Nỗi lo mất mùa xoài
Diễn biến thời tiết bất lợi
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa rồi, giá xoài các loại trên vùng Bảy Núi (An Giang) dao động khoảng 15.000 đồng/kg, có lúc nhảy vọt lên 18.000 đồng/kg và thậm chí xoài đẹp (loại 1) bán tại vườn được 20.000 đồng/kg.
“Xoài trái vụ, giá như vậy ngon lành, gấp đôi năm ngoái” – ông Lê Văn Tâm (ấp Ba Xoài, xã An Cư, Tịnh Biên) nói.
Tuy nhiên, đâu có bao nhiêu nhà vườn hưởng được “bổng lộc” đó, khi mà mưa đêm nhiều và giông gió liên tục.
Mọi người đều phập phồng, thiệt hại coi như khó tránh khỏi nên sản lượng xoài sụt giảm, phải xử lý kích thích ra hoa lại lần thứ 2, lần thứ 3…
Với khuynh hướng lập vườn trồng xoài, cư dân miền núi ngày càng tiếp cận kỹ thuật xử lý ra hoa và cho trái trái vụ (đợt đầu tháng mười, rằm tháng mười, tháng mười một và tháng chạp).
Ai cũng xem đây là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, không sợ dội chợ hay ế hàng, né được thời điểm rộ mùa (tháng hai, tháng ba) nên không bị xoài miệt dưới lấn át cả về số lượng và chất lượng.
“Người ta nói xoài Bảy Núi có trái quanh năm là vậy” – ông Lê Thanh Dũng (ấp Trung An, xã Lê Trì, Tri Tôn) lý giải.
Thực tế cho thấy, thời tiết diễn biến không theo ý muốn nên nhà vườn tốn kém chi phí đầu tư khá lớn.
Cư dân khu vực Tà Lọt cho biết, cây xoài muốn cho trái đợt rằm tháng mười, nhà vườn phải xử lý trước đó ít nhất 3 tháng, ngay cả thương lái mua xoài lá cũng vậy.
“Cứ xịt kích thích, hễ thấy cây ra đọt ngon, bắt đầu nhú bông là chuyển sang xịt dưỡng” – ông Nguyễn Thanh Hoàng (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên) cho hay.
Vậy mà, chưa chắc ăn khi gặp mưa đêm liên tục.
Bấy giờ, nhà vườn chỉ biết nhìn cây xoài tiếc rẻ, chờ đợi xử lý kích thích ra hoa đợt tiếp theo.
Trái vụ lắm chuyện rủi ro
Diện tích trồng xoài quanh chân núi ở Tri Tôn và Tịnh Biên đang phát triển mạnh.
Cư dân chọn “trái vụ” là giải pháp tiêu thụ sản phẩm tích cực, khi có thương lái đến tận vườn mua gom để đưa ra phía Bắc, mọi người gọi là hàng “xuất khẩu” qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Do vậy, các nhà vườn đua nhau xử lý kích thích ra hoa và cho trái trái vụ, nhưng quên đi yếu tố dinh dưỡng cho cây xoài, do ngành chuyên môn của 2 huyện đã khuyến cáo.
Cho nên, nhiều loại dịch bệnh phát sinh, mà người ta hay nói đùa là “lờn thuốc” hay “càng xịt càng chết”.
Đó là những vườn xoài ven sườn núi, còn đối với các miếng vườn ở độ cao 300m – 400m lại khó khăn về nước tưới.
Hơn nữa, trên sườn núi cao thì giông gió càng nhiều, cây xoài trổ bông và kết trái ngay thời điểm dễ bị thất thu.
“Cây xoài núi coi vậy mà khó, lơ mơ hổng phải dễ ăn.
Vài năm gần đây, xoài trái vụ hạch toán chi phí cao, lợi nhuận cũng hổng tương xứng.
Nhà vườn, ai nấy đều than” – ông Lê Văn Đổng (khóm An Định, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) chia sẻ.
Rủi ro lớn nhất là tác động thời tiết (hạn hán, mưa đêm, giông gió) khiến sản lượng trái vụ từng khu vực ngày càng giảm.
Rằm tháng mười sắp tới, sản lượng xoài nhiều khu vực ở Bảy Núi còn khiêm tốn, các bến đường núi kém phần nhộn nhịp.
Vườn xoài khoảng 50 cây phải chi ra 4,5 – 5 triệu đồng để xử lý ra hoa và kết trái trái vụ.
Sau đó, nhà vườn còn xịt dưỡng dài dài, phòng tránh dịch bệnh đến khi thu hoạch, tiền tốn thêm cũng cỡ đó.
“Thấy ăn trước mắt vậy, mà gặp mấy đám mưa đêm, rồi giông gió thì kể như trắng tay” – ông Nguyễn Văn Sơn (ấp Tà Lọt, xã An Hảo) nói thiệt tình.
Biết rủi ro, nhưng ai cũng hăng say, kỳ vọng không dội hàng và được giá hơn lúc rộ mùa tháng hai, tháng ba.
“Tháng mười, khu vực Bảy Núi vẫn còn xuất hiện những trận mưa đêm, dễ gây thiệt hại cho các vườn xoài đang giai đoạn xử lý ra hoa, kết trái và chuẩn bị thu hoạch vào khoảng tháng mười một, tháng tháng chạp” – ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên, cho biết.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao