Tin thủy sản Nigeria: Nuôi thủy sản thân thiện môi trường

Nigeria: Nuôi thủy sản thân thiện môi trường

Author Mi Lan- Theo Akinrotimi, Viện Nghiên cứu Thủy Hải sản Nigeria, publish date Friday. October 20th, 2017

Với tốc độ phát triển như vũ bão của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời gian qua, Nigeria đã phải đau đầu tìm giải pháp xử lý nước thải. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, chiến lược kiểm soát và xử lý nước thải tốt chính là chìa khóa đảm bảo sự bền vững cho ngành NTTS.

Nuôi cá ở Nigeria  Ảnh: Wixnews 

Nuôi trồng thủy sản tại Nigeria, khởi đầu tại trại nuôi cá Panyam ở Jos vào năm 1951. Tới  nay, nghề nuôi thủy sản đã lan rộng, đa dạng phong phú về quy mô, đối tượng nuôi tới môi trường nuôi; tuy nhiên, mô hình NTTS vừa và nhỏ phổ biến nhất. Khi hoạt động NTTS nở rộ sẽ kéo theo những tác động tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái. Do đó, một chiến lược giảm thiểu những tác động này được coi là chìa khóa quan trọng để mang lại sự bền vững cho ngành NTTS tại Nigeria.

Quy hoạch chuẩn

Quy hoạch trại nuôi đúng cách chính là bước đầu tiên trong chiến lược quản lý môi trường thủy sản bền vững. Trong quá trình thiết kế trại nuôi, người chủ trang trại đã có những định hướng đúng đắn và hợp lý về mô hình xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước xả thải từ các ao nuôi phải được nghiên cứu ngay từ giai đoạn thiết kế trại nuôi để giảm tích tụ nước thải và giúp quá trình xử lý nước thải hiệu quả hơn; như sử dụng bể dẫn kép để tinh lọc các chất rắn lắng đọng thành các mảnh nhỏ hơn, giúp lưu thông dòng chảy nước thải đã được xử lý từ đó cải thiện toàn bộ hệ thống nước thải.

Trong quá trình quy hoạch trang trại, một vài yếu tố như địa hình, quy mô sản xuất, đối tượng nuôi và chức năng hoạt động của trang trại cũng được xem xét kỹ lưỡng nhằm quản lý nước thải hiệu quả. Tuy nhiên, quy hoạch trang trại hiệu quả dựa trên nền tảng kiến thức tốt về môi trường như nước thải, điều kiện lắng đọng trầm tích và hệ sinh thái thủy sản cũng như vùng đất xung quanh trại nuôi.

Thức ăn chuẩn

Một loại thức ăn chứa các nguyên liệu và các thành phần dinh dưỡng dễ tiêu hóa chính là nhân tố chính ảnh hưởng tới nước thải của một hệ thống nuôi trồng thủy sản.

Do đó, giảm thiểu chất thải từ các vật nuôi thủy sản bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi. Các chất thải rắn chủ yếu trong trại nuôi thủy chính là các chất xơ từ ngũ cốc và nguyên liệu chế biến thức ăn có nguồn gốc thực vật mà cá/tôm không tiêu hóa hết. Giảm lượng thải rắn từ hệ thống nuôi thủy sản có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những nguyên liệu thức ăn dễ tiêu hóa với hàm lượng protein và béo cao và tránh xa những sản phẩm phụ từ ngũ cốc khó tiêu hóa. Ngoài ra, điều này còn giúp tăng vị ngon, sự dễ tiêu và mật độ năng lượng cho thức ăn và về lâu về dài giảm tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR). Các hộ nuôi được khuyến khích sử dụng biện pháp xử lý nước thải sinh học bằng tảo để phân tách chất dinh dưỡng như nitrogen và phosphorous để tái sử dụng.

Chiến lược cho ăn

Một chiến lược cho ăn gồm phương pháp, tỷ lệ và tần số cho cá ăn. Chiến lược cho ăn liên quan đến những giải pháp thay thế nhằm làm giảm lượng thức ăn dư thừa và tăng hiệu quả thức ăn. Thức ăn dư thừa và tỷ lệ thức ăn là hai yếu tố liên quan mật thiết tới nhau, dẫn đến tình trạng lượng chất thải càng cao khi tỷ lệ cho ăn cao.

Mỗi hộ nuôi cá lại sử dụng một chiến lược cho ăn khác nhau dể kiểm soát được lượng thức ăn ăn vào, từ đó giảm lãng phí thức ăn. Cho ăn bằng tay là phương pháp lâu đời và phổ biến nhất, đặc biệt ở Nigeria.

Tuy nhiên, ngày nay các hộ nuôi cá tại đây đã bắt đầu tiếp cận công nghệ cho ăn kiểu mới như sử dụng hệ thống khẩu phần ăn cố định và máy cho ăn tự động theo nhu cầu. Phần lớn các trại nuôi cá quy mô công nghiệp đều sử dụng máy cho ăn tự động theo nhu cầu để nâng cao tỷ lệ thức ăn ăn vào và giảm thiểu lượng chất thải. Lượng thức ăn ăn vào trong một ngày, hoặc giữa các ngày, tháng và năm luôn thay đổi. Do đó, để giảm lượng chất thải, thời gian tối ưu cho cá ăn cũng được điều chỉnh theo hoạt động ăn hàng ngày của từng đối tượng nuôi.

Bằng các biện pháp ở trên, các trại nuôi cá tại Nigeria đã dần tạo dựng được một ngành nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường.

>> Trong cuộc chạy đua bảo vệ môi trường thủy sản, Cục Bảo vệ môi trường Liên bang tại Nigeria (FEPA) là đơn vị đặt ra các luật lệ, quy định và giới hạn cho người nuôi. Điều này khẳng định, gốc rễ một ngành thủy sản bền vững và thân thiện môi trường chính là kỹ năng quản lý trang trại tốt, thường xuyên theo dõi trại nuôi với sự kết hợp linh hoạt giữa nông dân, nhà quản lý và nhà khoa học.


Related news

ky-thuat-nuoi-ech-thit-nhan-tenh-lai-lai-rong Kỹ thuật nuôi ếch thịt… nuoi-tom-khong-lo-nho-co-biowish Nuôi tôm không lo nhờ…