Trồng lúa Những thiên địch có ích trên đồng lúa

Những thiên địch có ích trên đồng lúa

Author Gs.TS Nguyễn Lân Dũng, publish date Thursday. December 17th, 2020

Xin cho biết những loài thiên địch có ích trên cánh đồng lúa? (Hoàng Thị Mười, Tân Châu, An Giang)

Theo các thông tin trên mạng thì thường gặp các loài thiên địch sau đây, chúng có tác dụng diệt sâu hại trên cánh đồng lúa và nhiều cây trồng khác.

Nhện nước: Tên khoa học là Lycosa psseudoannulata, có 8 chân cao như gọng vó, trên lưng có màu xám hoặc xanh đen, có hình cái nĩa màu trắng trên lưng. Nhện nước làm tổ trong những đám cỏ, rơm rạ mục trong ruộng lúa ngập nước hay ruộng cạn. Con cái thường đẻ khoảng 200 - 600 trứng trong 3 - 4 tháng vòng đời của chúng, mỗi lần đẻ 80 trứng trong một ổ và vác ổ trứng trên lưng. Khi ruộng lúa xuất hiện bướm sâu đục thân, sâu cuốn lá hoặc rầy nâu, chúng tìm đến dùng vòi hút chất dinh dưỡng bên trong con mồi. Gặp trứng của rầy nâu, chúng ăn từ 5-15 trứng/ngày. Mật độ nhện càng tăng khi số sâu hại tăng, khống chế được sâu hại không tăng quá lớn để phá hại cây trồng.

Kiến ba khoang: Tên khoa học là Coleoptera spp., có màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành một khoang đen. Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, các đống rơm rạ mục ngoài ruộng. Chúng làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Khi ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá hay rầy nâu, chúng tìm đến, chui vào những tổ sâu, ăn thịt từng con. Trung bình mỗi con kiến ba khoang có thể ăn từ 3 - 5 con sâu non/ngày. Sự xuất hiện của kiến ba khoang đã làm cho mật số của sâu hại giảm đáng kể và bảo vệ lúa không bị phá hại, giảm bớt việc dùng thuốc hoá học, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.

Ruồi xám: Tên khoa học là Diptera spp., có màu xám, xen những sọc trắng, to hơn ruồi nhà, thân có nhiều lông (gai), đầu to, màu hồng hơi xám. Khi ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá lớn tấn công là chúng thường xuất hiện, tìm đậu lên lưng và đẻ trứng lên lưng ký chủ là sâu cuốn lá lớn. Trứng nở thành giòi và ăn thịt bên trong thân ký chủ. Sau khi ăn xong, chúng chui ra làm kén trên lá lúa và biến thành nhộng. Khoảng 4 ngày sau nhộng nở thành ruồi, cắn kén chui ra, được ba ngày chúng lại giao phối và tìm đến ký chủ mới để lập vòng đời thứ tiếp theo. Cứ như vậy ruồi xám hạn chế được mật số các loài sâu cuốn lá lớn.

Bọ đuôi kìm: Tên khoa học là Eborellia spp., có màu đen bóng, giữa các đốt bụng có khoang trắng và có điểm trắng đầu râu. Chúng thường sống ở những ruộng khô và làm tổ dưới đất ở gốc cây lúa. Mỗi con cái đẻ 200 - 350 trứng. Bọ đuôi kìm chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Chúng chui vào các rãnh do sâu đục thân đục để tìm sâu non hoặc trèo lên lá tìm sâu cuốn lá. Chúng có thể ăn 20 - 30 con mồi/ngày.

Bọ xít nước: Tên khoa học là Veliide spp., là loài bọ xít nhỏ, có vạch trên lưng, có nhiều trên ruộng lúa nước. Đối tượng của chúng là những con rầy non. Chúng ăn rầy non rơi xuống nước. Mỗi con bọ xít nước ăn từ 4 - 7 con bọ rầy/ngày.

Bọ xít mù xanh: Tên khoa học là Cytorbinus spp, màu xanh và đen, thường đẻ trứng vào mô thực vật, sau 2 - 3 tuần sẽ trưởng thành và có thể sinh sản từ 10 - 20 con non. Chúng thích ăn trứng và sâu non của các loài rầy. Chúng tìm trứng rầy ở bẹ lá và thân, dùng vòi nhọn hút kho trứng. Mỗi con ăn hết 7-10 trứng/ngày hay 1 - 5 con bọ rầy/ngày.

Bọ rùa đỏ: Tên khoa học là Micraspis sp. có hình ô van, màu đỏ nhạt hoặc chói. Bọ rùa đỏ hoạt động vào ban ngày, trên ngọn cây lúa, tìm ăn bọ rầy, sâu non và trứng rầy.


Related news

phong-tru-co-dai-cho-lua-gieo-sa-vu-dong-xuan Phòng trừ cỏ dại cho… benh-lem-lep-hat-giai-doan-lua-tro-quan-ly-nhu-the-nao Bệnh lem lép hạt giai…