Mô hình kinh tế Nhắm Mắt Tìm Vận May Theo Con Tôm, Người Nuôi Đuối Sức

Nhắm Mắt Tìm Vận May Theo Con Tôm, Người Nuôi Đuối Sức

Publish date Tuesday. August 5th, 2014

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm liên tục giảm và hiện chỉ còn 85.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg; cộng với nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị đối tác Nhật, EU cảnh báo, thậm chí trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép đã gây hoang mang cho nhiều người.

Nếu thẳng thắn suy xét thì điều này chẳng có gì lạ. Bởi giá tôm cuối năm 2013 tăng đến 160.000 - 165.000 đồng/kg loại 75 con/kg; 140.000 - 150.000 đồng/kg loại 100 con/kg khiến người dân đổ xô “làm lớn” con tôm bằng các loại thuốc, chế phẩm kháng sinh bất chấp rủi ro đã được ngành chức năng và báo chí cảnh báo.

“Không có kháng sinh làm sao tôm lớn”

Đó là khẳng định của hầu hết người nuôi tôm trong tỉnh. Theo người dân thì ngoài cám, các loại thuốc kháng sinh có thành phần chính như Oxy tetracycline, Enro flocacine hay Cypro floxacine... được xem là “đồ bổ” không thể thiếu cho tôm.

Có điều, việc sử dụng những chất này vốn là “con dao hai lưỡi” mà không phải ai cũng biết. Đó là nếu dùng với nồng độ, liều lượng phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm thì nó mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh; ngược lại sẽ rước họa.

Tuy nhiên, qua trao đổi với anh C.V.S., người nuôi tôm ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) thì sự thật: “Không chủ hồ nào không nằm lòng công thức sử dụng các loại thuốc, nhất là kháng sinh. Nhưng vì muốn tôm mau lớn, lại sợ dịch bệnh nên ngày nào họ cũng đổ thuốc, kháng sinh xuống hồ cho tôm ăn”.

Đồng quan điểm này, anh N.T., cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi cũng khẳng định “99% người dân sử dụng kháng sinh với mục đích thúc tôm. 1% còn lại là những người… liều!”. Con số trên khiến nhiều người giật mình và đặt câu hỏi: Vì đâu sự sống của con tôm lại phụ thuộc vào thuốc và kháng sinh?. Vì người nuôi thiếu kiến thức, vì lợi nhuận hay bởi các loại thuốc, kháng sinh quá dễ mua?.

Để tìm hiểu thực hư, theo hướng dẫn của anh T., chúng tôi tìm đến một đại lý bán thức ăn tôm tại xã Đức Minh (Mộ Đức). Sau khi kể lể tôm nhà mình yếu ăn, chậm lớn, tôi nhờ chủ đại lý bán cho loại thuốc nào mà làm cho nó “ăn khỏe, lớn nhanh”.

Tức thì một loạt thuốc nội, ngoại của các hãng uy tín lẫn xoàng xoàng được bày la liệt trên bàn. Nhờ anh T. dặn trước nên sau một hồi xem tới trông lui, tôi nói nhỏ “cần loại kháng sinh dành cho người vì liều lượng của nó chuẩn hơn”.

Lập tức chủ đại lý bày ra không dưới 5 loại. Nhìn đống thuốc, tôi trộm nghĩ những người này quá giỏi. Chủ đại lý thuốc, thức ăn tôm mà bán được cả... thuốc trị bệnh cho người?!.

Hậu quả

Con tôm không thiếu kháng sinh. Đáy hồ và nước thì không thể không có BKC-thuốc diệt khuẩn nồng độ cực mạnh, tiêu diệt hoàn toàn cả vi khuẩn có hại lẫn lợi. Còn nước thải nuôi tôm hiện nay được xả ra khu chung là... biển nên khi nó “luân hồi”, người dân khó tránh khỏi tình trạng “gậy ông đập lưng ông”.

Nhưng đó là chuyện… sau này, còn trước mắt họ đã phải gánh cả núi hậu quả mà việc nuôi tôm chạy theo giá cả thị trường gây ra. Đó là tôm không đảm bảo chất lượng, môi trường sinh thái lẫn cảnh quan xung quanh bị hủy hoại. Đơn cử như tại vùng nuôi tôm cạnh chợ xã Bình Châu (Bình Sơn).

Nhớ lúc đất còn “sạch”, khu vực trên được xem là “cỗ máy đẻ tiền” của nhiều người vì họ liên tục trúng những mẻ tôm lớn. Điều này khiến người dân trong và ngoài địa phương ồ ạt đào ao, dẫn nước phủ bạt nuôi tôm ở bất kỳ chỗ đất nào còn trống.

Tuy nhiên, không biết vì họ kém may mắn hay vì cách nuôi “mạnh ai nấy xả” mà vài năm sau, nước bỗng chuyển từ không màu sang đen, rồi hôi thối khiến con tôm đổ bệnh, chết phơi xác khắp hồ trước sự bất lực của người dân. Vậy là chỉ sau thời gian ngắn, vùng nuôi tôm này trở thành hoang hóa.

Với nhiều người dân xã Nghĩa Hòa (Từ Nghĩa), con tôm cũng “rút” của họ không ít tiền của từ 4 - 5 năm nay. Số là từ những năm 2009 - 2010, tôm bắt đầu rơi vào vòng xoáy “dịch, chết” nhưng nguyên nhân gây bệnh thì mịt mờ. Nước, thức ăn, con giống, thời tiết, rồi cả kỹ thuật nuôi, tất cả đã được mang ra phân tích, mổ xẻ nhưng kết quả là “tôm chết có thể do ảnh hưởng của những yếu tố trên!”.

Ấy nên khi tôm có hiện tượng biếng ăn và chết rải rác, nhiều hộ vội báo với ngành chức năng để kịp tìm và chữa bệnh nhưng vô ích. Bởi trong lúc đợi kết quả xét nghiệm thì tôm chết trắng hồ. Đến khi xác định được nguyên nhân gây bệnh cho tôm thì phải tiêu hủy khiến nhiều hộ khánh kiệt tài sản và “treo” hồ vô thời hạn.

“Như tôi đây, đổ tiền tỷ vào 4.500 m2 nuôi tôm xen cua, đến lúc tôm được một tháng tuổi thì phải tiêu hủy khiến cả nhà chết dở sống dở vì ôm… nợ”, ông Mai Xuân Triển ngụ thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa bộc bạch.

Cùng với ông Triển, những tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có đến trên 30 ha tôm bị nhiễm bệnh, chủ yếu là đốm trắng. Có điều, bệnh cứ bệnh, ai nuôi được cứ nuôi, còn ngành chức năng thì cứ khuyến cáo “người dân cần tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm”!. Nhưng những câu khẩu hiệu như thế người dân đâu có nghe. Bởi cái họ cần chính là một cái phao để không bị đuối nước mỗi khi “bơi” theo con tôm!.

Giá tôm liên tục “nhảy”, người nuôi cũng phải không ngừng “bơi”. Hẳn vậy nên họ không còn sức để cải thiện hiệu quả nuôi mà lún sâu vào cách thức “mì ăn liền” - tức tăng cường dùng hóa chất và kháng sinh”. Hệ quả là tôm chết, hoặc bị thương lái ép giá trả hàng.


Related news

chu-trong-khau-bao-quan-nang-cao-chat-luong-rau-mau Chú Trọng Khâu Bảo Quản,… xa-phuoc-hung-ba-ria-vung-tau-nuoi-ech-trong-be-dat-hieu-qua Xã Phước Hưng (Bà Rịa…