Mô hình kinh tế Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình

Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình

Publish date Friday. June 13th, 2014

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Xuân Việt trao đổi với NNVN về cách làm ăn lớn và lề thói “tự ta dìm hàng mình” của một số nông dân hiện nay…

Theo ông vấn đề lớn nhất cản trở nông dân, đặc biệt nông dân miền Bắc tiến lên sản xuất hàng hóa là gì?

Tôi cho rằng đó là vấn đề tư tưởng. Nông dân ta vốn cần cù, chịu khó nhưng tư tưởng nhiều người còn thủ cựu, còn bị kìm hãm. Họ bảo thủ nên khi vận động để làm lợi cho họ mà có khi không làm hoặc làm nhưng ẩu. Làm cho chính mình, có người hướng dẫn ở đó thì đúng nhưng không có là làm sai. Làm cho chính mình nhưng có hỗ trợ mới tích cực còn không thì qua loa, đại khái.

Một khu ruộng bình thường không ai nhòm ngó đến, nếu giao cho một người đầu tư, cải tạo để nó tốt đẹp lên thì ông bên cạnh tức lắm trong khi đáng lẽ phải đến học sao mà làm giỏi thế, kỹ thuật thế nào, vốn liếng ở đâu?

Nông dân Nam bộ thường có suy nghĩ khác hẳn. Ruộng nhà làm không tốt thì cho thuê ngay, nhẹ người, ngủ khỏe để đi làm việc khác nhưng nông dân miền Bắc nhiều người lại không như vậy.

Ruộng nhà mình nếu tự làm dù chỉ được một ít thóc thậm chí bỏ không cho cỏ mọc nhưng khi có người thuê trả gấp nhiều lần số thóc thu được cũng chưa chắc đã cho thuê. Họ nghĩ chắc người thuê phải giàu lắm, chắc phải được lãi lắm mới thuê đất nhà mình nên phải đòi nhiều hơn nữa.

Khi tiến lên sản xuất hàng hóa, tính trung thành của nông dân với doanh nghiệp (bao tiêu sản phẩm) quá kém. Nguồn gốc của nó là thời kỳ HTX dong công, phóng điểm ngày xưa.

Xã viên hồi ấy đi cào cỏ lúa ngồi trên bờ cho mát nhưng đến trưa đội trưởng đến kiểm tra thì vội xuống khoắng khoắng cho nước đục ngầu lên và bảo là đã cào lúa rồi. Xã viên hồi ấy trục lúa thì trục không hết để giữ thóc còn lại trong rơm rồi chia rơm ấy về nhà mót lại thóc.

Thế nên khi hợp đồng với doanh nghiệp ít khi làm đúng mà làm dối kiểu như khi bán sản phẩm thì thêm cái nọ, độn cái kia vào cho tăng trọng lượng. Chất lượng xấu bán cho doanh nghiệp hoặc ngày mưa, ngày bão chẳng ai mua, giá rẻ mạt thì bán cho doanh nghiệp nhưng lúc thị trường giá đắt một tí liền bớt lại để đem ra ngoài bán.

Doanh nghiệp không mua nữa nông dân kêu ầm lên là công ty bẻ kèo, chơi xấu, là không tuân thủ cam kết, hợp đồng.

Phải sớm tháo gỡ tư tưởng đó cho nông dân. Làm sao con người đã bắt tay làm ăn với nhau là tuân thủ hợp đồng, là hiểu biết về thị trường, là làm thật, chất lượng thật, sản phẩm thật.

Ông bình luận thế nào về tính liên kết giữa các hộ sản xuất hiện nay?

Sản xuất nông nghiệp bây giờ khó không phải là vốn cũng không phải kỹ thuật. Thiếu vốn thì vay, thiếu kỹ thuật hay muốn kỹ thuật nào cũng có trên mạng, trên sách báo.

Mấu chốt hiện nay là phải thay đổi phương thức, suy nghĩ, cách làm và liên kết chặt với nhau. Ví dụ đơn giản một xã có nghề chăn nuôi, các chủ trại hợp tác lại thuê thú y, trả lương đàng hoàng cho người ta để cùng phòng chống dịch bệnh sao cho thật tốt.

"Có những mô hình khuyến nông có tiền thì tồn tại không có tiền là tan. Ở miền Bắc để tiến lên sản xuất hàng hóa cực kỳ khó, cái đầu tiên cần thay đổi chính là tư tưởng", ông Trần Xuân Việt.

Nhóm chăn nuôi đó hình thành nên tổ hợp tác để đặt vấn đề cùng mua cám với một công ty thay vì mua lẻ, mỗi ngày có một vài ô tô đến rồi các hộ gia đình tự phân phối cho nhau sẽ giảm được cước phí, giảm được giá cám đầu vào. Còn ở khâu xuất bán, nhiều lúc ba toa ép nông dân phải bán giá rẻ nhưng họ vẫn bán thịt cho người tiêu dùng với giá đắt.

Vì thế, các hộ nông dân nếu đoàn kết lại không bán cho người ba toa đó mà tập hợp nhau tự làm lò mổ thì còn ai ép giá được? Lập tức giá sẽ hợp lý ngay…

Tính hợp tác, tính liên kết và khả năng tổ chức của nông dân ta yếu đã đành, nếu tổ chức được ông lãnh đạo của nhóm chỉ một thời gian quen quen có khi lại lợi ích cá nhân, lại muốn hưởng hơn một tí chứ không muốn giống như mọi người trong nhóm.

Cuối cùng dẫn đến tình trạng là sản xuất cắt một khúc, chế biến cắt một khúc, thị trường cắt một khúc và luôn luôn bị rơi vào vòng quay của câu chuyện tư thương ép giá.

Đấy là về phía nông dân còn doanh nghiệp với nhau, hiệp hội với nhau nhiều khi cũng không bảo được nhau, cũng tranh mua tranh bán, làm xấu cả hình ảnh của nông sản Việt Nam.

Hiện nay trong việc tập trung đất để sản xuất quy mô lớn, người ta lo ngại nhiều lao động sẽ mất việc làm, ông nghĩ sao về vấn đề đó?

Doanh nghiệp tổ chức sản xuất quy mô lớn không đồng nghĩa với nhiều lao động bị thất nghiệp bởi đã tổ chức lớn bao giờ cũng đi kèm chế biến chứ không như sản xuất thô rồi đem hàng ra chợ, mà chế biến sẽ kéo theo lực lượng lao động lớn.

Ngay ở nơi có diện tích đất nông nghiệp bé như Đài Loan nhưng đã trồng cây ăn quả là cả huyện trồng, đã trồng cau là cả huyện trồng, đã trồng măng là cả huyện trồng. Đi vài chục cây số đến cả trăm cây số trên đất của họ chỉ có một thứ sản phẩm, đằng này ở ta trên đồng mỗi thứ một chòm, một nhúm thì sao sản xuất hàng hóa được?

Xin cảm ơn ông!


Related news

tom-giong-chat-luong-cao-phai-doi-den-khi-nao Tôm Giống Chất Lượng Cao… ho-tro-ngu-dan-dong-tau-vo-thep-danh-bat-xa-bo Hỗ Trợ Ngư Dân Đóng…