Mô hình kinh tế Nhà Vườn Lai Vung Hồi Hộp Sau Vụ Quýt Tết

Nhà Vườn Lai Vung Hồi Hộp Sau Vụ Quýt Tết

Publish date Tuesday. February 18th, 2014

Nhìn chung, vụ quýt Tết 2014, nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung thắng lợi lớn khi quýt bán với giá cao, nhưng đối với nhiều thương lái đây là năm làm ăn thất bại... Và phía sau đó là nhiều hệ lụy mà người trồng quýt đang đối mặt.

Thương lái “thua” vì hàng... dội chợ

Là thương lái mua bán trái cây đã gần 20 năm nhưng chưa có năm nào việc kinh doanh của ông Phan Thanh Dũng ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung lại thất bại như vụ quýt Tết 2014 vừa rồi. Ông Dũng mua hơn 10 tấn quýt của nhà vườn với giá dao động từ 21 ngàn - 28 ngàn đồng/kg để cung cấp cho thị trường ở TP.HCM và An Giang.

Tuy nhiên, khi mang quýt đi tiêu thụ trong 3 ngày 27-28-29 Tết, do đụng sự cạnh tranh với nhiều thương lái khác trong việc cung cấp quýt cho thị trường, khiến quýt giảm giá thảm hại.

Ông Dũng nói: “Ai cũng muốn hái quýt đi tiêu thụ trong những ngày cận Tết nên hàng bị dội chợ. Năm nay tôi chỉ được hòa vốn. Từ trước đến nay, mỗi vụ Tết tôi mua đi bán lại ít nhất cũng kiếm từ vài triệu đồng, có khi vài chục triệu đồng”.

Theo ông Dũng, Tết 2014 vừa rồi, có rất nhiều thương lái từ các tỉnh khác đến Lai Vung mua quýt bị “thua đậm”.

Nếu như cánh thương lái địa phương hầu hết đã thỏa thuận giá cả và đặt cọc để mua quýt với các chủ vườn tại đây thì các thương lái ngoài tỉnh, chờ những ngày cận Tết mới đến Lai Vung tìm cơ hội làm ăn. Do không tìm được nguồn cung, nhiều thương lái chấp nhận trả chênh lệch vài ngàn đồng/kg quýt để sang lại số quýt của các thương lái địa phương, khiến giá quýt ngay tại vườn lên cao ngất ngưỡng.

Từ giá khoảng 24 ngàn - 27 ngàn đồng/kg ban đầu, qua một vài lần sang tay, giá quýt có lúc được đẩy lên với giá 34 ngàn - 35 ngàn đồng/kg. Người trồng quýt không có lợi, nhưng chỉ một lần sang tay thành công như thế, thương lái có thể dễ dàng kiếm được vài chục triệu đồng/vườn quýt.

Chị Lài - thương lái mua quýt ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung nói: “Trong vụ Tết này tôi thu mua khoảng 80 tấn quýt, tất cả đã đặt cọc từ lâu với nhà vườn. Hầu hết đã được tôi sang lại cho các thương lái khác để kiếm chênh lệch”.

Đối với ông Dũng, khi nhận thấy việc tiêu thụ quýt trong những ngày Tết gặp khó khăn, một số quýt ông đã đặt cọc mua trước đó nhưng chưa hái được ông thỏa thuận với nhà vườn dời lại hái sau Tết. Sau đó, ông cũng nhanh tay sang lại cho lái khác với giá ban đầu để tránh lỗ vốn.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung, vụ quýt Tết 2014, quýt hồng Lai Vung thương lái tiêu thụ khó khăn và có thời điểm rớt giá thảm hại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do các thương lái chỉ tập trung hàng bán những ngày cận Tết để tìm cách thu nhiều lợi nhuận, bị dồn hàng - dội chợ nên giá quýt sụt giảm là tất yếu.

Nguyên nhân không nhỏ cũng là do quy định của TP.HCM chỉ cho các nông sản tập trung vào chợ đầu mối Bình Điền, gây khó khăn trong việc vận chuyển quýt đi tiêu thụ. Có rất nhiều xe quýt không thể vào được chợ đã tìm cách quay về các chợ tỉnh để bán.

Và những hệ lụy...

Nhiều thương lái thất bại trong việc mua bán quýt Tết, kéo theo sau đó nhiều hệ lụy cho nhà vườn trồng quýt ở huyện Lai Vung. Giá quýt Tết xuống thấp, để tránh lỗ nhiều thương lái mua quýt đã thỏa thuận với các nhà vườn dời ngày hái quýt lại từ trước Tết sang sau Tết. Việc này khiến năng suất và sản lượng quýt của nông dân bị sụt giảm. Bên cạnh đó, do cây quýt mang trái quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng bị suy cây, khó khăn cho vụ quýt sau.

Phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung thống kê, tính đến ngày 13/2/2014 (tức ngày 14/1 âm lịch), toàn huyện còn hơn 200 tấn quýt hồng của nhà vườn được thương lái đặt cọc nhưng chưa được thu mua, dù cho họ hợp đồng với nhà vườn sẽ hái và giao lại vườn cho chủ chuẩn bị, xử lý cho vụ quýt tiếp theo trong ngày rằm tháng giêng (15/1 âm lịch).

Giá quýt ngoài thị trường hiện còn khá thấp, chưa đến 30 ngàn đồng/kg, một số thương lái khi thu mua đã tìm cách hạ giá quýt của nhà vườn xuống thấp hơn giá đã thỏa thuận trước Tết, gây thiệt hại cho họ.

Ông Lưu Văn Ràng ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới có hơn 15 tấn quýt. Thương lái đặt cọc với giá 28 ngàn đồng/kg từ trước Tết nhưng đến ngày 14/2 (tức rằm tháng giêng) mới vào thu mua, nhưng chỉ với giá 26 ngàn đồng/kg. Ông Ràng nói: “Lái vừa vô cân được hơn 6 tấn quýt nhưng tôi phải giảm cho họ 2 ngàn đồng/kg. Như vậy ước tính sơ bộ mất đi 12 triệu đồng rồi. Tôi còn hơn 5 tấn quýt trên cây, không biết ngày nào họ mới chịu hái”.

Tình cảnh của ông Ràng còn đỡ vì lấy được tiền sau khi bán quýt. Đối với anh Cao Văn Trương ở cùng xã Vĩnh Thới còn thê lương hơn. Trước Tết, anh Trương bán quýt cho một thương lái quen được hơn 50 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Hay như trường hợp của anh Bình cũng ở xã Vĩnh Thới, bán quýt được tổng cộng trên 500 triệu đồng nhưng đến nay chỉ nhận được hơn 200 triệu đồng, số tiền còn lại không biết khi nào anh mới nhận được của người mua quýt.

Ở huyện Lai Vung nghề trồng quýt đã và đang mang đến cuộc sống sung túc cho nhiều người dân. Nhưng việc giao dịch mua bán của người dân chủ yếu còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết và thiếu sự định hướng từ các ngành chức năng nên giá trị sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đôi lúc chưa như mong muốn.

Trong thời gian tới, rất cần có sự quản lý, định hướng tổ chức từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến việc cung ứng sản phẩm ra thị trường nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả của trái quýt hồng.


Related news

vung-tom-lua-thieu-nuoc-o-bac-lieu Vùng Tôm Lúa Thiếu Nước… hop-tac-xa-buoi-nam-roi-my-hoa-thu-mua-600-800-tan-buoi-globalgap Hợp Tác Xã Bưởi Năm…