Mô hình kinh tế Nhiều Vùng Nuôi Tôm Thiệt Hại Nặng

Nhiều Vùng Nuôi Tôm Thiệt Hại Nặng

Publish date Saturday. October 19th, 2013

Nhiều ao nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị hư hại do bão số 11. Ngay sau bão, các chủ hồ tôm đang nỗ lực tìm cách khắc phục.

Sau bão số 11, dọc theo các vùng nuôi tôm ven sông Trường Giang, nhiều chòi canh tan nát. Nước sông ngập tràn các cánh đồng tôm. Nhiều ao nuôi tôm trống hoác, xói lở. Ông Nguyễn Xuân Ban (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) than vãn: “Nghe dự báo thời tiết biết bão lớn, 5 thành viên trong gia đình đều dồn sức đối phó nhưng vẫn trở tay không kịp. Bão đến nhanh, lũ kéo theo cuốn trôi hết lượng tôm đang chờ ngày thu hoạch”.

Ông Ban ước tính, cả 4 hồ tôm có tổng diện tích 16.000m2 thu hoạch tất thảy cũng được gần 50 tấn. Với giá tôm hiện tại, bán cũng được khoảng 500 triệu đồng nhưng giờ thì mất trắng. Tại thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình), nhiều máy bơm bị ngâm nước từ 2 ngày qua đang được người dân vớt lên sửa chữa. Tại thôn Vịnh Giang (Bình Nam), nhiều dàn quạt tạo oxy nằm chỏng chơ quanh ao.

Ngồi lặng lẽ trong chòi lá, ông Ngô Văn Sở buồn bã: “Đáng ra lúc này bà con chúng tôi chuẩn bị thu hoạch tôm, nhưng giờ thì trôi hết rồi. Mất trắng 3 ao tôm vụ này, gia đình lại lâm vào cảnh nợ nần”.

Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển cũng bị bão số 11 tàn phá dữ dội. Nhiều nông hộ mất trắng hồ tôm. Ông Nguyễn Công Tài (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải) chia sẻ: “Dù có sự chuẩn bị ứng phó với bão khá kỹ, nhưng gia đình cũng không thể làm gì được khi bão giật quá mạnh.

Chúng tôi đành nhìn sóng biển xối xả quất tan 5 ao tôm”. Theo ông Tài, dù hệ thống cấp thoát nước của 5 ao tôm được gia đình đầu tư rất kỹ nhưng bão đã lấp kín ống thoát nước, mưa lớn khiến tôm nuôi tràn hết ra ngoài. Sau khi bão tan, gia đình phải thuê người đi nhặt tôm rơi vãi. Còn ông Lý Văn Định (thôn 6, xã Tam Hòa, Núi Thành) thì tiếc nuối: “Mặc dù đã cố gắng giữ tôm bằng cách gia cố bờ ao nhưng bão lớn đã làm sạt lở hoàn toàn nhiều ao nuôi. Trắng tay rồi không biết lấy gì để nuôi trở lại đây”.

Nhiều nông hộ bị mất tôm lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng nỗi lo vẫn chất chồng khi môi trường nuôi tôm bị biến đổi đột ngột, trong khi đó điện lưới vẫn chưa có trở lại để cứu tôm nuôi. Ông Nguyễn Văn Ba, chủ hộ nuôi tôm trên diện tích 20.000m2 ở thôn Phước An 1 (xã Bình Hải) cho biết, do bão số 11, ông mất trắng 6 ao tôm.

Để duy trì tôm trong 4 ao còn lại, mỗi ngày ông phải chi thêm hàng chục triệu đồng mua dầu diezen chạy quạt nước tạo oxy bằng máy nổ. Ngoài ra, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng sau bão, cộng với nguồn nước bên ngoài xâm nhập nên tôm nuôi dễ bị “sốc môi trường”, nguy cơ dịch bệnh rất cao nhưng điều kiện hiện tại rất khó để khắc phục, xử lý…

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, bão số 11 đã làm hơn 163ha tôm nuôi trên toàn tỉnh bị hư hại, thất thoát khoảng 64 tấn tôm, thiệt hại 4,5 tỷ đồng. Trong đó huyện Núi Thành có 120ha ao nuôi tôm bị ngập, hư hại, thất thoát khoảng 37 tấn tôm, thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.


Related news

thu-hoach-tom-cong-nghiep Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp thieu-lien-ket-dn-va-nong-dan-nuoi-ca-tra-deu-be-keo Thiếu Liên Kết, DN Và…