Trồng lúa Nhện Gié gây hại lúa-Dịch hại cần quan tâm trong vụ lúa Đông Xuân

Nhện Gié gây hại lúa-Dịch hại cần quan tâm trong vụ lúa Đông Xuân

Author Nguyễn Thị Nguyệt - Chi Cục BVTV Bến Tre, publish date Thursday. May 4th, 2017

Nhện gié (nhện rám bẹ hay nhện cạo gió) là đối tượng mới gây hại trên lúa, ngày càng có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây, gây ảnh hưởng khá lớn đến năng suất lúa.

Nhện trưởng thành có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đối chân, rất khó quan sát bằng mắt thường. Do là loài mới gây hại, kích thước quá nhỏ nên tại rất nhiều nơi,  nông dân chưa nhận biết được triệu chứng gây hại của nhện gié, vẫn thường nhầm lẫn với triệu chứng gây hại của các loại bệnh do vi sinh vật gây nên (như nấm, vi khuẩn ) và sử dụng thuốc trừ bệnh để trừ chúng, vừa gây tốn kém, lãng phí lại ảnh hưởng xấu đến môi trường.  Nhện gié thường sống tập trung và gây hại ở trong bẹ lá, gân lá, thân và bông lúa. Vết hại ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau vết hại lan rộng kéo dài thành các vệt sọc hình chữ nhật dài từ 0,2- 1,5 cm, màu chuyển dần từ trắng vàng sang vàng nhạt rồi vàng nâu, nâu đen. Đôi khi thấy nhện xuất hiện và gây hại ngay ở ngoài bẹ, phần áp sát giữa bẹ lúa và thân cây lúa. Đối với những bẹ ở phía trên (bẹ lá đòng, bẹ sát dưới bẹ lá đòng), do những khoang mô hẹp dần nên nhện thường chích hút ngay ở bên ngoài bẹ. Các vết hại tập trung thành từng đám màu nâu nhạt, nâu đậm đến thâm đen trông giống như vết "cạo gió" mà nhiều nơi nông dân gọi là "bệnh cạo gió".

Bông lúa bị nhện gié hại thường thấy hiện tượng bông lúa không trỗ thoát do nhện gié chích hút và gây hại ngay trước khi trỗ, số hạt lép hoàn toàn trên bông rất lớn, bông lúa hoặc thân đòng bị cong queo. Bông lúa trỗ thoát thì nhện vẫn tấn công hạt lúa ngay trong khi trỗ và sau khi trỗ làm cuống bông lúa và hạt lúa co xoắn lại, biến màu vàng nhạt. Nếu bị nặng, toàn bộ hạt trên bông lúa biến màu nâu đen và đôi khi hạt trên bông bị biến dạng méo mó

Nhóm dịch hại này có đặc điểm chung là sự gia tăng quần thể lớn, sinh sản mạnh, vòng đời ngắn và rất khó kiểm soát

Nhện có khả năng tồn tại, truyền lan được qua nước nhưng lại phát triển thích hợp trong điều kiện khô hạn. Khi không có thức ăn, tất cả các pha nhện gié đều có khả năng tồn tại tốt trong nước. Trưởng thành nhện gié có khả năng tồn tại trong nước lâu nhất là 23 ngày, nhện non 25 ngày, trứng và nhện non không di động đều có khả năng nở và lột xác trong môi trường nước Nhện gié còn có khả năng phát triển trên lúa chét khá mạnh. Thời gian sống của tr­ưởng thành phụ thuộc điều kiện nhiệt độ và cây ký chủ, cụ thể là các giống lúa khác nhau, mức độ gây hại khác nhau. Nhện gié có thể lây lan nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau

* Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt lúa chét, lúa rày là nguồn thức ăn, nơi cư trú tốt cho nhện gié và đó cũng chính là nguồn lan truyền quan trọng của nhện gié cho vụ sau.

- Bón phân cân đối. Tránh bón thừa đạm vì lúa thừa đạm dễ bị nhện gié gây hại.

- Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự xuất hiện gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trỗ. Sử dụng các loại thuốc như: Abatin 5,4 EC, Kinalux 25 EC, Danitol 10 EC, Nissorun 5EC, …Chú ý nhện là loại côn trùng rất dễ kháng thuốc, do đó không nên sử dụng liên tục một loại thuốc mà nên sử dụng luân phiên để hạn chế sự kháng thuốc của nhện.


Related news

hay-chu-y-su-phat-trien-cua-sau-nan-hai-lua Hãy chú ý sự phát… phong-tru-bo-xit-den-hai-lua-vu-he-thu Phòng trừ bọ xít đen…