Những Cái Bẫy Trên Bờ
Làm gì chẳng cần vốn, nhưng chính vì nhu cầu tiền vốn quá lớn của nghề đi biển mà ngư dân rơi vào những cạm bẫy, rủi ro ngay ở trên bờ.
Ngư dân đang cần gì? Chúng tôi đã mang câu hỏi ấy đi dọc dải biển Quỳnh Lưu và ở đâu cũng nhận được câu trả lời: Cần vốn. Làm gì chẳng cần vốn, nhưng chính vì nhu cầu tiền vốn quá lớn của nghề đi biển mà ngư dân rơi vào những cạm bẫy, rủi ro ngay ở trên bờ.
Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò... đi biển hết
Xưởng đóng tàu Hồ Bình ở xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Hai con tàu công suất gần 800 CV trơ bộ khung nằm phơi nắng, phơi mưa nhìn rất thảm hại. Tô Hùng và Nguyễn Văn An, hai ông cổ phần của hai con tàu xoa tay liên tục trình bày với chủ xưởng Hồ Bình xin đẩy nhanh tiến độ vì thời điểm hạ thủy theo dự kiến sắp đến. Ông Bình uống ngụm nước chè xanh, nghe trình bày hết đầu đuôi xong rồi phủi tay... đi ngủ.
Trước khi đi, ông chủ xưởng tàu quay ra phán một câu khiến cả Hùng và An tiu nghỉu: Các ông không đóng tiền thì chúng tôi đóng vào mắt à. “Từ khi đóng tàu tui sụt mất 6 kg, còn thằng An sụt mấy 10kg. Hết của xoay tiền rồi. Chủ xưởng đòi tiền trả công nhân mới chịu đóng tiếp, nhưng quả thật là chúng tôi hết lực rồi. Ngư dân bọn tui muốn đầu tư vào biển lắm, nhưng khổ cái là chẳng được hỗ trợ gì. Tất tần tật đều phải tự thân vận động”, Nguyễn Văn An phàn nàn.
Tổ đội sản xuất của Tô Hùng gồm 8 anh em. Sau nhiều năm đi bạn ngang cho các chủ tàu cá họ quyết định góp vốn đóng riêng một con tàu để làm ăn. Theo tính toán ban đầu mỗi người sẽ đóng góp hơn 700 triệu đồng sau đó làm hợp đồng với chủ xưởng. Hợp đồng ký chưa ráo mực, cả 8 anh em bắt đầu chiến dịch xoay tiền.
Trâu bò, lợn gà, tất cả những thứ gì có giá trị trong nhà đều bán sạch. Chồng về bên nội, vợ về bên ngoại vận động anh em, họ hàng, làng xóm... Gia sản của người miền biển chẳng có nhiều, có thương nhau, nể tình máu mủ ruột rà đến mấy thì cũng chỉ may mượn được vài ba chục triệu là kịch. Thành thử, muốn đầu tư đóng tàu chỉ có hai con đường: Hoặc vay ngân hàng, hoặc vay nóng lãi suất cao.
Cả hai cách ấy ngư dân đều đang ngán, đều sợ hãi. Vay ngân hàng thì thủ tục nhì nhằng, vay nóng dễ mất nhà, mất cửa. Năm 2008, nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu từng rộ lên phong trào vay nóng đóng tàu. Nhiều chủ tàu thất bại, mất cả ruộng vườn phải bỏ làng mà đi.
Từ khi nghề đóng tàu đi biển công suất lớn ở huyện Quỳnh Lưu phát triển, nhiều ngân hàng về mở các chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giao dịch đến tận từng xã. Tiếng là để hỗ trợ ngư dân nhưng thực chất chẳng mấy ngư dân tôi gặp thấy mặn mà với kênh vay vốn này.
Để hoàn thiện con tàu công suất 800 CV, tổ đội sản xuất của Tô Hùng cần 6,5 tỷ đồng. 8 thành viên huy động hết nội lực, hết nguồn vốn trong anh em, họ hàng mình được tầm 2,5 tỷ. 4 tỷ đồng còn lại là phần khó nhất, phải vay ngân hàng hoặc vay nóng.
Nhắc đến chuyện vay ngân hàng, ban đầu các chủ tàu đều cố đánh trống lảng. Với họ, ngân hàng giống như một thế lực bất khả xâm phạm, có bức xúc đến mấy cũng không dám mở miệng vì sợ thù hằn, đến lúc cần vay lại bị gây khó dễ.
Nhưng có lẽ do bức xúc lâu ngày, cộng thêm tâm trạng đang bí bách nguồn vốn quá mà cuối cùng Tô Hùng nói thẳng tuột thế này: “Bọn tui gom được 10 cái sổ đỏ, lập dự án gửi ngân hàng hai tháng nay rồi mà chưa thấy cán bộ xuống thẩm định. Mà kể cả có được vay thì kịch kim cũng chỉ được tầm 1,5 tỷ đồng.
Đấy là chưa kể còn phải phần trăm, bôi trơn cho những người thực hiện. Nhiều ông ngân hàng còn đòi trích thẳng 10% cho mỗi dự án, nếu các chủ tàu không chịu chi tiền thì thôi. Họ có đủ lý do để bắt bẻ, để đánh đố người dân. Mình không chi tiền thì không vay được, mang hồ sơ về mà đi vay nóng bên ngoài. Mà vay nóng có nghĩa là chết. Năm 2008, ngư dân vùng này từng phải đi vay nóng với lãi suất 20%, nhiều người sạt nghiệp, sống điên điên dở dở”.
Câu chuyện vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu, đích thân ông Phạm Anh Tuyến, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long chia sẻ: “Rất nhiều lần tôi phải đóng vai ngư dân đi vay vốn ở các ngân hàng để xem mức độ khổ sở như thế nào.
Mà khổ thật chú ạ. Có ngân hàng cũng cho dân vay, nhưng trong hợp đồng cài vào các điều khoản như sau 3 tháng phía ngân hàng có quyền điều chỉnh lãi suất. Điều chỉnh ở đây thường là tăng lên, bắt bí người dân, dân đang cần tiền nên phải chịu”.
Cả chuyện thời hạn vay cũng được các chủ tàu thi nhau “tố cáo”. “Chúng tôi phải vay theo lãi suất bình thường, 10-12%/năm, không được ưu đãi gì nhưng thời hạn vay chỉ có hai năm. Làm nghề đi biển, để đóng một con tàu mất gần một năm rồi, một năm còn lại có là thánh cũng không kiếm đủ tiền hoàn trả ngân hàng”, họ nói.
Sập bẫy đầu nậu
“Đóng cả con tàu 5-6 tỷ bạc mà không được thế chấp ngân hàng kể cũng lạ. Ngân hàng lấy lý do chúng tôi không mua bảo hiểm tàu, bảo hiểm thuyền viên...
Nhưng mua bảo hiểm bây giờ nhiều tiền quá. Do nghề đi biển gặp rủi ro cao nên các công ty bảo hiểm thường bắt mua 20-30% giá trị tàu. Một năm riêng tiền bảo hiểm mất cả trăm triệu đồng rồi. Tiền đâu ra”, chủ tàu Tô Hùng thắc mắc.
Đi sâu vào tìm hiểu chuyện đầu tư, thu nhập của ngư dân ở miền biển Quỳnh Lưu mới thấy, dường như họ đang bị cô lập, luẩn quẩn trong cái bẫy đói vốn giá dầu cao, giá cá thấp. Lối thoát gần như không có khi mà các chính sách hỗ trợ còn mập mù.
Cửa ngân hàng khó vay, cửa huy động nguồn vốn gia đình hạn chế, dần dà ngư dân Quỳnh Lưu rơi vào bẫy của các đầu nậu lớn trong vùng. “Nếu đứng ở cảng cá Lạch Quèn vào một ngày tàu từ ngoài khơi về mới thấy ngư dân bọn tui khổ đến mức nào”, thuyền trưởng Hồ Văn Tam ở xã Quỳnh Nghĩa nói thế.
Tôi theo ông Tam ra cảng. Lạch Quèn chỉ dài chưa đầy 200m, là chỗ neo đậu của hơn 1.000 con tàu công suất lớn. Giờ thủy triều lên, các tàu chen lấn nhau vào cảng, gỗ ván kêu răng rắc. Chỉ cần các thao tác điều khiển chậm một vài phút thì tàu không thể cập cảng.
Đây chính là thời điểm thương lái từ các vùng lân cận đổ về bắt đầu tung chiêu trò. Ép giá, mua nợ, hạch sách chủ tàu... “Những ngày tàu vào đông thế này, giá cá, giá tôm, giá mực bị ép xuống chỉ còn một nửa. Mỗi ngày tàu chỉ cập cảng được có một chuyến lúc thủy triều lên sau đó lại phải ra ngoài cửa biển neo đậu nên giá nào cũng phải bán cả”.
Thì ra bây giờ ở Quỳnh Lưu có thực trạng, các chủ đầu nậu buôn bán hải sản bỏ tiền ra cho ngư dân vay cổ phần tàu kèm theo điều khoản: Cá tôm đánh bắt chỉ được phép bán cho bọn chúng. Đi biển là cả quá trình đầu tư tiền bạc dài hơi. Đầu tư đóng tàu, tu bổ máy móc...
Đụng đến đều tiền chục triệu, trăm triệu cả. Những ông chủ tàu trong lúc quẫn bách tưởng là vớ được phao nhưng thực chất bị bóc lột vô cùng thê thảm. Nhiều chuyến tàu cập cảng chở từ 5-10 tấn cá tươi rói nhưng chẳng cầm được đồng bạc nào. Đến lúc ra khơi, thiếu tiền dầu lại đến lạy lục các đầu nậu, rất khổ sở. Vừa phải chịu lãi suất cao, vừa bị ràng buộc, ép giá nhưng không có cách nào để thoát.
Những chủ tàu như ông Tam nói rằng, chỉ cần nhà nước đầu tư cải tạo Lạch Quèn sâu thêm 1-2m, giả sử có huy động người dân đóng tiền thì ai cũng sẵn sàng. Vậy nhưng không thấy ai đứng ra kêu cho ngư dân một tiếng. Nhắc đến chuyện này tôi lại nhớ lời ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy: UBND tỉnh Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân rồi.
Nhưng chỉ quan tâm ở góc độ tinh thần là chính. “Mỗi tàu cá có công suất trên 400CV được hỗ trợ 54 triệu đồng, gặp rủi ro được hỗ trợ 6 triệu, mất mạng người được hỗ trợ 4,5 triệu. Tiếng thế thôi chứ chẳng mấy khi nhận được hỗ trợ cả”.
Đơn giản như chuyện giá dầu cũng khiến ngư dân thấy tủi thân. “Mỗi chuyến ra khơi, một con tàu bình quân tốn gần 4.000 lít dầu. Giá dầu lúc lên thì nhanh, lúc xuống thì chậm. Đã thế chúng tôi còn phải chịu giá dầu tính chung với phí cầu đường. Ngư dân đi biển thì liên quan gì đến đường? Sao nhà nước không khấu trừ bớt cái khoản ấy cho ngư dân”?
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao