Mô hình kinh tế Nhà nông trồng rừng chuyên nghiệp

Nhà nông trồng rừng chuyên nghiệp

Publish date Monday. July 6th, 2015

Ông Nghĩa vốn là nhà nông, với 2 vợ chồng và 3 người con được xã cấp cho 1.600m2 đất ruộng và  đất thổ theo Nghị định 64/CP. Ruộng đất ở đây đa phần là đất tốt nhờ có phù sa sông Trà bồi đắp hàng năm và luôn chủ động nước tưới nhờ gần công trình đầu mối Thạch Nham, nhưng qua nhiều năm làm lúa và trồng các loại cây hoa màu như mía, mì, bắp... kết hợp với chăn nuôi cũng chỉ đủ ăn chứ không giàu lên được. Vì thế ông đã nghĩ đến chuyện khai phá đất trống đồi núi trọc để trồng cây lâm nghiệp.

Được xã khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân trong xã phát triển nghề rừng, hơn 10 năm trước đây ông đã trồng được 5ha rừng. Lúc đầu, theo phong trào, ông cũng như nhiều người khác trồng bạch đàn Úc, rồi chuyển sang trồng keo hạt nhưng cây keo lâu lớn và sản lượng không cao nên ông Nghĩa đã chuyển toàn bộ 5ha đất đồi của mình sang trồng keo lai bằng giống keo giâm hom

Cũng do thiếu kinh nghiệm nên lúc đầu khi keo được 4-5 năm tuổi ông thu hoạch cùng một lúc để bán cho nhà máy, sau đó trồng keo lại như ban đầu. Bán keo như vậy, tuy một lúc thu được nhiều tiền, nhưng cả gia đình phải chi tiêu trang trải trong nhiều năm trời mới có keo bán lại nên ông không thể tích lũy được nhiều.

Thế là ông đã nghĩ ra cách quy hoạch lại rừng cây của mình để có keo bán hàng năm. Với diện tích 5ha ông đã trồng và chăm sóc theo kiểu gối đầu. Cứ mỗi năm thu hoạch 1ha keo thì trồng mới lại trên diện tích đó. Như vậy, năm nào ông cũng bán được 1ha keo. Ông Nghĩa cho biết, giá keo tại nhà máy thu mua hiện giờ hơn một triệu đồng/tấn. Keo của ông trồng đến năm thứ 4 thường đạt sản lượng từ 160-170 tấn/ha và đến năm thứ 5 đạt 180-200 tấn/ha. Trừ công thu hoạch và vận chuyển, mỗi ha thu được 150 triệu đồng, trừ công chăm sóc và đầu tư còn lãi được 130 triệu/ha. Không những thế, nguồn thu từ trồng keo xen mì vào năm thứ nhất cũng được hơn 15 triệu đồng, bù vào tiền công chăm sóc nên khoảng lãi từ trồng keo còn lớn hơn.

Ông Nghĩa cho biết thêm, nếu so với các cây khác như lúa, mía, mì, bắp thì hiệu quả tương đương, nhưng làm rừng có thuận lợi hơn vì ít bị tính thời vụ thúc ép, ít bị nguy cơ mất mùa do thiên tai (trừ bão lớn và lốc xoáy), lại tận dụng được lao động nông nhàn quanh năm. Cứ khi nào rảnh rỗi thì đi chăm sóc rừng mà hiệu quả thu được chắn chắc là cao hơn, nên ông Nghĩa đã chuyển sang làm nghề trồng rừng “chuyên nghiệp” từ nhiều năm nay.

Ngoài nguồn thu hoạch từ ruộng lúa, hoa màu cũng đủ chi tiêu trong gia đình, nguồn thu nhập từ bán cây keo nguyên liệu được gia đình ông tích lũy hàng năm. Nhờ đó, gia đình ông đã có mức sống ổn định và vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá.


Related news

ho-nuoi-trong-thuy-san-tuan-giao-ung-pho-mua-mua-lu Hộ nuôi trồng thủy sản… ky-vong-giong-thuy-san-sach Kỳ vọng giống thủy sản…