Tin nông nghiệp Những lớp học FFS và IPM thành công

Những lớp học FFS và IPM thành công

Author Nguyễn Huân, publish date Friday. September 15th, 2017

Những năm gần đây, Hà Nội nổi lên là địa phương đi đầu trong việc áp dụng lớp học đồng ruộng (FFS) về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, đặc biệt là trong sản xuất rau an toàn.

Trong đó, rất nhiều kỹ thuật mới tổng kết từ thực tiễn đã được Chi cục BVTV Hà Nội nghiên cứu, áp dụng thành công.

Hà Nội rất thành công mô hình FFS và IPM trong sản xuất rau an toàn

Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, IPM viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Integrated Pest Management”, có nghĩa là quản lý dịch hại tổng hợp hay điều khiển dịch hại bằng tổng hợp các biện pháp...

IPM/FAO có 4 nguyên tắc cơ bản: (1) Trồng cây khỏe, (2) bảo tồn thiên địch, (3) thăm đồng thường xuyên, (4) nông dân thành chuyên gia. IPM/FAO không những chú ý đến yếu tố tự nhiên, môi trường sinh thái, kỹ thuật mà còn chú ý tới yếu tố xã hội của áp dụng IPM với chủ thể là nông dân quyết định áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên phải đào tạo kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng huấn luyện, kỹ năng hoạt động tập thể cho nông dân.

Thực hiện 4 nguyên tắc của IPM chính là thực hiện IPM theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, hướng hữu cơ sinh học thông qua lớp học đồng ruộng. Để IPM theo hướng hữu cơ, sinh học phải thực hiện triệt để nguyên tắc trồng cây khỏe và các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học có ý nghĩa quan trọng, trong đó canh tác tiên tiến áp dụng biện pháp bón khô dầu đậu tương, bột đậu tương cho rau, quả, chè, lúa, cho các cây trồng, áp dụng giống lúa đặc sản, bản địa cấy mật độ siêu thưa có ý nghĩa quyết định. Chương trình IPM do Chi cục BVTV Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua khá thành công.

FFS tăng cường khả năng chủ động của nông dân trong quyết định ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Giảm chi phí sản xuất nhất là chi phí BVTV, tăng hiệu quả kinh tế. Đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Lập lại cân bằng sinh thái tự nhiên góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hồng, hoạt động chính của IPM là tổ chức cho nông dân tham gia các lớp học đồng ruộng và các kỹ thuật mới tổng kết từ thực tiễn để chuyển giao cho nông dân.

Phương pháp truyền đạt là cầm tay chỉ việc; học tập trực tiếp, thực hành trên đồng ruộng và trao đổi để học, hay nông dân học tập từ thực tế và kinh nghiệm. Từ đó, nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.

Học viên được chiêm nghiệm thực tế thông qua điều tra hệ sinh thái đồng ruộng hàng tuần, được học các biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ cây trồng... Sau khi kết thúc, các học viên sẽ có một bài kiểm tra cuối khóa, những người đạt đủ điểm mới được cấp giấy chứng nhận.

“Để chương trình nhanh chóng “phủ sóng” đến các địa phương, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã “khăn gói” về tận các thôn, bản thực hiện “ba cùng” với bà con nông dân”, ông Nguyễn Duy Hồng chia sẻ.

Với phương pháp học tập hiệu quả nên Hà Nội là địa phương triển khai ứng dụng FFS về IPM rất sớm. Từ năm 1993 - 2017 được sự giúp đỡ của FAO, ADDA, DANIDA, các tổ chức quốc tế và thành phố Hà Nội, Chi cục BVTV cử đi đào tạo bằng nguồn kinh phí của FAO, các tổ chức quốc tế cho 117 giảng viên IPM lúa, rau; đào tạo bằng nguồn kinh phí thành phố, huyện 21 khóa IPM lúa với 595 giảng viên; 12 khóa IPM rau với 278 giảng viên.

Tổ chức 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân; trong đó: rau 1.641 lớp, lúa 1.709 lớp (IPM, SRI, Bucap, quản lý bệnh hại lúa, OBV, chuột, học sinh), hoa 46 lớp, ngô 2 lớp, lạc 2 lớp, đậu tương 2 lớp, chè 3 lớp, cây ăn quả 6 lớp, cho 100.793 người; mỗi lớp 30 người, học suốt vụ với 14-16 buổi, mỗi tuần một buổi. Tổ chức 953 lớp nghiên cứu cho 18.000 nông dân học suốt vụ với 14 - 16 buổi, mỗi tuần một buổi. Tổ chức 205 lớp mô hình SRI học 6 buổi theo giai đoạn của cây lúa (từ 4 - 50ha) với diện tích 4.272ha cho 18.000 nông dân.

Tính đến hết năm 2016, diện tích diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất của Hà Nội đạt trên 5.000ha, rau hữu cơ trên 50ha, năng suất rau tăng 53% (năm 2000: 13,1 tấn/ha, năm 2016: 21 tấn/ha), có trên 1.200ha rau giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học khoảng 60%, số lần sử dụng thuốc giảm 30%, chi phí sử dụng thuốc giảm 50%, hàng năm phân tích đa dư lượng 300 - 1.000 mẫu rau điển hình, tỷ lệ mẫu rau tại cơ sở sản xuất vượt dư lượng tối đa cho phép 1 - 2%, rau Hà Nội cơ bản an toàn.


Related news

theo-chan-lop-hoc-tien-phong-ve-globalgap Theo chân lớp học tiên… nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-12-18-9 Những dịch bệnh hại cần…