Tin thủy sản Những giải pháp kỹ thuật chính trong nuôi tôm hai giai đoạn

Những giải pháp kỹ thuật chính trong nuôi tôm hai giai đoạn

Author Ngọc Khuê, publish date Saturday. July 21st, 2018

Sóc Trăng hơn 45.000 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh khoảng 39.000 ha, tập trung ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Năm 2017, sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 140.700 tấn, góp phần đáng kể cho xuất khẩu thủy sản tỉnh nhà.

Công tác vệ sinh đáy ao trước khi đưa nước vào nuôi

Trong các vụ nuôi, diện tích tôm thiệt hại vẫn luôn là nỗi lo, ngoài việc tôm chết do virus đốm trắng thì tình trạng bệnh do hoại tử gan tụy cấp gây chết sớm vẫn chưa có xu hướng giảm. Để hạn chế thiệt hại nhiều giải pháp kỹ thuật quản lý được đưa ra như nuôi tôm kết hợp cá rô phi, cá chẽm (nuôi nước trước nuôi tôm); quy trình nuôi trong hệ thống tuần hoàn khép kín và nuôi tôm hai, ba giai đoạn... được người nuôi áp dụng khá phổ biến và cho thấy hiệu quả khá ổn định.

Nuôi tôm hai giai đoạn được áp dụng từ nhiều năm trước, chủ yếu là giai đoạn ương và giai đoạn thả lan thường thấy trong nuôi tôm sú. Giải pháp kỹ thuật này những năm gần đây được phát triển ở mức cao hơn, đặc biệt khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển đến mức siêu thâm canh, thâm canh mật độ cao, mục đích nhằm rút ngắn thời gian nuôi, nâng mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó Phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, cho biết: “Mục đích của nuôi tôm hai giai đoạn là tăng sản lượng rất đáng kể (vì nuôi mật độ từ vài trăm đến ngàn con/m2; hạn chế dịch bệnh EMS; rút ngắn thời gian nuôi (ương và san thành nhiều ao); giảm chi phí, giá thành (nhiên liệu, vật tư đầu vào, nhân lực…); giảm áp lực về môi trường nước mặt ô nhiễm do thâm canh”

Chạy quạt quản lý môi trường ao nuôi giai đoạn đầu thả tôm

Kỹ thuật hai giai đọan ương và nuôi tôm

Giai đoạn 1- giai đoạn ương: Nước đã xử lý từ ao chứa được bơm vào ao ương, tiến hành gây màu tạo thức ăn tự nhiên và tảo, vận hành hệ thống oxy đáy, quạt và tạo dòng chảy, bón vi sinh, khoáng và kiểm tra các yếu tố môi trường thật ổn định mới tiến hành thả giống. Thả giống ở mật độ cao từ 700 – 2.000 con/m2, thời gian ương từ 25 – 30 ngày, tuy ương ở mật độ cao nhưng trang thiết bị đầy đủ, môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn nên tôm ít bệnh, chi phí quản lý giảm do diện tích ương nhỏ.

Qua giai đoạn ương, tôm có trọng lượng khoảng 1gr được đưa vào ao nuôi tiếp giai đoạn 2. Lưu ý, khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không đang chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàn ăn lên… Nếu tôm yếu không nên san bằng thủ công như chài, kéo lưới… tốt nhất nên dưỡng tôm thêm vài ngày, bổ sung thêm khoáng, beta glucan, vitamin C giúp tôm khỏe lên rồi mới tiến hành san tôm.

Giai đoạn 2- giai đoạn nuôi thương phẩm: Nước trong ao nuôi được chuẩn bị kỹ đảm bảo các chỉ tiêu môi trường nằm trong khoảng thích hợp và ổn định. Đặc biệt trước khi san tôm cần kiểm tra môi trường giữa ao ương và ao nuôi, các chỉ tiêu như pH, độ kiểm, nhiệt độ… chênh lệch không quá lớn tránh gây sốc cho tôm. San tôm bằng cách mở cống, ống thông: giữa ao ương và ao nuôi có sự chênh lệch độ sâu nên khi mở cống hoặc ống thông nhau tôm sẽ được chuyển sang ao nuôi có diện tích lớn hơn để nuôi tiếp giai đoạn 2.

San tôm bằng lưới kéo hoặc chài: san lúc trời mát và kéo dài trong vài ngày, thuận lợi trong phương pháp này là định lượng được số tôm san qua ao nuôi, có thể dùng 1 ao ương san cho nhiều ao nuôi. Trong điều kiện môi trường nước mới, diện tích rộng hơn, mật độ nuôi được san thưa, tôm phát triển nhanh, sau 30 – 60 ngày nuôi có thể thu hoạch tôm thương phẩm với kích cỡ khác nhau tùy vào mật độ, nhu cầu giá cả thị trường, tình hình sức khỏe tôm…

Mô hình nuôi tôm phủ bạt đáy, có mái che

Một số mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn hiệu quả.

Mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Him Lam, ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, gồm hệ thống công trình và trang thiết bị hiện đại. Toàn bộ hệ thống được bao trong nhà kính có ao, bể chứa thu nước từ hệ thống ao ương, ao nuôi để tách đạm và làm sạch nước; có ao nuôi tảo để cấp nước cho ao nuôi và hệ thống ao ương, ao nuôi liền kề có cống san tôm chủ động, toàn bộ đều được trải bạt nhựa.

Nhìn chung, quy trình gần như khép kín, chỉ có hệ thống ao lắng, xử lý nước từ nguồn bên ngoài, cấp cho hệ thống và cấp bù khi cần thiết cho hệ thống ao ương nuôi trong nhà kín. Hệ thống ao ương ao nuôi có bố trí sụt khí và tạo dòng chảy liên tục, chất thải được thu gom giữa ao và được xi phông vào ao chứa, tách đạm, xử lý và tái sử dụng. Bình quân ao ương 1.000 m2 thả 1 triệu con giống, sau 30 ngày qua ao nuôi 2.000 m2, thời gian nuôi thêm 30 ngày thu hoạch 10 tấn tôm kích cỡ 100 con/kg, nắng suất 50 tấn/ha.

Mô hình ngoài trời được khá nhiều trang trại và hộ nuôi có diện tích lớn thực hiện như hộ ông Huỳnh Khánh Lượng ở xã Trung Bình, có hệ thống công trình hoàn chỉnh gồm: Ao lắng, lọc phù sa, ao xử lý, ao chứa, ao ương 1.000 m2 thả 600 – 700 con/m2, sau 30 ngày ương san qua 2 ao nuôi 2.000 m2/ao, mật độ bình quân 150 con/m, sau 60 ngày đạt kích cỡ 40 – 45 con/kg thu hơn 7 tấn mỗi ao.

Hộ ông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu có ao ương hình tròn 150 m2 thả 330.000 con, ương trong 25 ngày san qua ao nuôi 1.500 m2, nuôi thêm 45 ngày tôm đạt 58 con/kg, ông thu tỉa hơn 2,4 tấn, số tôm còn lại nuôi tiếp thêm 12 ngày đạt cỡ 40 con/kg. Tổng cộng sản lượng tôm thu sau 2 đợt là 7.600 kg, lợi nhuận gần 500 triệu đồng.

Cho tôm ăn

 Thực tế nuôi 2 giai đoạn không phải lúc nào cũng thành công. Vần đề thường gặp là tôm vẫn bị bệnh và chết trong cả giai đoạn ương, san và giai đoạn nuôi thịt. Theo Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, để thực hiện nuôi tôm hai giai đoạn cần phải đáp ứng những vấn đề sau đây:

 - Cơ sở vật chất kỹ thuật phải được trang bị đầy đủ: có hệ thống điện 3 pha và máy phát điện dự phòng, hệ thống quạt, oxy đáy, hệ thống xiphong…Công trình hoàn chỉnh, ao ương, ao nuôi lót bạt đáy và bờ, hệ thống nhà kín, nhà lưới, hệ thống ao xử lý, nước cấp…

- Nhân lực có trình độ quản lý cao, am hiểu kỹ thuật và có thiết bị đo đạc, để kiểm soát môi trường, mầm bệnh. Nguồn vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh chất lượng và được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài những vấn đề nêu trên, kinh nghiệm thực tế từ những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn thành công từ nhiều nơi như công ty Trúc Anh, công ty Việt Úc, công ty CP… đều áp dụng quy trình công nghệ nuôi như Biofloc, sử dụng tích cực vi sinh, chế phẩm sinh học, EM….

Nói chung, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là gắn liền với công nghệ nuôi sinh học và chỉ có giải pháp sinh học mới giải quyết tốt tính ổn định và bền vững về môi trường, từ đó giảm rủi ro, đặc biệt trong điều kiện ương, nuôi mật độ cao theo xu hướng nuôi hai giai đoạn trong thâm canh, siêu thâm canh hiện nay.


Related news

tang-cuong-bien-phap-phong-chong-ret-trong-nuoi-trong-thuy-san Tăng cường biện pháp phòng,… nguoi-dan-ong-nuoi-ca-mu-nghe-80-kg-o-vung-tau Người đàn ông nuôi cá…