Mô hình kinh tế Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Cá Giống

Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Cá Giống

Publish date Tuesday. August 20th, 2013

Xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) hiện mở rộng diện tích sản xuất cá giống lên gần 130 ha mặt nước với sản lượng mỗi năm khoảng 100 triệu con cá giống các loại cung ứng thị trường. Các loại cá giống được sản xuất đại trà tại địa phương gồm tai tượng, trê lai, phi dòng gifl, điêu hồng...

Nhị Mỹ là địa phương đầu tiên trong huyện chuyển đổi sản xuất theo hướng đưa con cá giống lên ruộng lúa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và ương dưỡng cá giống cung ứng thị trường. Làng cá giống Nhị Mỹ do vậy nổi tiếng tại địa phương, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiều hộ dân từ chỗ khó khăn, thu nhập thấp do đất hẹp, người đông đã vươn lên, ổn định đời sống.

Đơn cử như ông Nguyễn Văn Đực Nhỏ, cư ngụ tại ấp Mỹ An, xã Nhị Mỹ canh tác 4.000 m2 đất lúa. Đất hẹp, người đông, trồng lúa giá cả bấp bênh nên đời sống luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển đổi sang ương dưỡng cá giống, cuộc sống khấm khá, kinh tế gia đình được cải thiện, ông được công nhận "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" tại địa phương. Hàng năm, ông lãi ròng hàng trăm triệu đồng nhờ nghề ương dưỡng cá giống.

Từ mô hình ở Nhị Mỹ, phong trào chuyển đổi sản xuất, ương dưỡng và cung ứng cá giống đã nhân rộng ra các địa phương xung quanh: Long Khánh, Tân Hội, Tân Bình... Qua đó, tạo nguồn cung quan trọng phục vụ chương trình phát triển kinh tế thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.


Related news

trung-ca-dia-con Trúng Cá Dìa Con nhoc-nhan-vung-nuoi-tom Nhọc Nhằn Vùng Nuôi Tôm