Tôm thẻ chân trắng Nỗi ám ảnh kháng sinh trong tôm

Nỗi ám ảnh kháng sinh trong tôm

Publish date Friday. August 7th, 2015

Lỗi không phải ở dân!

Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói ở đây là: Ai có trách nhiệm quản lý, tổ chức phòng chống dịch bệnh tôm, ai ban hành quy định về sản xuất, lưu hành và sử dụng kháng sinh, ai hướng dẫn cho dân dùng, ai cấp phép và kiểm soát việc sản xuất và lưu hành thuốc – đó là những người đáng trách vì có lỗi lớn nhất.

“Không thể trách nông dân được vì họ đã đổ toàn bộ tài sản vào ao tôm, khi tôm có bệnh họ phải cứu tài sản của họ bằng mọi cách, thương phương châm còn nước còn tát” – PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Phó CT Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam chia sẻ.

Dư lượng kháng sinh trong tôm

Hơn 20 năm trước đây, câu chuyện kháng sinh chưa được đề cập đến trong ngành nuôi tôm, khi đó các hộ nuôi tôm chủ yếu theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, với mật độ thưa, sử dụng ít thức ăn, nên môi trường nuôi trong sạch hơn, dịch bệnh dù có xuất hiện nhưng không phức tạp như bây giờ. Vài năm gần đây, người nuôi tôm sú và tôm chân trắng trên thế giới khốn đốn vì hội chứng tôm chết sớm (EMS), khiến tôm chết như “ngả rạ”. Nghề nuôi tôm hiện nay tiềm ẩn nhiều mối nguy do dịch bệnh, môi trường ô nhiễm và nuôi không đúng kỹ thuật, lạm dụng hoá chất, bơm tiêm tạp chất…

Lạm dụng thuốc kháng sinh đang là vấn nạn trong nghề nuôi tôm, vậy tại sao vấn nạn này lại kéo dài như thế, nó từ đâu ra và ai đưa nó vào, ai có trách nhiệm kiểm soát nó và đã kiểm soát ra sao?

Doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu (XK) tôm không ai sử dụng kháng sinh trong chế biến, nhưng lại là người phải gánh chịu hậu quả cuối cùng và nặng nề, nếu dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm vượt quá giới hạn mà cơ quan thẩm quyền về an toàn thực phẩm các nước nhập khẩu cho phép. Những giới hạn này thường rất thấp, tính bằng đơn vị phần tỷ (ppb) khối lượng, phải do các phòng thí nghiệm được trang bị cao cấp xác định, việc kiểm nghiệm từng lô hàng tôm nguyên liệu khi đến DN hàng ngày là rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian. DN lớn tiêu tốn nhiều tỷ đồng mỗi năm cho việc kiểm nghiệm nhưng vẫn không thể kiểm soát nổi dư lượng kháng sinh, phải chịu thiệt hại trăm bề, nhất là với cách thức quản lý chồng chéo, kém hiệu quả hiện nay của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, và nhiều cơ quan khác của Bộ NN&PTNT và các địa phương! Khổ sở với vấn nạn này, DN khản cổ kêu ca kiến nghị mãi mà các cơ quan chức năng chẳng có động thái nào hồi đáp, ngoài những khẩu hiệu.

Sử dụng kháng sinh là người nuôi tôm, họ trộn kháng sinh với thức ăn để tôm ăn, thậm chí đổ thẳng kháng sinh xuống đầm nuôi. Hiện nay không ai biết chính xác bao nhiêu loại kháng sinh đang được dùng và dùng như thế nào trong nuôi thủy sản ở nước ta, Tổng cục Thủy sản không biết, những người quản lý ở địa phương cũng không biết, bởi các tên thuốc mới “mọc” lên quá nhanh, quá nhiều.

Khác hẳn với DN chế biến cá tra chủ động được khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu, hiện nay DN chế biến tôm XK chỉ có thể chủ động tự nuôi tôm đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tôm nguyên liệu để chế biến, phần còn lại họ phải mua ở bên ngoài. Và đa số lượng tôm đó là của các hộ nuôi tôm gia đình, không ai có thể đảm bảo được chất lượng tôm ở các hộ nuôi này, đây là một canh bạc đầy rủi ro cho các DN chế biến XK tôm mà họ buộc phải tham gia hàng ngày.

Thực tế đã chứng minh rõ điều đó khi trong mấy năm gần đây các nước nhập khẩu tôm lớn như Mỹ, Nhật, EU đều đưa ra cảnh báo về chất lượng con tôm Việt Nam.

Trách nhiệm của quản lý Nhà nước

Trong bối cảnh DN không thể chủ động được nguyên liệu bằng cách tổ chức vùng nuôi riêng của mình, điều phải làm là liên kết với các hộ nuôi cá thể. Câu hỏi đặt ra là, DN sẽ liên kết với ai trong số các hộ nuôi đó? Đối tác liên kết đầu tiên của DN chắc chắn là các trang trại tư nhân và các hộ nuôi tôm lớn, có vốn, có kỹ thuật, có kinh nghiệm, tuy nhiên rất tiếc là số hộ này không nhiều, cũng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến. Và vấn đề nằm ở chỗ 80% lượng tôm còn lại là ở các đối tượng nuôi cá thể, quy mô nhỏ, phần lớn là hộ gia đình.

Mấu chốt của vấn đề là không ai có thể kiểm soát được chất lượng tôm nằm ở các hộ nuôi này. Bởi vì các hộ nuôi cá thể nuôi không đúng kỹ thuật, lạm dụng hoá chất dẫn đến môi trường ô nhiễm và dịch bệnh xảy ra tràn lan, và buộc phải sử dụng kháng sinh vô tội vạ. Rõ ràng để xảy ra hậu quả này lỗi trực tiếp là nằm ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên các hộ nuôi loại này thường không biết nhiều về liều lượng kháng sinh, cách sử dụng, thời điểm nào…

Câu chuyện đáng nói ở đây là: ai có trách nhiệm quản lý, tổ chức phòng chống dịch bệnh tôm, ai ban hành quy định về sản xuất, lưu hành và sử dụng kháng sinh, ai hướng dẫn cho dân dùng, ai cấp phép và kiểm soát việc sản xuất và lưu hành thuốc – đó là những người đáng trách vì có lỗi lớn nhất. Không thể trách nông dân được, vì họ đã đổ toàn bộ tài sản vào ao tôm, khi tôm có bệnh họ phải cứu tài sản của họ bằng mọi cách, theo phương châm còn nước còn tát.

Hiện nay các loại thuốc kháng sinh nhiều vô kể, thuốc dởm cũng vô cùng nhiều và thực tế các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được. Một trong những lý do dễ thấy là không có nước nào như ở Việt Nam dùng lực lượng kiểm soát bệnh động vật trên cạn (thú y) để kiểm soát bệnh động vật dưới nước (ngư y), hơn nữa đội ngũ kiểm soát này lại cực kỳ mỏng, yếu và … thiếu đủ thứ. Bộ NN&PTNT chưa có cách tiếp cận chính xác khoa học để giải quyết vấn đề này, tất cả thường chỉ dừng ở khẩu hiệu, hô hào. Người nuôi coi chữa bệnh như cứu lửa, vậy nhưng các cơ quan quản lý chỉ hô hào người nuôi không sử dụng kháng sinh, vậy nếu không sử dụng kháng sinh thì họ sẽ sử dụng cái gì để cứu “tài sản” của mình? Không có cơ quan nào chỉ cho họ điều đó. Người nuôi nào cũng đều muốn sản xuất nuôi trồng phải sinh lợi, họ bỏ tất cả tiền bạc tài sản của họ vào nuôi tôm, bây giờ đứng trước nguy cơ tôm dịch bệnh và có thể phá sản thì họ phải cứu tôm bằng mọi cách mà không thể chờ đợi một phép màu của ai đó đưa đến.

Các hướng đi hạn chế dịch bệnh và dư lượng kháng sinh trong tôm

Hiện nay có nhiều người bỏ nghề nuôi tôm, những người tiếp tục nuôi lâu dài đi theo hai hướng ngược nhau. Một số người lựa chọn cách nuôi tôm mật độ thấp, nuôi tôm sinh thái, ít rủi ro dịch bệnh, sử dụng thức ăn sinh thái, tự nhiên. Ngay cả DN nuôi tôm lớn nhất Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đi theo xu thế này, nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn – một hướng đi bền vững. Một hướng khác là nuôi tôm thâm canh mật độ rất cao trong nhà, với điều kiện kiểm soát tối đa, nhiệt độ, chất lượng nước, mầm bệnh, sức khỏe tôm nuôi liên tục. Đã có nhiều mô hình nuôi tôm “siêu công nghiệp” công nghệ cao được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Các phóng viên của Tạp chí Thương mại Thủy sản và ASEAN Seafood của VASEP vừa được đi thăm “thành phố tôm” của Tập đoàn C.P. Thái Lan.

Tuy nhiên, ở ta hiện nay chỉ có rất ít DN đi theo 2 hướng này, vì cần rất nhiều diện tích vùng nuôi (hướng 1) hoặc rất nhiều tiền đầu tư (hướng 2). Còn các hướng đi ở giữa như nuôi tôm bán thâm cạnh, thâm canh, quảng canh cải tiến,… đều ẩn chứa những rủi ro ở mức độ cao, và người nuôi đang phải tự “bơi”, chấp nhận rủi ro, thách thức. Vì vậy, người nuôi tôm có một câu đố vui: “Con gì ăn khỏe nhất?” Không phải là voi, sư tử, hổ, báo,… mà chính là con tôm. Vì tôm có thể nhai xe ô tô của anh, ăn nhà của anh, nuốt đất đai của anh, ăn sạch sanh tài sản của anh!

Để hạn chế bớt mức độ rủi ro, các DN và người nuôi tôm cần áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát rủi ro hiệu quả, thí dụ mô hình nuôi tôm thâm canh cùng với nuôi cá rô phi (những nghiên cứu đã được tiến hành cho thấy nhớt của cá rô phi có tác động tích cực về kiểm soát vi khuẩn gây bệnh EMS). Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật đó, các DN cần phải tăng cường học tập những mô hình nuôi tôm ở các nước khác để áp dụng cho mình.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực thi trách nhiệm to lớn nhưng nặng nề của mình, không chỉ về quy hoạch đúng, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, các chính sách quy định quản lý hoạt động nuôi, mà còn giúp DN và người nuôi tôm tổ chức lại vùng nuôi, kiểm soát dịch bệnh tôm ngay từ việc nâng cao chất lượng đàn tôm bố mẹ, con giống, thức ăn, hóa chất, kháng sinh. Nếu không giải quyết tận gốc và có hệ thống những vấn đề này thì vĩnh viễn không giải quyết được nạn dư lượng kháng sinh ở tôm.

Về những vấn đề này VASEP đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Các vấn đề khác cũng được chúng tôi kiến nghị nhiều, như cần tăng cường năng lực quản lý ở địa phương để kiểm soát việc sử dụng kháng sinh tại ao nuôi, có biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng kháng sinh cùng các biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm giúp người nuôi vừa phòng bệnh tốt vừa tránh rủi ro tôm có dư lượng kháng sinh… Vậy nhưng dường như các cơ quan quản lý còn thờ ở với những kiến nghị về cách giải quyết các vấn đề sinh tử đó của nghề nuôi tôm.

Tags: khang sinh trong tom, khanh sinh, nuoi tom, thuoc thuy san, nuoi trong thuy san


Related news

tac-dung-cua-thuoc-trong-nuoi-trong-thuy-san Tác dụng của thuốc trong… chlorin-va-tcca-co-hieu-qua-diet-khuan-cao-trong-nuoi-tom Chlorin và TCCA có hiệu…