Tôm thẻ chân trắng Nhiều khuyến cáo cho người nuôi cá tra

Nhiều khuyến cáo cho người nuôi cá tra

Publish date Monday. March 30th, 2015

Hội thảo chuyên đề “Quản lý dịch bệnh và nâng cao hiệu quả mô hình nuôi cá tra thương phẩm” do Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco (GFC) phối hợp với Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt và Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức đã thu hút khoảng 100 nông dân ở vùng nuôi cá tra tập trung của TP Cần Thơ tham gia. Qua hội thảo này, các nhà khoa học đã bổ sung thêm kiến thức khoa học và đưa ra nhiều khuyến cáo hữu ích cho người nuôi cá tra...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống và Dịch bệnh thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, trước đây con cá tra ở ĐBSCL chủ yếu nuôi theo dạng ao gia đình nên vấn đề dịch bệnh ít được quan tâm.

Từ khi phong trào nuôi cá tra thâm canh phát triển mạnh, nhất là người nuôi cá tra đã nâng dần mật độ thả nuôi thâm canh (đạt khoảng 300 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 600 tấn/ha/vụ), nên môi trường nuôi bị ảnh hưởng và dịch bệnh trên cá tra phát triển ngày càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân do chất lượng con giống ngoài tầm kiểm soát của người nuôi và do tác động ngoại sinh, như: Vô sinh (dinh dưỡng, độc tố...); hữu sinh (truyền nhiễm vi-rút, vi khuẩn... và ký sinh trùng và sinh vật ăn hại (đĩa cá...).

Ngoài những tác nhân trên, môi trường nuôi trong mùa mưa dẫn đến dịch bệnh trên cá tra cũng nghiêm trọng hơn mùa khô là do hàm lượng chất hữu cơ trong nguồn nước cao, biến đổi đột ngột nhiệt độ cao, biến độ pH lớn do rửa trôi từ vùng đất ven bờ, số ngày mưa nhiều làm tảo tàn lụi do thiếu ánh sáng... nên sức đề kháng cá tra suy giảm và dịch bệnh dễ xâm nhập. Theo đó, các loại bệnh xuất hiện phổ biến trên cá tra như: bệnh gạo trên cá tra, bệnh xuất huyết, bệnh đốm trắng gan thận, trắng mang trắng gan...

Trong đó, bệnh xuất huyết tỷ lệ tử vong có thể đến 90% ở giai đoạn cá giống và khoảng 30% ở cá nuôi thương phẩm; bệnh trắng mang trắng gan tỷ lệ hao hụt có thể 70%; bệnh đốm trắng gan thận gây chết hàng loạt (đặc biệt ở giai đoạn giống) và đang là trở ngại lớn nhất cho người nuôi cá da trơn ĐBSCL...

Trong khi đó, việc quản lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, nhất là trên cá tra nuôi thương phẩm hết sức khó khăn do dịch bệnh dễ lây lan, khó phát hiện dịch bệnh và khó cách ly điều trị, từ đó tổn thất kinh tế rất lớn...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường phòng bệnh cho cá tra là chính như: tăng cường sức đề kháng cho cá (chọn lọc con giống tốt, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý môi trường nuôi và chất lượng nước...). Bên cạnh đó, tiến hành chữa trị bệnh cho cá bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất, nhưng cách này dễ dẫn đến mối nguy về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị sản phẩm và dễ xuất hiện kháng thuốc dẫn đến khó phòng trị về sau...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Phước, Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco, nuôi cá tra vào mùa mưa lũ cần tập trung các biện pháp:

- Cải tạo ao nuôi (cải tạo ngay sau thu hoạch cá xong để hạn chế cặn bã thấm sâu vào nền đáy, diệt cá tạp triệt để, lấy nước và giữ ổn định từ 3 - 4 m, xử lý nước kỹ trước khi thả cá...).

- Chọn và thả con giống (chọn con giống kích cỡ từ 2 - 2,2 cm, phải kiểm tra vi khuẩn và ký sinh trùng trước khi bắt cá, thay nước thuần hóa cá cho môi trường trong ao tương tự ngoài sông, ghe vận chuyển cá phải được vệ sinh và xử lý kỹ bằng iodine và muối, giảm thiểu xây xát trong đánh bắt và vận chuyển cá...).

Ngoài ra, cần xử lý nước (định kỳ 7 - 10 ngày sát trùng 1 lần, hôm sau bón vi sinh; xử lý vôi và muối ngay trước và sau các đợt mưa lớn...).

- Xử lý đáy ao (kiểm tra bùn đáy 1 lần/tháng, sát trùng đáy ao, không cho ăn dư, thường xuyên vớt rác và cá chết, trong ngày hút bùn sớm và chiều khoảng 4 giờ ngưng cho cá ăn, 100 - 150 tấn thức ăn thì hút bùn đáy một lần...).

- Xử lý ký sinh trùng; vệ sinh môi trường (dọn cỏ, vệ sinh quanh ao ít nhất 2 lần/tháng, bón vôi quanh bờ ao, thu gom xác cá dọc theo bờ ao)...

Trung tâm Cá giống và Dịch vụ Thú y Thủy sản, trực thuộc Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco, đã triển khai thực hiện đề tài “Khảo sát nguyên nhân hao hụt trên cá tra nuôi thâm canh và thử nghiệm qui trình nuôi cá sử dụng chế phẩm sinh học (Probiotic)”.

Kết quả cho thấy 70% nguyên nhân gây hao hụt trên cá tra nuôi do bệnh vi khuẩn, một số bệnh trắng mang trắng gan và vàng da vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng gây hao hụt đáng kể cho cá nuôi; yếu tố môi trường và ký sinh trùng là nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe cá tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Qua thử nghiệm qui trình nuôi cá sử dụng chế phẩm sinh học (Probiotic), chế phẩm sinh học được bổ sung vào môi trường nước có vai trò cạnh tranh môi trường sống, dinh dưỡng với nhóm vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, Trung tâm Cá giống và Dịch vụ thú y thủy sản khuyến cáo: định kỳ xử lý các chất diệt khuẩn iodine, BKC, KMn04... và tăng cường bổ sung men tiêu hóa, giải độc gan trong quá trình nuôi; bổ sung chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá tra...

Ông Lê Quang Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco, cho biết: “Công ty có 2 mảng kinh doanh chính: nuôi trồng thủy sản và nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản. Hiện nay, Trung tâm Cá giống và Dịch vụ thú y thủy sản ngoài phục vụ vùng nuôi cá tra của công ty còn đáp ứng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nuôi nếu bà con nuôi cá tra trong vùng có nhu cầu...”.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, năm 2010 diện tích nuôi cá tra của thành phố khoảng 787 ha, sản lượng 156.949 tấn. Năm 2011, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ có kế hoạch phát triển diện tích nuôi cá tra khoảng 750 - 800 ha. Riêng quận Thốt Nốt (vùng trọng điểm nuôi cá tra của thành phố), từ đầu năm đến nay quận đã thả nuôi 486 ha cá tra, đã thu hoạch được 14.533 tấn. Nông dân hiện bán cá tra với mức giá khoảng 27.500 - 28.300 đồng/kg, đạt lợi nhuận khá cao...

Tags: nuoi ca tra, ca tra, ca basa, nuoi ca basa, ky thuat nuoi ca tra, kinh nghiem nuoi ca tra, kinh nghiem cham soc ca tra, cham soc ca tra, phong tri benh ca tra, xu ly ao nuoi ca tra


Related news

cach-cho-ca-tra-an-gian-doan-de-giam-chi-phi Cách cho cá tra ăn… thong-tin-ve-benh-trang-mang-trang-gan-tren-ca-tra-nuoi-o-dong-bang-song-cuu-long Thông tin về bệnh trắng…