Mô hình kinh tế Nhiều Nông Dân Yên Phong Nuôi Trồng Thủy Sản Ngoài Đê Trắng Tay Sau Bão

Nhiều Nông Dân Yên Phong Nuôi Trồng Thủy Sản Ngoài Đê Trắng Tay Sau Bão

Publish date Friday. August 23rd, 2013

Do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5, 6 kết hợp lũ lớn lâu ngày đã làm cho hàng chục ha nuôi trồng thủy sản vùng ngoài đê của huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bị ngập lụt. Nhiều nông dân vốn là chủ của những trang trại với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm bỗng chốc trắng tay do diện tích nuôi trồng thủy sản, cây trồng chuẩn bị đến ngày thu hoạch bị chìm trong nước lũ.

Đã gần 10 ngày sau khi cơn bão số 6 kết hợp lũ lớn trên mức báo động số 3 gây tràn bờ toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản nằm ngoài tuyến đê sông Cầu rộng khoảng 3 mẫu, nhưng anh Nguyễn Xuân Thủy, 35 tuổi, thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến vẫn có vẻ mặt “buồn như đưa đám”. Chỉ tay vào những tấm lưới vây quanh bờ cao chừng 1 mét nhưng vẫn không giữ nổi thành quả gần 1 năm trời vợ chồng anh vất vả sớm hôm, đầu tư giống vốn lên đến vài chục triệu đồng, anh Thủy mếu máo: “Thế là hơn trăm triệu đồng đổ hết xuống sông rồi anh ạ!”.

Anh cho biết, trong đợt bão số 5, nước sông Cầu dâng cao ngập bờ 1 m, gia đình đã căng lưới cao chắn không cho cá thoát ra ngoài nên thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, trong cơn bão số 6, mực nước sông Cầu dâng cao hơn mức báo động số 3 nên toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình anh ngập bờ đến 2 m, mọi nỗ lực khắc phục thiệt hại gần như vô nghĩa. Buồn hơn khi lứa cá trong hồ của anh Thủy đã sắp đến kỳ thu hoạch.

Trọng lượng trung bình của cá trắm cỏ đạt khoảng 2,3 kg; mè 2 kg, trôi 1,1 kg; rô phi đơn tính 0,7 kg; chép 0,9 kg; chim trắng 1,2 kg. Với số lượng con giống đã thả, anh ước tính sản lượng khi đến kỳ thu hoạch sẽ đạt khoảng 5 tấn cá, quy ra tiền mặt không dưới 150 triệu đồng. Hỏi lượng cá trong hồ còn khoảng bao nhiêu, anh chẳng trả lời, chỉ lắc đầu liên tục.

Đến đầu thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang hỏi thăm danh sách những người “khuynh gia bại sản” vì bão ở dải đất bãi ven đê sông Cầu, chúng tôi được ông Ngô Quý Thắng đang làm mộc ngừng tay cho biết, cả thôn có khoảng 15 hộ bị thiệt hại thủy sản do bão số 6 nhưng đau xót nhất là gia đình chị Ngô Thị Hương.

Từ năm 2007, gia đình chị mạnh dạn nhận thầu 4 mẫu đất ngoài đê sông Cầu, đầu tư hơn 200 triệu đồng đắp bờ, khoanh vùng thành 4 ao thả cá, trong đó ao thứ nhất nuôi cá trắm và mè, hiện đã đến kỳ thu hoạch, ao thứ 2 nuôi cá nhỡ, ao thứ 3 nuôi cá giống, diện tích còn lại được sử dụng để thực nghiệm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 12 triệu đồng tiền giống bây giờ bị nước lũ sông Cầu cuốn trôi hết.

Ngoài ra, 1.000 cây chuối đang ở thời kỳ ra buồng, 400 cây xoan, 50 cây vải, 40 cây mít, 40 cây ổi sai quả, toàn bộ ruộng ớt rộng khoảng 1 mẫu của gia đình đều chết do ngập úng kéo dài. Theo ước tính, cơn bão số 6 đã cướp mất của gia đình chị khoảng 200 triệu đồng bởi vậy giờ đây gia đình bỗng chốc trở thành trắng tay.

Không chỉ gia đình chị Hương, trên vùng đất bãi ngoài đê sông Cầu, nhiều nông dân ở xã Tam Giang đã bỏ ra bao mồ hôi và tiền bạc để cải tạo thành ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, rau màu nhưng đều mất trắng, như gia đình anh Ngô Văn Toàn, Ngô Văn Hùng, Ngô Thị Hân, Chu Văn Cường bị thất thoát thủy sản trị giá từ 10- 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình xây chuồng trại, nuôi vịt đẻ ngoài đê với số lượng vài ngàn con, khi nước dâng ngập tận mái nhà, chủ trại đành lùa vịt vào trong đê, nhốt vào nhà bếp, thậm chí sàn nhà ở, do môi trường sống thay đổi nên tỷ lệ đẻ trứng giảm xuống rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, trước khi vào mùa mưa bão xã đã khuyến cáo nhân dân nên thu hoạch ngay diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài đê, nhưng nhiều hộ không thực hiện, gây tổn thất nặng nề. Hiện nay, địa phương đang tích cực chỉ đạo các hộ tập trung tu bổ bờ bao, cải tạo môi trường ao nuôi, từng bước khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.

Bà Ngô Thị Nga, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Phong, sau khi thực hiện chủ trương ngừng đun đốt gạch thủ công, trên địa bàn các xã: Tam Giang, Đông Tiến, Yên Trung, Dũng Liệt, Tam Đa đã có một số hộ dân đấu thầu diện tích thùng lấy đất đầu tư cải tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản.

Đây không phải là chủ trương của huyện cũng như chính quyền các địa phương và mặc dù không dễ để đánh giá mức độ thiệt hại do ngập úng gây ra đối với các hộ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trước những thiệt hại không thể chống đỡ do thiên tai gây ra, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để giảm bớt tổn thất, từng bước khôi phục, phát triển sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống.


Related news

giai-phap-sinh-san-nhan-tao-giong-thuy-san Giải Pháp Sinh Sản Nhân… tha-ca-ban-dia-bao-ton-thuy-san-nuoc-ngot-qui-tren-song-tien Thả Cá Bản Địa, Bảo…