Những Giống Lúa Lai Thích Nghi Với Độ Mặn Cao
Đề tài Tuyển chọn các giống lúa chịu mặn thích nghi với vùng canh tác lúa chịu ảnh hưởng mặn ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chính thức triển khai từ năm 2011 đến năm 2013.
Trong thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là hiện tượng nước biển dâng. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người nông dân, đặc biệt là đối với nông dân sản xuất lúa. Trước thực trạng này, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) đã thực hiện việc lai tạo, thanh lọc và tuyển chọn các giống lúa chịu mặn cao, góp phần giúp nông dân đảm bảo sản lượng lúa trên diện tích đất trồng trong điều kiện độ mặn trên 4%o.
Mục đích của đề tài này hướng đến mục tiêu tuyển chọn các giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đất canh tác lúa bị ảnh hưởng mặn do xâm nhập mặn từ vùng canh tác tôm và vùng khôi phục trồng lúa sau khi chuyển đổi từ trồng lúa - tôm, nuôi tôm không phù hợp, kém hiệu quả, đồng thời chủ động ứng phó với tác động của BĐKH nước biển dâng.
Trước khi thực hiện đề tài này, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tiến hành các bước đánh giá bộ giống triển vọng và thanh lọc mặn nhân tạo tại Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Cần Thơ). Đề tài này được thực hiện trên 73 giống lúa ban đầu và chọn lọc được bộ giống gồm 8 giống có triển vọng nhất. Cụ thể: OM 9915, OM 9916, OM 9921, OM 10636, OM 9577-1, OM 9584-4, MTL 580 và MTL 689. Đặc tính của các giống lúa này đều có khả năng chịu mặn cao, độ mặn tối đa khoảng 6 phần ngàn. Tuy nhiên, độ mặn lý tưởng để cho các giống lúa này đạt năng suất là khoảng 4 phần ngàn.
Chị Lê Huyền Trang - cán bộ kỹ thuật phụ trách đề tài Tuyển chọn các giống lúa chịu mặn, cho biết: Đến nay, đề tài này đã tuyển chọn được bộ giống gồm 8 giống, có khả năng chịu mặn từ 3 phần ngàn đến 6 phần ngàn, độ mặn trung bình và thường xuyên là 4 phần ngàn. Năng suất trung bình các giống lúa khá ổn định qua các vụ thử nghiệm, đạt cao nhất từ 4,5 đến 5,5 tấn/ha ở độ mặn 4 phần ngàn. Với kết quả này, việc phát triển bộ giống trên tại các địa phương là rất triển vọng, phù hợp với mục tiêu là cung cấp bộ giống chịu mặn cho vùng bị nước mặn xâm nhập sâu, vùng canh tác tôm và vùng khôi phục trồng lúa sau khi chuyển đổi từ trồng lúa - tôm, nuôi tôm không phù hợp.
Từ vụ Đông - Xuân năm 2011 - 2012, sau khi triển khai sản xuất thử và đánh giá khả năng chống chịu và thích nghi tại các địa phương, một số giống đã được nông dân đánh giá cao và chọn đưa vào sản xuất đại trà. Điều này đang mở ra một xu hướng phát triển mới, mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chịu mặn cao trong thời gian tới. Số liệu ghi nhận tại các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú cho thấy, diện tích sản xuất thực tế các giống lúa: OM 9921, OM 9915, OM 9916 và OM 10636 là 13ha, tổng sản lượng lúa thu hoạch khoảng 95 tấn. Trong đó, giống lúa đạt năng suất cao nhất là OM 9921, với sản lượng đạt từ 6 đến 7 tấn/ha.
Nói về đặc tính giống lúa OM 9921, chị Huyền Trang cho biết: Giống lúa này có nguồn gốc từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian sinh trưởng từ 100 đến 110 ngày. Khả năng nhảy chồi mạnh, tối đa có thể đến 12 chồi. Chiều cao cây trung bình khoảng từ 110 đến 113cm. Giống lúa này có lá đòng to, ngắn, bông chùm, nhiều bông con, dấu bông. Giống lúa OM 9921 có khả năng chịu mặn từ 3 đến 4%o và kháng sâu bệnh khá.
Có thể nói, việc lai tạo, thanh lọc và tuyển chọn các giống lúa có khả năng chịu mặn cao của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với người nông dân trồng lúa trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tác động của BĐKH ngày càng có chiều hướng tăng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao