Mô hình kinh tế Nỗi Buồn Con Cá Tra Đâu Rồi Thời Hoàng Kim?

Nỗi Buồn Con Cá Tra Đâu Rồi Thời Hoàng Kim?

Publish date Saturday. September 21st, 2013

Mấy ngày qua, tình hình giá cá tra chẳng mấy khả quan khi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg dưới giá thành sản xuất từ 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi vật giá đều nằm ở mức cao, khiến ngư dân “oằn lưng” chịu lỗ. Hàng loạt ao hầm tiếp tục bị “treo”, do người nuôi không còn vốn để tái đầu tư. Nhiều hộ, phải “nhường sân” cho doanh nghiệp hoặc các đại gia thuê nuôi cá tra.

Càng nuôi càng lâm vào khốn đốn

Bù lỗ từ nguồn nuôi cá bè, ông Mến ở xã Đa Phước (An Phú - An Giang) tái đầu tư nuôi 2 hầm cá tra. Cách đây 2 tháng, ông gạn bán hơn 300 tấn, với giá 19.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Mến lỗ hơn 1 tỷ đồng. Ông nói: “Chủ yếu sống bằng nghề nuôi cá tra và ba sa, nếu không tiếp tục đầu tư nuôi thì làm nghề gì bây giờ? Nhiều hộ gần hầm tôi, không “gượng” nổi đã bỏ trống ao. Khoảng 3 năm trở lại đây, không năm nào tôi bán cá có lời, chỉ từ phá huề đến lỗ”.

Còn ở xã Hòa Lạc, Phú Bình (Phú Tân) nơi từng được mệnh danh là “xóm hầm”, nay hàng loạt hộ đã “treo” ao hoặc bơm cát san lấp. Không còn vốn để tái sản xuất, nhiều hộ chuyển đổi sang nghề “nuôi” trứng nước, nuôi cá lóc, cá thác lác cườm kiếm sống.

Mới kêu ký hợp đồng bán cá với giá 20.000 đồng/kg với một doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp, ông T.V.B than rằng: “Hầm cá của tôi khoảng 70 tấn, bán với giá này thì lỗ mỗi ký khoảng 4.000 đồng. Ban đầu cũng nhờ cho ăn thức ăn tự chế, sau đó đến giai đoạn gần bán mới chuyển sang cho ăn thức ăn viên nên mức lỗ thấp so với những hộ lân cận.

Hiện, ngư dân nuôi cá tra đều khó khăn trong khâu vay vốn để tái đầu tư sản xuất. Tôi và những hộ đeo nghề là phải vay nóng bên ngoài để xoay vòng đầu tư, chứ khó tiếp cận được vốn vay từ phía ngân hàng”. Bán xong đợt cá này, ông B. sẽ chuyển sang nuôi cá lóc hoặc cá thác lác cườm mong gỡ nợ.

Nghề nuôi cá tra đã trở thành nghề chính để phát triển kinh tế gia đình nên việc lỗ lã đã khiến nhiều người khóc ròng bên ao cá, chưa kể họ lại gánh thêm thảm cảnh bị các công ty “ma” trả chậm, thậm chí quỵt nợ tiền tỷ. Cầm tờ hợp đồng trên tay, ông Nguyễn Văn Khi (59 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú) ngậm ngùi: “Tôi nuôi cá trên 10 năm, ban đầu nuôi bè, rồi chuyển sang nuôi hầm.

Từ khi lên bờ đào hầm nuôi, đến nay đã bán được 4 đợt, tôi đã được các công ty khác thanh toán tiền sòng phẳng 3 đợt. Tuy nhiên, đợt thứ 4 thì bị công ty lừa đảo”. Ông Khi kể tiếp: “Khoảng tháng 7 năm 2010, cũng xuất phát từ cá tra rớt giá nên thông qua những tay “cò”, tôi đã bán cho Công ty Cổ phần Thủy sản Gia Bảo 300 tấn, giá 15.800 đồng/kg. Theo hợp đồng, sau 30 ngày bắt cá, công ty sẽ thanh toán đủ tiền.

Thế nhưng, ông Khi chỉ mới nhận được 590 triệu đồng tạm ứng, số tiền còn lại đại diện công ty cứ hẹn lần, hẹn lựa. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên ông Khi và những hộ nuôi cá khác đã làm đơn tố cáo. “Với sự chứng kiến của các điều tra viên, ông Bổn đã làm bản xác nhận nợ tôi hơn 4 tỉ đồng và hứa sẽ thanh toán cả gốc lẫn lãi trong 60 ngày. Tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa trả thêm đồng nào cho tôi, trong khi đó, mỗi tháng phải vay nóng bạn bè đóng lãi 60 triệu đồng. Nuôi cá đã lỗ còn gánh thêm nạn bị giựt tiền bán cá, ngư dân như bị khối đá đè lên vai vậy” - ông Khi bức xúc.

Doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi:

Để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp thành lập các vùng nuôi cá tra riêng, là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, bởi chủ động được nguồn nguyên liệu và bảo đảm chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ tự túc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đạt hơn 70% và xu hướng ngày càng tăng. Ngược lại với xu hướng đó, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh, do người nuôi nhỏ lẻ ngày càng đuối sức, với chi phí sản xuất cao trong khi giá bán cá tra lại thấp.

Ông Lưu Bách Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt An cho biết, những năm qua, công ty đã đã thành lập chuỗi khép kín riêng, đồng thời hình thành chuỗi liên kết dọc với ngư dân nhằm ổn định nguyên liệu cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Hiện tại, công ty đã mở rộng khoảng 6 vùng nuôi, với diện tích khoảng 100 héc-ta cộng với khoảng 70 héc-ta của ngư dân nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế sạch từ con giống đến bàn ăn. Trong tương lai, để cá tra phát triển bền vững cần có sự liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến thức ăn, ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Đề cập vấn đề khó khăn đối với nghề nuôi cá tra hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang Lê Chí Bình nói rằng, doanh nghiệp phải là trung tâm mua cá và tiêu thụ cá dưới sự điều tiết của Nhà nước. Từ đó, tránh tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, hạ giá bán giành mối bán…, gây hẹp cánh cửa xuất khẩu mặt hàng chiến lược này.

Để nghề nuôi cá tra thực sự tồn tại thì đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải tham gia vào hiệp hội, cùng nhau chia sẻ lợi ích với ngư dân, đồng thời chủ động nghiên cứu sản xuất, tạo ra những sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó, Nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi, xúc tiến thương mại, ban hành hành lang pháp lý để các thành viên trong hiệp hội hoạt động đúng hướng.

Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn

Giám đốc Sở Công thương, Mai Thị Ánh Tuyết nhìn nhận, thị trường xuất khẩu mặt hàng cá tra còn gặp nhiều khó khăn, khi hàng loạt các rào cản về kỹ thuật được dựng lên ở các nước nhập khẩu. Song song đó, những khó khăn về vốn, chi phí sản xuất, khiến các doanh nghiệp ngành Thủy sản và người nuôi lao đao.


Related news

nguon-loi-hai-dac-san-co-hien-tuong-chet-hang-loat-tren-vung-bien-binh-thuan Nguồn Lợi Hải Đặc Sản… can-co-qui-dinh-ve-nuoi-ca-tra-ai-vi-pham-se-phat Cần Có Qui Định Về…