Mô hình kinh tế Ninh Thuận Vào Vụ Tôm Mới

Ninh Thuận Vào Vụ Tôm Mới

Publish date Monday. May 12th, 2014

Thời điểm hiện nay, các hộ nuôi tôm trên toàn tỉnh Ninh Thuận đang tập trung cải tạo đìa, thả tôm nuôi. Về khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã An Hải (Ninh Phước) vào đầu tháng 5, không khí lao động rất khẩn trương.

Năm ngoái, nhiều chủ đìa trúng đậm tạo được tâm lý vững vàng đầu tư làm ăn tiếp. Theo những hộ nuôi tôm, vụ này rất nhiều chủ đìa muốn mở rộng diện tích nuôi thả, nhưng quỹ đất ở khu vực không còn.

Nét mới của vụ tôm này là các hộ nuôi theo mô hình công nghệ cao. Nhiều chủ đìa tôm như anh Hai Phi, Tám Vinh… chi hàng tỷ đồng xây tường bao quanh, phủ lưới che mặt nước, lắp đặt hệ thống sục khí, đường ống dẫn nước tự động. Những chủ đìa không có điều kiện thì dùng bạt, tôn che chắn quanh khu vực nuôi.

Hình thức này ngăn chặn được các đối tượng bên ngoài xâm nhập gây hại cho tôm, dễ dàng thực hiện các biện pháp điều tiết mực nước đìa nuôi. Mặt khác, việc phủ lưới che còn có tác dụng làm ổn định nhiệt độ mặt nước trong đìa, tạo môi trường thích hợp cho tôm phát triển.

Đến tham quan mô hình nuôi tôm tiên tiến ở Trung tâm Giống hải sản cấp 1 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kỹ thuật nuôi có nhiều thay đổi. Khu vực đìa rộng 1 ha của Trung tâm không những được bao quanh vòng tường chắn cát, mà bên trên mặt nước còn phủ kín lưới cước màu đỏ.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Việc phủ lưới có tác dụng ngăn chặn chim trời sà xuống đìa phát tán mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Hình thức nuôi mới đạt năng suất cao, vụ tôm năm 2013 trên 1 ha đìa Trung tâm thu được 25 tấn, trong khi chi phí mua lưới che mặt đìa chỉ chừng 25 triệu đồng/ha, nên mô hình đang được nhân rộng.

Vụ tôm này toàn tỉnh thả nuôi gần 700 ha; trong đó khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã An Hải và Phước Dinh (Thuận Nam) khoảng 250 ha. Hiện nay, các hộ đã thả con giống được 1/3 diện tích, số đìa còn lại đã trải bạt lót đáy, phủ lưới, bơm nước xử lý môi trường chuẩn bị thả giống.

Để hạn chế dịch bệnh, các chủ đìa chỉ chọn giống tôm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch. Phục vụ nhu cầu tôm giống chất lượng cao của hộ nuôi, Trung tâm Giống hải sản cấp 1 đã nâng sản lượng tôm giống từ 60 triệu con vào năm 2013 lên 80 triệu con trong vụ này. Hiện Trung tâm đã xuất bán 10 triệu con cho các hộ nuôi, qua theo dõi tôm phát triển tốt.

Vụ tôm này, các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam chú trọng phát triển theo hướng bền vững, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất.

Những hộ có vốn, kinh nghiệm, mạnh dạn “gom đìa” đầu tư nuôi thâm canh trên quy mô lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, cho biết thêm: Hình thức nuôi quảng canh, manh mún trước đây nay không còn phù hợp. Thực tế để nuôi tôm đạt hiệu quả, ngoài có vốn đầu tư chủ đìa phải nắm bắt được kỹ thuật, chủ động áp dụng mô hình mới.

Để vụ tôm năm nay đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương hướng dẫn bà con cải tạo đìa theo đúng quy trình kỹ thuật, nêu cao ý thức cộng đồng giữ gìn môi trường mặt nước, khuyến cáo hộ nuôi không vì lợi ích trước mắt mà sử dụng giống kém chất lượng; thả giống tuân thủ lịch thời vụ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5.

Có thế nói, nghề nuôi tôm ở tỉnh ta đang ngày càng đi vào quy củ, nhất là khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng công nghê cao ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Dinh (Thuận nam) hộ nuôi đã liên kết thành lập các tổ cộng đồng tạo sự bền vững trong sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn nuôi tôm theo hình thức quảng canh hiệu quả chưa cao.

Cụ thể như ở huyện Ninh Hải hộ nuôi chưa chấp hành thả giống đúng theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Lấy lý do khu vực nuôi tôm ven Đầm Nại thường bị lũ lụt nên không ít hộ thả giống sớm. Vụ tôm này, huyện chỉ đạo bà con thả giống đúng lịch thời vụ, nhân rộng mô hình nuôi tôm tiên tiến.


Related news

chan-chinh-viec-lam-dung-dung-khang-sinh-trong-nuoi-tom Chấn Chỉnh Việc Lạm Dụng… ca-tra-xuat-khau-tang-con-dien-tich-nuoi-lai-giam Cá Tra Xuất Khẩu Tăng,…