài thuỷ sinh vật khác phát triển và cân bằng môi trường sinh thái trong tự nhiên.

Vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong nuôi thuỷ sản do hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp và chính người nuôi thuỷ sản gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nhà.

Ô nhiễm từ các nhà máy chế biến thuỷ sản, các khu công nghiệp

Chế biến thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, các nhà máy chế biến thuỷ sản nằm đan xen trong khu dân cư, đang khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn ngày càng gia tăng.

Và một trong những địa điểm bị ô nhiễm nặng nhất tỉnh là khu vực phường 8, TP Cà Mau và Khu công nghiệp Hoà Trung, huyện Cái Nước. Tại khu vực Hoà Trung, giáp ranh với TP Cà Mau, các nhà máy chế biến đầu vỏ tôm gây ra mùi hôi lan toả cả khu vực, người đi đường và dân cư khu vực cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.

Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau cũng gây ra ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2012, tại khu vực từ ngã ba vàm sông Cái Tàu đến cầu Tắc Thủ (xã Khánh An, huyện U Minh), xác cá chết nổi dày đặc và phân huỷ, bốc mùi làm nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi tôm ở khu vực này.

Người dân ở đây cho rằng, cá chết hàng loạt là do Nhà máy Đạm (Khu công nghiệp khí - điện - đạm) xả nước thải trực tiếp ra sông. Cơ quan chức năng Cà Mau đã lấy các mẫu nước, cá chết... gửi đi giám định để tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, Nhà máy Đạm Cà Mau còn xả thải khí độc vào môi trường.

Các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng người dân bằng ô nhiễm không khí, việc xả thải của các nhà máy còn dẫn đến những hệ luỵ: dưới sông, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi thuỷ sản quanh khu vực. Bởi vì dòng nước từ các nhà máy, khu công nghiệp đều chảy qua các huyện: U Minh, Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và TP Cà Mau nên tình trạng ô nhiễm do các xí nghiệp, nhà máy gây ra trên diện rất rộng.

Từ nước thải ở các đầm tôm công nghiệp

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng chiếm gần 1/4 cả nước. Các hộ nuôi tôm công nghiệp mang tính tự phát và nằm xen lẫn với các hộ nuôi tôm quảng canh. Vì vậy, xả thải từ các đầm tôm công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước cho các hộ nuôi quảng canh. Theo đánh giá của các ngành chức năng, có khoảng 70% các đầm tôm công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường.

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về việc sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm trong nuôi thuỷ sản. Trong đó quy định rõ chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm quy định thời gian sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi thuỷ sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Khi cải tạo, các tổ chức, cá nhân phải bố trí nơi chứa đất, bùn và các chất thải khác, bảo đảm nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề này. Do đó, nước thải từ các đầm nuôi tôm công nghiệp xả trực tiếp ra sông không qua xử lý là tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước.

Từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, nông dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc Dexit để diệt giáp xác, kích thích tôm lột vỏ, mau lớn nhằm tăng năng suất. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật diễn ra ở các vùng nuôi thuỷ sản đang báo động.

Tình trạng tôm chết hàng loạt ở Cà Mau vừa qua có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật trong diệt giáp xác là nguyên nhân chính dẫn đến tôm bị bệnh hoại tử gan tuỵ.

Người nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật diệt giáp xác, nhưng họ đâu biết rằng lạm dụng thuốc diệt giáp xác trong thời gian qua là một việc làm hết sức nguy hiểm, không chỉ hại người nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước. Sau khi nước thải ra sông, người khác lại lấy nước vào tiếp tục nuôi, cái vòng lẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn, tôm nuôi tiếp tục bị dịch bệnh lây lan và chết hàng loạt.

Giải pháp

Để phát triển bền vững vùng nuôi tôm phải gắn liền với giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng cần có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường.

Lập danh mục các sản phẩm có nguy cơ gây hại trong nuôi thuỷ sản để khuyến cáo người dân, doanh nghiệp hạn chế sản xuất và sử dụng; tăng cường tuyên truyền cho người nuôi tôm ý thức về an toàn sinh học, không sử dụng các sản phẩm và các chất cấm sử dụng trong nuôi thuỷ sản.

Cần nghiêm khắc xử lý các nhà máy, khu công nghiệp, các đầm tôm công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường nuôi chung. Việc xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc sẽ bảo đảm tính răn đe cao, đồng thời giải quyết được mâu thuẫn từ các hộ nuôi tôm quảng canh và những hộ nuôi tôm công nghiệp.

Ngoài ra, việc quản lý tốt vấn đề này cũng góp phần cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà kiểm soát được dịch bệnh từ vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong nuôi thuỷ sản, đồng thời góp phần cho ngành công nghiệp chế biến hải sản tỉnh nhà phát triển bền vững hơn.


Related news

gia-tom-tang-nhanh-nong-dan-lai-cao Giá Tôm Tăng Nhanh, Nông… cong-dien-ung-pho-bao-so-10 Công Điện Ứng Phó Bão…