Tin nông nghiệp Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao

Author Anh Tùng, publish date Tuesday. February 14th, 2017

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững…

Trong ảnh: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tuyển chọn nhiều giống lúa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: VM

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hạn chế cơ bản của sản xuất nông nghiệp tỉnh ta hiện nay là manh mún, chưa tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa. Từ điểm yếu cơ bản này, nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhìn rõ vấn đề này, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học-công nghệ. Hàng loạt chính sách thu hút, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng đã được ban hành. Hoạt động nghiên cứu khoa học với đề tài về lĩnh vực nông nghiệp được ứng dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực.

Thực tế triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau an toàn, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP… đã đáp ứng được đòi hỏi về đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Hình thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng máy móc trong khâu chế biến đã nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy vậy, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng chỉ mới dừng lại một vài khâu nhỏ lẻ như tưới tiết kiệm nước, nhiều công nghệ tiên tiến vẫn chưa được áp dụng đồng bộ vào sản xuất. Hạn chế này dẫn đến sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, khi có biến động của thời tiết, hoạt động chăn nuôi, trồng trọt bị ngưng trệ, do đó không tạo được khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp thường xuyên cho các nhà phân phối.

Để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học cao, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần phải thu hút doanh nghiệp đầu tư sâu vào lĩnh vực này, hình thành mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tín hiệu đáng mừng là tỉnh đã “mở đường” mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đơn cử, Dự án Trồng cỏ nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc); Dự án Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở xã Phước Vinh; Dự án sản xuất Giống thủy sản công nghệ cao ở xã An Hải (Ninh Phước)… Khi hình thành sẽ có tác động tích cực vào việc chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp tiên tiến, tạo ra sản phẩm có hàm lượng “chất xám” cao.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến sản xuất giống hàu Thái Bình Dương ở Trung tâm Giống hải sản cấp I (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tỉnh cũng đã xây dựng Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 12 khu sản xuất rau an toàn công nghệ cao, với tổng diện tích 1.640 ha; 4 vùng sản xuất nho, táo công nghệ cao với tổng diện tích 700 ha; 2 vùng chăn nuôi bò công nghệ cao với tổng diện tích 150ha, tổng đàn khoảng 6.000 con; 2 vùng chăn nuôi dê, cừu công nghệ cao với tổng diện tích 250 ha, tổng đàn khoảng 17.000 con; 3 vùng nuôi thủy sản thương phẩm công nghệ cao, với tổng diện tích 200 ha, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam, sản lượng hàng năm đạt từ 2.500-3.000 tấn.

Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh. Xây dựng một số mô hình ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, chăn nuôi tập trung gắn liền với đồng cỏ, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng. Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ nuôi thâm canh; nghiên cứu xử lý môi trường nuôi tôm; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học; nghiên cứu thử nghiệm quy trình công nghệ nuôi tự động kiểm soát môi trường đối với một số loài thủy sản.


Related news

giai-phap-nao-cho-chan-nuoi-ben-vung Giải pháp nào cho chăn… nuoi-heo-hanh-phuc-o-ha-lan Nuôi heo hạnh phúc ở…