Mô hình kinh tế Nhắm Mắt Tìm Vận May Nghịch Lý Vùng Nuôi

Nhắm Mắt Tìm Vận May Nghịch Lý Vùng Nuôi

Publish date Monday. August 4th, 2014

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc nuôi tôm: Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi. Nhưng với kiểu “mạnh ai nấy đào ao thả tôm” như hiện nay đã khiến rủi ro gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, dân sinh. Có điều không biết vô tình hay hữu ý mà người dân bỏ qua điều này, cứ nhắm mắt theo con tôm để tìm vận may...

“Lấn” đất quy hoạch KKT…

Vào vai chủ hồ cần đất nuôi tôm, tôi tìm đến xã Bình Hải (Bình Sơn - Quảng Ngãi) và được người tên S. niềm nở giới thiệu: “Đất ở đây bát ngát, lại chưa bén mùi tôm nên em khỏi lo chuyện bệnh tật”. Nói đoạn, S. dẫn tôi đến hơn chục hồ tôm mà theo anh là “trúng lớn” trong vụ vừa qua, rồi hồ hởi: “Đất “sạch” giá mềm. Em nuôi tôm chỉ có lời chứ không sợ lỗ”.

Khi tôi hỏi vì sao đất “sạch” mà giá lại mềm, S. bảo: “Do chi phí đầu tư ban đầu lớn nên nhiều người… kẹt vốn”. Quả thật, với mức giá 300 - 320 triệu đồng/hồ (2.000 m2) thì đến tiền mua đất người dân nghèo còn không biết kiếm đâu ra, lấy gì đầu tư cho con tôm!

Bởi qua tìm hiểu một số vùng nuôi ở các xã Đức Minh (Mộ Đức), Phổ Khánh (Đức Phổ), với chừng ấy diện tích, người dân chỉ phải trả 19 - 22 triệu đồng để được sở hữu đất trong thời hạn 19 năm.

Còn đất ở các thôn Phước Thiện, Thanh Thủy hay An Cường thì đã nằm trong diện quy hoạch KKT Dung Quất, Khu du lịch sinh thái hay bãi tắm nên không biết sẽ bị chính quyền thu hồi và lấp hồ lúc nào. Vì vậy mà viện lý do đất đắt, lại bị quy hoạch nên tôi hẹn S. “sẽ suy nghĩ và trả lời sau”.

Đáp lại cái hẹn ấy, S. cười khẩy: “Lần sau thì em chịu khó lên kia nuôi tôm với họ cho vui”. Vừa nói, S. vừa chỉ tay về phía ngọn đồi đầy đá trước mặt. Quả thật, dù đã nghe tin một số người dân nơi đây có “sáng kiến” xẻ núi đào ao nuôi tôm, nhưng tôi cứ ngỡ đó là… chuyện phiếm! Giờ nghe S. nói thế, tôi liền hì hục trèo lên đồi để... xem thử! Sau một hồi vượt dốc lên đồi, tôi tròn mắt khi thấy ba cái hồ nằm cheo leo trên vách núi.

Trong đó, một cái đang phơi đáy, hai cái thì nghe đâu vừa được thả tôm 20 ngày nên tung bọt nước trắng xóa. Nhìn ba cái hồ nuôi tôm này, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn lắc đầu ngán ngẩm, còn những hộ dân có nhà ở bên dưới lại thấp thỏm sợ “lo bị vùi dưới đất đá khi hồ vỡ”!

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn thì hiện giờ, toàn huyện có đến 28 hồ tôm ra đời ở 3 địa điểm gồm: 2 hồ nằm trong khu dân cư, 3 hồ ở trên núi và 23 hồ thuộc đất quy hoạch KKT Dung Quất.

… nhưng “chê” đất dành nuôi tôm

Trong khi đất của KKT Dung Quất bị người dân các nơi đổ xô chiếm dụng đào ao nuôi tôm trái phép, thì một số vùng chính quyền đã mất không ít thời gian để quy hoạch nhằm “tập trung con tôm về một mối” lại ế. Đơn cử như Dự án nuôi trồng thủy sản trên cát dọc bờ biển xã Phổ Khánh (Đức Phổ).

Sau 4 năm bị “treo” để thực hiện việc quy hoạch, hơn 379 nghìn mét vuông nuôi tôm sẽ được UBND xã Phổ Khánh tổ chức đấu giá với thời hạn 19 năm trong tháng 7.2014 này. Tuy nhiên, thông tin trên không được những người dân địa phương - những hộ đã từng “say” con tôm hào hứng đón nhận. Lý do, “vùng quy hoạch tôm gì mà điện, đường vẫn như cũ. Chẳng có gì mới thì bảo ai dám bỏ tiền vào làm ăn”, ông Nguyễn Văn Chính (68 tuổi) ngụ thôn Quy Thiện cho hay.

Quả thật, dù mất 4 năm để quy hoạch nhưng cái mới của hơn 379 nghìn mét vuông nuôi tôm nơi đây là... được cắm mốc và phân lô diện tích, còn hạ tầng phục vụ như điện, đường, khu xả thải, kênh cấp thoát nước… thì người dân sẽ… tự đầu tư, nếu đấu được đất!

Giải thích cách làm này, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Đức Thọ bảo rằng: “Nếu hoàn thiện hạ tầng, giá sẽ tăng, người dân vì thế khó có cơ hội thuê được đất. Hơn nữa, xã cũng không có kinh phí nên phải đợi đấu giá xong, lấy tiền ấy làm đường, kéo điện”.

Không chỉ Phổ Khánh, mà thực trạng “vừa quy hoạch vừa đợi” xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm. Cách làm nửa vời này vô tình đẩy người dân đến gần rủi ro hơn mỗi khi họ “đánh bạc” nuôi tôm.

Ví dụ như khu xả thải. Trên bản đồ quy hoạch, những khu này được ưu tiên xây dựng nhằm đảm bảo môi trường trong và ngoài ao nuôi, hạn chế dịch bệnh. Thế nhưng thực tế thì ngược lại. Hiếm có khu xả thải nào được ra đời vì không có kinh phí, hoặc… tiết kiệm đất!

“Tiết kiệm” theo nhận định của anh N.T., Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi là chính quyền cho đấu giá 100% diện tích thay vì dành một số ao trống xen kẽ các ao tôm, rồi giao cho 2 - 3 chủ hồ lân cận góp vốn đầu tư làm khu xả thải chung.

Nhưng do “chính quyền tiếc đất, người dân tiếc của” nên dường như mô hình nuôi tôm theo công thức “2 - 3 ao nuôi + 1 ao xả thải chung” vẫn chỉ là ý tưởng! Chẳng trách người nuôi tôm vẫn vô tư xả thải ra biển, sau đó lại dẫn chính nguồn nước ấy vào ao nuôi lứa khác. Vậy thì ai dám chắc, chất thải không quay lại hồ để gây bệnh cho tôm?

Sau một thời gian tạm lắng vì dịch bệnh hoành hành, nghề nuôi tôm trên cát lại sôi động. Nhất là từ cuối năm 2013, con tôm tăng giá đột ngột, cộng với sự “dễ tính” của thương lái đã khiến chủ hồ ồ ạt cải tạo ao cũ, đào ao mới, thậm chí có người còn đào cả núi lẫn đất đã quy hoạch khu kinh tế (KKT) để nuôi tôm!

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi đầu tháng 7.2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Tôi rất bất ngờ vì trong số nhiều dự án, công trình nông nghiệp mà tỉnh đề xuất Bộ trình Chính phủ xem xét, bố trí vốn đầu tư lại không có công trình, dự án nào dành riêng cho con tôm.

Trong khi tôi thấy, hạ tầng và kỹ thuật nuôi tôm ở Quảng Ngãi đã thiếu lại yếu, quy mô nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tôi không biết tỉnh chọn cây, con gì làm mũi nhọn; chứ ngành nông nghiệp xác định con tôm là một trong những đối tượng chủ lực của nền kinh tế”.


Related news

khanh-hoa-hop-tac-voi-nhat-ban-khai-thac-ca-ngu Khánh Hòa Hợp Tác Với… vua-tom-vo-hong-ngoan-nuoi-tom-an-toan-sinh-hoc-tu-ba-mia “Vua Tôm” Võ Hồng Ngoãn…