Tin nông nghiệp Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới

Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới

Author Tường Vi, publish date Friday. May 13th, 2016

Khi đó, làng Bang thuộc khu vực xã Thống Nhất và làng Trới thuộc xã Lê Lợi bây giờ. Hiện giống gà này được nuôi rải rác ở hầu hết các xã của huyện, nhiều nhất vẫn là ở Thống Nhất, Lê Lợi, Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai…

Gà Bang Trới là giống gà hiện nay chưa có trong danh mục nguồn gen giống vật nuôi bản địa của Việt Nam mà chỉ được nhân dân địa phương nuôi từ lâu với phương thức chăn thả tự nhiên. Qua tìm hiểu cho thấy, giống gà Bang Trới dễ nuôi, thích nghi cao với điều kiện thời tiết của địa phương, ít dịch bệnh và cho thịt, trứng thơm, ngon được nhiều người yêu thích. Gà Bang Trới không to, tối đa chỉ từ 2 đến 2,5kg với gà mái và trên 3kg với gà trống thiến. Giống gà này đặc trưng bởi chân rất nhỏ và ngắn, da chân màu vàng ươm. Khi mới nở, gà con thường có một vệt lông màu đen kéo dài từ đầu cho tới đuôi, xung quanh lông màu vàng. Gà trưởng thành có thân hình săn chắc, ngực nở, mình dài, có chỏm lông đầu, chỏm lông râu dưới cằm. Một số con không có lông đầu, râu cằm nhưng vẫn thể hiện thân hình săn chắc, mình dài đặc trưng của giống.

Chị Đoàn Thị Thu Cúc, khu 8, thị trấn Trới (Hoành Bồ) là một trong những hộ nhiều năm nuôi gà Bang Trới cho biết: “Hiện gia đình nuôi hơn 100 con/lứa. Gà chủ yếu được chăn thả tự nhiên ở vườn đồi, thức ăn là thóc, ngô. Vì vậy, gà thơm ngon, chắc thịt được thực khách ưa chuộng. Gà Bang Trới thường bán từ 200.000 - 230.000 đồng/kg. Giá cao như vậy nhưng nhiều lúc gia đình không đủ hàng để bán cho khách do việc sinh sản của gà kém và thời gian nuôi dài”. Do phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự nhiên vùng vườn đồi, đồng thời không chú ý chọn lọc giữ gìn nguồn gen gốc, cho nên giống gà này bị thoái hoá dẫn đến năng suất thấp. Gà nuôi 7-8 tháng mới được bán thịt, sản lượng trứng chỉ đạt 15-25 quả/năm, tỷ lệ nuôi sống thấp, tổng đàn không nhiều v.v.. Đồng thời, chất lượng thịt gà Bang Trới ngày một giảm, làm mất dần “thương hiệu gà Bang Trới”.

Trước tình trạng thoái hoá giống của gà Bang Trới và nhằm nâng cao giá trị của gà này, năm 2006, Sở NN&PTNT đã thực hiện đề tài khoa học “Tuyển chọn và lưu giữ quỹ gen giống gà Tiên Yên và gà Trới” thực hiện tại Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông, lâm nghiệp Quảng Ninh. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên việc nghiên cứu bị dừng lại, vì vậy các số liệu mới chỉ đạt ở mức độ khái niệm ban đầu, về cơ bản chưa có một mô hình nào hướng dẫn nông dân chọn lọc và nhân thuần giống gà Bang Trới. Năm 2011, UBND huyện Hoành Bồ đã tiến hành thu gom và chọn lọc giống, nuôi thí điểm ban đầu khoảng 4.000 con giống tại hộ gia đình của các xã Thống Nhất, Sơn Dương, Kỳ Thượng, Lê Lợi, Quảng La, Bằng Cả…, nhưng việc triển khai cho tới nay chưa thu được hiệu quả cao.

Nhận thấy rằng, đây là giống gà quý cần có những nghiên cứu sâu để phổ biến vào sản xuất, do vậy việc triển khai nuôi bảo tồn và tiến hành đánh giá chi tiết đặc điểm sinh học, cũng như khả năng sinh sản của chúng là điều cần làm ngay để bảo tồn và lưu giữ nguồn gen gà Bang Trới. Vì vậy, “Đề án Khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2015-2020” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013 đã xây dựng nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới”. UBND tỉnh giao nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới” cho Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc là cơ quan chủ trì thực hiện, với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện nhiệm vụ từ tháng 3-2015 đến tháng 2-2018, với mục tiêu là bảo tồn được nguồn gen đặc hữu gà Bang Trới nhằm duy trì đa dạng sinh học, góp phần an sinh xã hội và cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực nguồn gen.

Hiện, Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc đã tiến hành điều tra, đánh giá đặc điểm ngoại hình, hiện trạng về tình hình chăn nuôi gà Bang Trới tại 10 xã của huyện Hoành Bồ. Đồng thời tuyển chọn 100 con gà giống tại các xã Đồng Lâm, Lê Lợi, Vũ Oai mang đặc trưng điển hình nhất về nhân thuần. Ở lứa thứ 2, các nhà khoa học đã nhân thuần thành công 150 con gà giống mang đặc trưng của đàn gà thuần. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc nhân thuần 4 thế hệ gà Bang Trới, để gây dựng đàn gà giống gốc, sản xuất và cung cấp gà bố mẹ và gà thương phẩm.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh, giảng viên Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, thư ký đề tài cho biết: Gà Bang Trới đang có thị trường tiêu thụ khá rộng. Bảo tồn và phát triển gà Bang Trới là góp phần bảo vệ nguồn gen bản địa, phù hợp với duy trì đa dạng sinh học đang là xu hướng ưu tiên của Nhà nước. Do bị pha tạp, thoái hoá giống nên việc nhân thuần cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực thực hiện các nội dung nhân thuần gà Bang Trới. Dự kiến đầu năm 2017, đề tài sẽ xây dựng mô hình nuôi gà quy mô 2.000 con, tại 2 khu trang trại của HTX Nông trang Quảng La và 2 hộ gia đình vệ tinh tại thị trấn Trới. Mô hình nuôi phải tuân thủ các biện pháp cách ly, tránh lai tạp với các giống gà khác.

Hy vọng rằng, với việc triển khai nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới”, trong thời gian tới, người dân sẽ có giống gà Bang Trới đạt năng suất, chất lượng cao, qua đó mở hướng phát triển đàn gà với quy mô lớn, góp phần bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.


Related news

trong-dua-lai-gap-5-lan-trong-ngo Trồng dứa lãi gấp 5… xanh-sach-tin-cay-la-uu-tien-so-mot Xanh, sạch, tin cậy là…